Các trường hợp không được mua lại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

Nghị định số 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ vừa được Chính phủ ban hành đã quy định rõ một số tổ chức, cá nhân không được mua lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn.

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước có trọng tâm, tập trung vào những doanh nghiệp yếu kém Thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đạt ít nhất 248.000 tỷ đồng Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước gắn với hiệu quả, thực chất

Bán toàn bộ doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa nhưng không đủ điều kiện thực hiện

Cụ thể, tại nội dung về bán toàn bộ doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, nghị định quy định các trường hợp bán toàn bộ doanh nghiệp là: Thuộc diện cổ phần hóa theo quy định nhưng không đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện cổ phần hóa và được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển sang hình thức bán toàn bộ doanh nghiệp; các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Trong đó, Nghị định quy định cụ thể về các đối tượng không được mua doanh nghiệp nhà nước bao gồm:

Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự…

Tổ chức tài chính trung gian, cơ quan kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp và các cá nhân thuộc các tổ chức này trực tiếp giám định, định giá, kiểm toán doanh nghiệp; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá, kiểm toán doanh nghiệp;

Tổ chức đấu giá doanh nghiệp và người làm việc trong tổ chức đấu giá doanh nghiệp thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá;

Người được cơ quan đại diện chủ sở hữu ủy quyền xử lý việc bán doanh nghiệp; người có quyền quyết định bán doanh nghiệp, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá doanh nghiệp… và cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của những người này.

Những người không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư liên quan đến các điều kiện về tiếp cận thị trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và pháp luật về đất đai.

Người trúng đấu giá mua doanh nghiệp không được bán, chuyển nhượng một phần vốn và tài sản của doanh nghiệp khi chưa hoàn thành việc thanh toán tiền mua doanh nghiệp và các cam kết khác (nếu có) tại Hợp đồng mua bán toàn bộ doanh nghiệp.

Số tiền thu từ bán toàn bộ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sau khi trừ các chi phí bán toàn bộ doanh nghiệp, chi phí thực hiện chính sách đối với người lao động và người giữ chức danh lãnh đạo quản lý được nộp về ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Chính phủ.

Sau khi bán toàn bộ doanh nghiệp, người lao động được tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp sau khi bán thực hiện giao kết hợp đồng lao động mới. Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm, thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, hoặc chính sách đối với người lao động dôi dư khi bán toàn bộ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp yếu kém không khắc phục được sẽ xem xét giải thể

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bị xem xét giải thể trong các trường hợp sau:

Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác;

Doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính, được đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt sau khi kết thúc thời hạn áp dụng phương án khắc phục, phương án cơ cấu lại mà không phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh và không thực hiện được các hình thức chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại khác theo quy định của pháp luật;

Không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong thời gian 2 năm liên tiếp sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết;

Việc tiếp tục duy trì doanh nghiệp là không cần thiết;

Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quy định gia hạn.

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án, hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Việc giải thể doanh nghiệp phải phù hợp với văn bản về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp giải thể chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (trừ trường hợp doanh nghiệp giải thể khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quy định gia hạn).

Trường hợp không còn đáp ứng các điều kiện giải thể nêu trên, hoặc đã lâm vào tình trạng phá sản, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sắp xếp theo hình thức khác, hoặc thực hiện phá sản.

Thời gian giải thể doanh nghiệp không quá 1 năm kể từ ngày quyết định giải thể có hiệu lực và có thể kéo dài thêm, nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp được người quyết định giải thể đồng ý bằng văn bản. Trường hợp có vướng mắc, khó khăn dẫn đến kéo dài thời gian giải thể so với thời hạn nêu trên, thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thời hạn giải thể thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp./.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2022. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi thi hành Nghị định này.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-truong-hop-khong-duoc-mua-lai-doanh-nghiep-100-von-nha-nuoc-103198.html