Các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng tốc tuyển sinh
Các trường đại học tăng tốc công bố chỉ tiêu, phương án tuyển sinh năm 2023. Một số trường mở ngành mới, tăng chỉ tiêu đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Khởi động tuyển sinh
Thông tin từ Trường ĐH Kiên Giang, năm 2023, trường tuyển sinh 22 ngành, trong đó có 2 ngành mở mới là Kinh doanh quốc tế, Bảo vệ thực vật với tổng chỉ tiêu tuyển sinh 1.675 đại học chính quy, 529 chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học và tuyển sinh cấp học bổng cho sinh viên quốc tế.
Trường ĐH Kiên Giang xét theo kết quả học tập THPT 85%; xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Xét theo kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2023; Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển với tổng chỉ tiêu 15%.
Theo thống kê của Trường ĐH Kiên Giang, năm 2022 Hội đồng tuyển sinh đã tổ chức 4 đợt xét tuyển, kết quả có 1.582 thí sinh trúng tuyển vào 20 ngành đào tạo. Trong đó, 1.461 thí sinh trúng tuyển bằng điểm xét tuyển học bạ (92,35%); 118 thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT (7,46%) và 3 thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực (0,2%).
TS Nguyễn Tuấn Khanh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang cho biết: Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục có những chủ trương, chính sách thu hút người học, chính sách hỗ trợ các trường THPT trong công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển các câu lạc bộ ngoại ngữ...
Thông tin từ Trường ĐH Đồng Tháp, năm 2023, trường dự kiến tuyển 4.080 chỉ tiêu (đại học 3.951 chỉ tiêu, cao đẳng 129 chỉ tiêu). Với 40 ngành đào tạo trình độ đại học chính quy, 1 ngành cao đẳng Giáo dục mầm non theo 4 phương thức xét tuyển độc lập.
Theo đó, phương thức 1 là xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Phương thức 2 xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ), nhận hồ sơ từ ngày 1/4/2023; Phương thức 3 xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Phương thức 4 xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của ĐHQG TPHCM.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long năm 2023 tuyển 2.790 chỉ tiêu; trong đó xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và kết quả thi tốt nghiệp THPT các năm trước 25 - 30% chỉ tiêu; xét học bạ THPT 55 - 60% chỉ tiêu và tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển 15 - 20%; xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực của các đại học quốc gia trong cả nước; xét tuyển kết hợp thi đánh giá năng lực tư duy do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức 5 - 10%.
Mở ngành mới đáp ứng nhu cầu nhân lực
Bên cạnh các ngành học truyền thống, các trường đại học tập trung nguồn lực mở ngành mới đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.
Trường ĐH Trà Vinh thời gian qua đầu tư các ngành đặc thù, mở rộng ngành mới theo hướng đa dạng hóa gắn kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương và khu vực.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Trà Vinh, với tốc độ tăng trưởng mạnh, tiềm năng phát triển,nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành Logistics hiện nay và trong những năm tới được dự báo ngày càng tăng trưởng.
Trường ĐH Trà Vinh đã thành lập Trung tâm Đào tạo Logistics và Thương mại điện tử nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết phát triển nguồn nhân lực logistics ở ĐBSCL. Đây là bước đi tiên phong của nhà trường trong bối cảnh khan hiếm nguồn nhân lực trong ngành logistics hiện nay.
Đặc biệt, trường tập trung đầu tư, phát triển nhân lực chất lượng cao về năng lượng, điện, cảng, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, khoa học sức khỏe, kinh tế, du lịch, công nghệ sinh học, quản lý môi trường… Đồng thời, nhà trường gắn kết với doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh thực hiện đào tạo theo địa chỉ, đặc biệt mở rộng chương trình đào tạo Co-op - mô hình đào tạo đặc thù của nhà trường.
Trường ĐH Cần Thơ tập trung nguồn lực cho định hướng nghiên cứu công nghệ cao, tự động hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Định hướng trên nhằm đưa Trường ĐH Cần Thơ thành cơ sở giáo dục ứng dụng các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số trong đào tạo và quản lý. Nhà trường tiếp tục phát triển cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ngoài trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và vùng khác.
Theo lãnh đạo nhà trường, căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước, yêu cầu thực tế cũng như vị trí việc làm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trường mạnh dạn đề xuất và mở mới các chương trình đào tạo nêu trên. Những ngành này đáp ứng nhu cầu việc làm trong 5 - 10 năm tới. Chương trình đào tạo cũng được xây dựng với sự góp ý của các chuyên gia và nhà tuyển dụng lao động, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Trường ĐH Cần Thơ vừa thành lập 4 trường (Trường Bách khoa; Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông; Trường Kinh tế; Trường Nông nghiệp). Theo GS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, với mô hình trường chuyên ngành, việc phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh hơn, tăng vai trò chủ động sáng tạo ở cấp dưới, tạo động lực phát triển đến từng giảng viên. Các trường chuyên ngành sẽ xây dựng chiến lược phát triển gắn với thế mạnh của mình để phục vụ cộng đồng…