Các trường đại học Việt Nam: Nỗ lực thu hút sinh viên quốc tế
Những năm gần đây, số lượng sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học (ĐH) của Việt Nam tăng đều qua từng năm. Điều này cho thấy chất lượng đào tạo của giáo dục ĐH Việt Nam ngày càng được khẳng định nhờ các trường chú trọng công tác kiểm định chất lượng (cả chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo). Đây là tín hiệu tích cực để các trường ĐH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập với giáo dục thế giới cũng như nâng cao chất lượng.
Tín hiệu tích cực
Theo Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT), năm học 2023-2024 có khoảng 22.000 du học sinh nước ngoài đang học tập tại các trường ĐH của Việt Nam. Trong đó có gần 4.000 du học sinh theo học diện hiệp định, số còn lại theo học diện tự túc hoặc theo các thỏa thuận song phương cấp trường, địa phương. Số lượng sinh viên nước ngoài học tại Việt Nam tăng dần qua từng năm: năm học 2020-2021 có 18.500 du học sinh, năm học 2022-2023 tăng lên 21.000 du học sinh.
Trong khi đó, thống kê ở từng cơ sở đào tạo cũng cho thấy số lượng sinh viên quốc tế sang học tập, trao đổi hay học toàn phần cũng tăng đáng kể. Trong 5 năm gần đây, số lượng sinh viên quốc tế đến Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) học trao đổi lấy tín chỉ năm sau tăng gấp gần 2 lần so với năm trước. Sinh viên chủ yếu lựa chọn ngành học liên quan đến Quản trị kinh doanh, Công nghệ sinh học, Kỹ thuật y sinh, Công nghệ thông tin… Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng sinh viên quốc tế theo học chương trình đào tạo chính quy và trao đổi học thuật là 612 người. Số sinh viên quốc tế đang theo học toàn phần học kỳ 1 năm học 2024-2025 là 52 sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, học thuật.
Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trong 5 năm gần đây, nhà trường đón nhận khoảng 10.000 sinh viên quốc tế đến học tập, thực tập, trao đổi và giao lưu văn hóa. Riêng trong năm học 2023-2024, trường đã thu hút 2.065 sinh viên quốc tế, trong đó có hơn 400 sinh viên đang học tập các chương trình đào tạo tập trung, toàn thời gian, đến từ nhiều quốc gia như Lào, Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc... Những ngành học thu hút nhiều sinh viên quốc tế theo học gồm: Việt Nam học, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử, Dược học, Mỹ thuật công nghiệp, Công nghệ sinh học và Ngoại ngữ.
Theo Bộ GD-ĐT, việc trao đổi học sinh, sinh viên với nước ngoài đã giúp thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật và góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước, hội nhập quốc tế. Thống kê cho thấy, hiện ở nhiều trường ĐH, số lượng du học sinh quốc tế học tự túc khá nhiều, như các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Mở TPHCM...
Đẩy mạnh hội nhập
Theo ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Ban Truyền thông (Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM), với lợi thế của một trường ĐH công lập giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, trường đã và đang thu hút đa dạng sinh viên từ các nước đến học.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên nước ngoài lựa chọn đến học tại trường, như: chương trình đào tạo đa dạng, đa lĩnh vực nhằm tăng cơ hội lựa chọn ngành học phù hợp với nhu cầu của sinh viên quốc tế; nhà trường có Trung tâm Trao đổi Giáo dục Quốc tế nhằm phụ trách tư vấn hỗ trợ sinh viên trong việc xin visa, tìm nhà ở, hòa nhập với môi trường mới. Trong đó, Trung tâm Trao đổi Giáo dục Quốc tế luôn tổ chức nhiều hoạt động khác nhau nhằm thu hút nhiều sinh viên đến với Việt Nam; chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo được kiểm định quốc tế công nhận.
“Trường đã đưa quốc tế hóa trở thành chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để thu hút sinh viên nước ngoài theo học, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và phát triển các chương trình đào tạo ở tầm quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội. Bên cạnh đó, nhà trường đẩy mạnh tìm kiếm và thiết lập mối quan hệ với các đối tác chiến lược là những trường có uy tín cao trên thế giới nhằm góp phần cải tiến chương trình đào tạo và tăng cường giao lưu học thuật quốc tế”, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.
TS Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho hay, từ ý kiến của những đối tác cũng như sinh viên quốc tế, những yếu tố quan trọng để thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập là cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và môi trường học tập, giảng dạy, nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế; trình độ tiếng Anh của giảng viên, văn hóa và phong cách năng động, chuyên nghiệp, trách nhiệm…
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa là nhà trường phải có uy tín, chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo được các tổ chức kiểm định uy tín của quốc tế công nhận. Riêng nhà trường còn có chính sách học bổng nhằm thu hút sinh viên có quốc tịch nước ngoài đến tham gia học tập tại trường theo các chương trình đào tạo bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho các bậc học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Mỗi năm, nhà trường dành khoảng 200 suất học bổng cho sinh viên, học viên quốc tế, bao gồm chi phí học tiếng Việt, học phí các chương trình đại học/sau đại học, ký túc xá, sinh hoạt phí…
* Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:
Xây dựng TPHCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo
Về đề án “Xây dựng TPHCM thành Trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên khu vực và thế giới” (gọi tắt là đề án), UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 287/QĐ-UBND ngày 24-1-2024 về thành lập tổ công tác và tổ giúp việc triển khai đề án.
Hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã xây dựng dự thảo đề cương của đề án và gửi lấy ý kiến thành viên tổ công tác, tổ giúp việc, các sở, ngành, các cơ sở giáo dục ĐH và hoàn thiện đề án trình Chủ tịch UBND TPHCM xem xét, quyết định. Sở GD-ĐT đã xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung chủ yếu là rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện đào tạo sinh viên quốc tế, xây dựng mô hình điểm về triển khai đào tạo sinh viên quốc tế tại một số cơ sở, gồm: ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Quốc gia TPHCM (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Quốc tế), Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Đồng thời, Sở GD-ĐT cũng “đặt hàng” ĐH Quốc gia TPHCM triển khai nghiên cứu đề án, tổ chức hội thảo, tọa đàm quốc tế để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về nội dung, các giải pháp dự thảo đề án.
* Sinh viên Louis Koerting (quốc tịch Đức), đang theo học chương trình trao đổi tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM):
Môi trường học tập và nghiên cứu là ưu tiên để chọn trường
Một trong những tiêu chí chọn trường ĐH của tôi là môi trường giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và giao tiếp bằng tiếng Anh. Các trường ĐH tại Việt Nam, trong đó có Trường ĐH Quốc tế mà tôi đang theo học, đáp ứng điều này. Những dữ liệu phát triển của Việt Nam trong thời gian qua hỗ trợ rất nhiều cho tôi thực hiện các nghiên cứu về kinh tế của mình.
Không chỉ vậy, tôi còn được hiểu nhiều hơn về một đất nước xinh đẹp như Việt Nam. Tôi cảm thấy hài lòng khi nhận được hỗ trợ của các bạn tại Việt Nam, thân thiện và cũng rất giỏi. Thầy cô giáo rất chuyên nghiệp, giàu kiến thức. Nhiều người bạn nước ngoài học ngành kỹ thuật tại trường cũng hài lòng bởi phòng thí nghiệm với máy móc, thiết bị hiện đại.
* TS NGUYỄN TRUNG NHÂN, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM:
Chất lượng là yếu tố quyết định
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế đến các trường ĐH Việt Nam để học tập toàn phần hoặc trao đổi một số học phần, giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu. Điều này cho thấy chiến lược quốc tế hóa các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng để hội nhập với giáo dục ĐH khu vực và thế giới là vấn đề sống còn với các trường đại học.
Cũng giống như các trường ĐH khác, hiện nay nhà trường đang nỗ lực để 100% chương trình đạt chuẩn kiểm định của khu vực hoặc đạt chứng nhận bởi các tổ chức kiểm định uy tín của Mỹ, châu Âu. Khi các chương trình đạo tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế sẽ tạo nhiều thuận lợi cho sinh viên Việt Nam cũng như sinh viên quốc tế học tập, chuyển tiếp để được các trường ĐH quốc tế công nhận.