Các trường học ở Hà Tĩnh chủ động kế hoạch 'dạy bù' sau lũ
Đến thời điểm hiện tại, các trường học vùng lũ ở Hà Tĩnh đang gấp rút triển khai kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh, đáp ứng khung thời gian chương trình đề ra.
Trường THCS Nguyễn Hoành Từ đã trở lại nền nếp học tập như trước.
Sáng nay (5/11), Trường THCS Nguyễn Hoành Từ (xã Tân Lâm Hương) - một trong những nơi ngập sâu nhất ở huyện Thạch Hà, đã ổn định việc dạy học. Đây là buổi học thứ 3 của gần 570 học sinh sau 10 ngày nghỉ học trong 2 đợt lũ. Không khí trong từng lớp học vẫn nghiêm túc như mọi ngày, tất cả học sinh đều chăm chú lắng nghe từng lời cô giáo giảng.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Long - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hoành Từ cho biết: “Nước ngập sâu và lâu nhưng hầu hết học sinh vẫn vẹn nguyên sách vở, bởi với nhiều phụ huynh, lúa ướt, xe máy có thể ngâm nước, nhưng sách vở của con, xe đi học của con phải được bảo vệ cẩn thận. Hiện, chúng tôi đã cố gắng khắc phục khó khăn một cách nhanh nhất để sớm ổn định nền nếp học tập cho các em”.
Được biết, qua 2 đợt lũ, học sinh phải nghỉ học 10 ngày (10 buổi học), để đảm bảo chương trình, Trường THCS Nguyễn Hoành Từ đã có kế hoạch dạy bù cho học sinh bằng việc bù giờ ở một số tiết 5 và mỗi tuần tăng thêm 3 buổi chiều. Hiện, Ban Giám hiệu nhà trường đang cân đối số tiết để xây dựng thời khóa biểu hợp lý.
Cô Nguyễn Thị Hoa - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A Trường Tiểu học Văn Yên cẩn thận sửa từng nét chữ cho học sinh.
Tại Trường Tiểu học Văn Yên (TP Hà Tĩnh), ngay trong những buổi học đầu tiên sau đợt lũ lần thứ 2, trường đã đón nhận tin vui khi được Ngân hàng HDBank chia sẻ khó khăn bằng việc trao tặng 40 bộ bàn ghế. Cô Nguyễn Thị Cẩm Tú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, bàn ghế học sinh đã đủ, tình trạng mượn phòng chức năng để học đã chấm dứt, chúng tôi đã có thể thực hiện kế hoạch dạy bù cho các em”.
Là trường nghỉ học lâu nhất ở thành phố Hà Tĩnh, qua 2 đợt mưa lũ, học sinh Trường Tiểu học Văn Yên phải nghỉ học hơn 1 tuần.
“Để đảm bảo chương trình cho học sinh, trường đã có kế hoạch dạy tăng buổi chiều, theo đó sẽ có 10 buổi/1 tuần (theo quy định học sinh tiểu học thực hiện học 9 buổi/1 tuần) và nền nếp này sẽ được duy trì trong 3 tuần liên tiếp. Các buổi chiều, chúng tôi cũng sẽ lồng ghép các chủ đề tổ chức việc học cho các em vừa đảm bảo không cắt giảm chương trình, vừa chất lượng”, cô Nguyễn Thị Cẩm Tú cho biết thêm.
Đáng nói, cùng với nhà trường, giáo viên cũng đã nỗ lực để bù đắp kỹ năng, kiến thức cho những học sinh có học lực yếu hơn các bạn khác. Cô Nguyễn Thị Hoa - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học Văn Yên cho hay: “Sau thời gian nghỉ học, trở lại trường nhiều em cũng đã quên một số chữ đã học. Vì thế, tranh thủ mỗi giờ ra chơi, tôi lại kèm cặp thêm cho các cháu”.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên)
Tại Trường Tiểu học Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, mưa lũ đã khiến học sinh gián đoạn việc học hơn 1 tuần. Nhưng bù lại, việc dạy học của các trường trên địa bàn Cẩm Xuyên đã đi trước chương trình 1 tuần so với khung kế hoạch, thời gian. Thế nên, các trường vùng ngập lụt không phải đối mặt nhiều với áp lực “đuổi theo” chương trình.
Thầy Trương Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Vịnh cho biết: “Việc dạy và học của chúng tôi đã trở lại bình thường. Ngoài bố trí thời gian để ôn tập thêm cho các em, chúng tôi không phải dạy bù so với nhiều địa phương. Chúng tôi vẫn đảm bảo chương trình theo khung thời gian, kế hoạch năm học. Kế hoạch củng cố, ôn tập thêm cho các em, đặc biệt là học sinh có học lực trung bình, yếu, kém sẽ được trường bố trí vào thời gian dôi dư ở cuối kỳ”.
Học sinh Trường Tiểu học Cẩm Vịnh ( Cẩm Xuyên) chăm chú với những bài học
Được biết, mục tiêu đề ra cho những trường học bị ảnh hưởng lũ lụt đó là việc ôn tập và dạy bù phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, không quá tải đối với học sinh, giáo viên về nội dung kiến thức, thời lượng chương trình và thời gian học.
Với sự chỉ đạo của ngành chuyên môn trong việc trao quyền tự chủ cho các trường, ngoài việc ổn định nền nếp, ban giám hiệu các trường đã và đang thực hiện rà soát lại chương trình, chất lượng học sinh ở đơn vị mình để lập kế hoạch dạy bù phù hợp với từng khối lớp.