Các trường đại học đổi mới tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu xã hội

Trước đòi hỏi của xã hội và người học, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có những bước thay đổi đáng kể trong xu hướng đào tạo và phương thức tuyển sinh từ năm học 2024 – 2025; trong đó có việc mở ngành mới, bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển mới.

Đảm bảo tính phù hợp

Thông tin từ năm học 2024 – 2025, Trường ĐH Y Hà Nội bắt đầu tuyển sinh tổ hợp có môn văn thu hút sự quan tâm của dư luận. Một trường ĐH công lập uy tín nhất cả nước về đào tạo y khoa với lịch sử hơn 100 năm; vẫn luôn chọn một tổ hợp duy nhất để tuyển sinh là B00, nay thay đổi tư duy, tuyển sinh thêm tổ hợp C00, D01 liệu có đảm bảo chất lượng đầu ra và phù hợp với mục đích đào tạo?

Từ năm học 2024 – 2025, Trường ĐH Y Hà Nội bắt đầu tuyển sinh tổ hợp có môn văn (C00, D01) - Ảnh: FBNT

Từ năm học 2024 – 2025, Trường ĐH Y Hà Nội bắt đầu tuyển sinh tổ hợp có môn văn (C00, D01) - Ảnh: FBNT

PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: năm nay, trường mở 3 ngành mới là Tâm lý học (60 chỉ tiêu), Hộ sinh (50 chỉ tiêu) và Kỹ thuật phục hình răng (50 chỉ tiêu). Trong đó, hai ngành Hộ sinh và Kỹ thuật phục hình răng cùng thuộc lĩnh vực Sức khỏe, được Bộ GD&ĐT cho phép và tuyển sinh theo tổ hợp truyền thống B00. Riêng ngành Tâm lý học, ngoài xét tuyển tổ hợp B00, trường còn xét tuyển ở 2 tổ hợp có môn văn là C00 và D01 (mỗi tổ hợp lấy 20 chỉ tiêu).

Với ngành Tâm lý học, PGS.TS Lê Đình Tùng chia sẻ, việc sử dụng tổ hợp C00 và D01 để xét tuyển không có gì lạ do đây là ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi.

Theo PGS.TS Lê Đình Tùng, các trường đại học hiện nay đào tạo ngành này cũng sử dụng các tổ hợp truyền thống như C00, D01, B00 để xét tuyển. Trường mở ngành này trên cơ sở rà soát, đối chiếu và so sánh với các chương trình đào tạo ngành Tâm lý học đã được kiểm định theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT và ngành Tâm lý học của các trường đại học tiên tiến khác trên thế giới. Căn cứ chuẩn đầu vào chương trình đào tạo và nội dung giảng dạy cho thấy, sinh viên cần có nhiều kiến thức thuộc khối xã hội để đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình.

Với ngành Y tế công cộng, cùng tổ hợp B00 và B08, trường tuyển sinh theo tổ hợp D01 – cũng có môn văn. PGS.TS Lê Đình Tùng lý giải, điều này xuất phát từ thực tế hầu hết sinh viên ngành Y tế công cộng sau khi tốt nghiệp ra trường đều làm việc trong các tổ chức quốc tế.

“Sau khi tham khảo ý kiến của các bên liên quan, trong đó có nhà tuyển dụng, chúng tôi mong muốn tìm kiếm những sinh viên tư duy logic, khả năng lập dự án, phân tích, quản lý, năng lực tiếng Anh, viết và trình bày các kết quả báo cáo”, PGS.TS Lê Đình Tùng nói.

Như vậy, việc tuyển sinh bằng tổ hợp có môn văn của Trường ĐH Y Hà Nội với các ngành Tâm lý học, Y tế công cộng đảm bảo tính phù hợp, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bên liên quan cũng như quy định của Bộ GD&ĐT.

Đáp ứng nhu cầu xã hội

Trong đề án tuyển sinh của một số trường đại học năm nay xuất hiện nhiều điểm đáng chú ý, nhất là việc các trường mở ngành có phần… đối nghịch với xu hướng đào tạo vốn là thương hiệu của trường. Đơn cử như: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có thế mạnh đào tạo khối ngành kinh tế thì mở 6 ngành mới, trong đó có 5 ngành thuộc lĩnh vực công nghệ, 1 ngành thuộc lĩnh vực du lịch; ĐH Bách khoa Hà Nội vốn đóng đinh với đào tạo các ngành kỹ thuật, nay tuyển sinh thêm ngành Quản lý giáo dục; Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, vẫn là trường đào tạo hàn lâm về ngành khoa học xã hội thì xuất hiện ngành “Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng”; ….

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: FBNT

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: FBNT

Thông tin về vấn đề này, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định, trường đã có sự chuẩn bị từ sớm và có chiến lược cho việc đa dạng hóa, mở rộng ngành đào tạo. Trước đây, kinh tế, quản lý, quản trị vốn là 3 trụ cột chính trong đào tạo của nhà trường. Nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, trường đã có một số ngành thuộc về công nghệ hay khoa học xã hội như: Luật, Ngôn ngữ Anh, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin…, để đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với sự phát triển trong thời đại công nghệ số.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, ngành Quản lý giáo dục mà ĐH Bách khoa tuyển sinh từ năm 2024 thuộc khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục. Hiện khoa đào tạo ngành Công nghệ giáo dục nhằm cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng áp dụng các xu hướng công nghệ mới nhất vào giáo dục, do vậy, ngành Quản lý giáo dục giúp hoàn thiện đối tượng còn thiếu là đội ngũ đảm nhận việc tổ chức đào tạo và quản lý.

Lý giải mỗi liên kết giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và ngành Quản lý giáo dục, PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ: Thay vì các phương thức thủ công như trước, quản lý giáo dục ngày nay đặt ra yêu cầu cao về việc dùng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý. Với thế mạnh là cơ sở đào tạo hàng đầu về kỹ thuật và công nghệ, người học ngành Quản lý giáo dục tại ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được đào tạo thêm các kiến thức về công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, trí tuệ nhân tạo,... giúp đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Về lý do mở ngành “Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng”, ông Bùi Thành Nam, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trường mở ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và đón đầu xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Trường không hướng tới đào tạo diễn xuất mà chú ý về kịch bản, phê bình điện ảnh một cách bài bản...

Chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành ở từng lĩnh vực bao gồm không chỉ những quy định về chuẩn đầu vào, mà còn các yêu cầu khác về điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra cho từng lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo. Trước khi quyết định mở ngành đào tạo mới hay đề ra những phương thức, tổ hợp xét tuyển mới, các cơ sở giáo dục đại học đã có quá trình chuẩn bị, nghiên cứu, rà soát, tham khảo các quy định, đặc biệt là những tín hiệu của thị trường lao động để xây dựng chương trình phù hợp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội cũng như người học.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-truong-dai-hoc-doi-moi-tuyen-sinh-de-dap-ung-nhu-cau-xa-hoi.html