Các trường Mỹ vào cuộc khi số du học sinh bị tước visa lên gần 850

Trên khắp nước Mỹ trong từ đầu năm đến nay đã có gần 850 du học sinh bị tước visa hoặc bị thay đổi tình trạng cư trú xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Khắp nước Mỹ trong từ một năm đến nay đã tới 850 du học sinh bị tước visa hoặc bị thay đổi tình trạng cư trú hợp pháp. Tình hình trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump siết chặt giám sát hoạt động của sinh viên quốc tế, tờ The New York Times đưa tin ngày 11-4.

Du học sinh bị tước visa Mỹ vì nhiều lý do

Theo dữ liệu từ chuyên trang giáo dục Inside Higher Ed, tính đến 5 giờ chiều 11-4 (giờ Mỹ), hơn 160 trường cao đẳng và đại học đã ghi nhận 844 trường hợp sinh viên bị thay đổi tình trạng nhập cư. Các trường cho biết sinh viên của họ đã mất visa sinh viên F-1 hoặc J-1.

Một số trường hợp liên quan đến việc tham gia hoạt động biểu tình do sinh viên tổ chức nhằm phản đối chiến tranh ở Dải Gaza, số khácbị tước visa vì những “vi phạm nhẹ”. Inside Higher Ed cho biết phần lớn các cán bộ nhà trường đều không rõ lý do khiến du học sinh bị tước visa, hoặc chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ cơ quan nhập cư. Hầu hết sinh viên vẫn chưa nhận được liên lạc từ giới chức Mỹ.

 Sinh viên ĐH Columbia (Mỹ) biểu tình phản đối cuộc chiến ở Dải Gaza vào năm ngoái. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Sinh viên ĐH Columbia (Mỹ) biểu tình phản đối cuộc chiến ở Dải Gaza vào năm ngoái. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Vào cuối tháng trước, có thông tin cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã tước khoảng 300 visa sinh viên chỉ trong ba tuần triển khai chương trình “Bắt và Hủy” (Catch and Revoke).

Sáng kiến của Bộ Ngoại giao Mỹ là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quét mạng xã hội, nhằm tìm kiếm “công dân nước ngoài có dấu hiệu ủng hộ Hamas hoặc các tổ chức khủng bố khác” để tiến hành tước visa, theo thông tin từ trang Axios.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tháng trước xác nhận quy mô chiến dịch truy quét, và gọi các sinh viên hoạt động chính trị là “những kẻ điên rồ”. Trả lời báo chí về việc du học sinh bị tước visa, ông Rubio nói: “Có thể đã hơn 300 người rồi. Chúng tôi làm điều đó mỗi ngày, mỗi khi tôi phát hiện một trong những kẻ điên rồ này”.

Dữ liệu cho thấy việc tước visa không chỉ nhắm vào sinh viên có hoạt động ủng hộ Palestine. Ngay cả một số du học sinh chỉ vi phạm hành chính nhẹ, như bị phạt vì chạy quá tốc độ cũng bị tước visa.

Tờ The Guardian trước đó đưa tin về một bảng dữ liệu trực tuyến do chính các sinh viên bị tước visa lập ra và cập nhật, cho thấy đã ghi nhận sinh viên từ 50 trường đại học bị tước visa vào khoảng ngày 4-4, với nguyên nhân liên quan giấy phạt của cảnh sát hoặc vi phạm hành chính.

Trường học nỗ lực bảo vệ sinh viên

 Những người biểu tình phản đối việc trục xuất sinh viên quốc tế tập trung bên ngoài tòa nhà Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ ở thủ đô Washington, DC (Mỹ) vào ngày 5-4. Ảnh: AFP

Những người biểu tình phản đối việc trục xuất sinh viên quốc tế tập trung bên ngoài tòa nhà Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ ở thủ đô Washington, DC (Mỹ) vào ngày 5-4. Ảnh: AFP

Các trường đại học đang âm thầm tìm cách bảo vệ sinh viên quốc tế trước nguy cơ bị trục xuất, đồng thời nỗ lực để tránh việc bị chính quyền Tổng thống Trump nhắm đến, Inside Higher Ed dẫn lời đại diện nhiều trường ĐH ở Mỹ.

Bà Miriam Feldblum, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Liên minh Hiệu trưởng các trường ĐH, cho biết các trường đại học và cao đẳng đã cố gắng hết sức để chuẩn bị cho những tháng đầu nhiệm kỳ hai của ông Trump, nhưng những diễn biến bất ngờ này khiến nhiều sinh viên quốc tế hoang mang.

Bà Feldblum thừa nhận đã có sinh viên đã bị bắt, bị tạm giam. Sự việc xảy ra tại ĐH Columbia, ĐH Minnesota, ĐH Tufts và ĐH Alabama.

Theo bà Feldblum, tình trạng bất ổn, thiếu chắc chắn và khó dự đoán đã tạo ra bầu không khí khiến sinh viên quốc tế, cũng như các sinh viên và nhân viên không mang quốc tịch Mỹ, cảm thấy bất an.

Để ứng phó, các cơ sở giáo dục đang tổ chức các buổi hướng dẫn “hiểu về quyền của bạn” nhằm giúp sinh viên biết cách ứng xử với nhân viên ICE ; giới hạn quyền ra vào các tòa nhà trong trường chỉ cho những người có thẻ định danh; tổ chức tư vấn cho sinh viên lo ngại về tình trạng nhập cư; và chi trả chi phí để sinh viên quốc tế được tham vấn với luật sư di trú.

Tin đồn về việc xuất hiện của nhân viên thuộc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan liên bang (ICE) tại trường đã gây hoang mang cho sinh viên nhiều trường đại học và cao đẳng ở Mỹ.

Bà Feldblum đề nghị các trường đại học nên phân định rõ không gian công cộng và không gian riêng tư trong khuôn viên, đồng thời yêu cầu nhân viên ICE trình lệnh khám xét từ tòa án để vào khuôn viên trường chứ không chỉ là lệnh hành chính.

“Đây là điều mà các trường cần biết rõ, vì họ đang cố gắng làm hai việc cùng lúc: vừa tuân thủ đúng pháp luật, vừa bảo vệ và hỗ trợ sinh viên cũng như nhân viên không phải là công dân Mỹ” - bà Feldblum lưu ý.

Ông Stephen Yale-Loehr, GS về luật di trú tại Trường Luật Cornell, nói rằng các trường không có nghĩa vụ phải chủ động hợp tác với quan chức liên bang, nhưng cũng không được phép cản trở công việc của các quan chức.

Ông Yale-Loehr cho biết đây một phần là chiến lược có chủ đích nhằm tránh đối đầu với chính quyền Tổng thống Trump – vốn được cho là đã đe dọa đóng băng hàng trăm triệu USD tiền tài trợ nghiên cứu cho một số ĐH ở Mỹ trong những ngày gần đây.

“Các cơ sở học thuật lo ngại rằng nếu họ công khai hỗ trợ sinh viên quốc tế, chính phủ liên bang có thể trả đũa bằng cách cắt tài trợ nghiên cứu hoặc thậm chí cấm họ tuyển sinh sinh viên quốc tế trong tương lai” - GS Yale-Loehr nói.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-truong-my-vao-cuoc-khi-so-du-hoc-sinh-bi-tuoc-visa-len-gan-850-post844034.html