Các trường quân đội không tuyển sinh theo đề án thi riêng
Hôm qua, 4/4, Ban tuyển sinh Bộ Quốc phòng có buổi gặp mặt báo chí để thông tin về công tác tuyển sinh quân sự năm 2022. Theo đó, phương thức tuyển sinh của các trường Quân đội năm nay giữ ổn định như năm 2021.
Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng ban Thư ký Tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng cho biết năm 2022, 17 trường trực thuộc Bộ tuyển sinh 4.742 chỉ tiêu đào tạo cán bộ cấp phân đội trình độ đại học và 80 chỉ tiêu cao đẳng đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật hàng không.
Theo quy định của Bộ Quốc phòng, để được đăng ký dự tuyển vào các trường Quân đội, thí sinh phải đủ điều kiện tiêu chuẩn về 4 nội dung gồm lý lịch chính trị, độ tuổi, văn hóa và sức khỏe. Mỗi thí sinh dự thi vào các trường Quân sự phải làm 2 bộ hồ sơ gồm hồ sơ đăng ký sơ tuyển do Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phát hành và làm bộ hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT do các Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.
Như các năm trước, 17 trường Quân đội được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 gồm 13 trường (không lấy thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị) là các Học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không - Không quân (hệ chỉ huy tham mưu) và các trường sỹ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.
Sẽ xây dựng đề án tuyển sinh riêng
Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh chia sẻ vừa qua, Bộ Quốc phòng đã mời ĐH Quốc gia Hà Nội làm việc cùng để tìm hiểu về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH này. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu nhận thấy, kết quả kỳ thi này không đáp ứng được yêu cầu xét tuyển đầu vào của các trường quân đội. Năm nay, Bộ Quốc phòng đã giao cho Học viện Kỹ thuật Quân sự xây dựng đề án tuyển sinh riêng cho các trường quân đội. Sau đó thí điểm tại một cơ sở nào đó rồi mới tổ chức triển khai đồng loạt.
Nhóm 2 gồm 4 trường (được mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 đi - ốp) gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Phòng không - Không quân (hệ kỹ sư hàng không).
Đại tá Vũ Xuân Tiến cũng lưu ý, thí sinh đủ điều kiện sơ tuyển nhưng không đăng ký xét tuyển theo đúng thời gian quy định của Bộ GD&ĐT sẽ mất quyền xét tuyển nguyện vọng 1.
Năm nay, các trường quân đội xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT như năm trước, chưa xây dựng xét tuyển bằng kỳ thi riêng. Theo dự kiến, năm 2022, sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới đăng ký xét tuyển ĐH.
Bộ Quốc phòng vẫn hướng dẫn Ban chỉ huy quân sự tại các địa phương, khi thí sinh đăng ký sơ tuyển vào trường dự kiến có nghĩa là đăng ký nguyện vọng 1. Khi đến thời điểm đăng ký nguyện vọng theo quy định của Bộ GD&ĐT thì thí sinh đăng ký có thể giữ đúng trường đã nộp hồ sơ sơ tuyển.
Tuy nhiên, vẫn được điều chỉnh trong nhóm trường quy định. Như vậy điều chỉnh nguyện vọng năm nay thực chất được thực hiện trong lúc thí sinh đăng ký nguyện vọng.
Năm nay có thể nói sơ tuyển đã là đăng ký. Ví dụ: Khi đăng ký sơ tuyển, thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường Sĩ quan Lục quân 1, khi thí sinh đăng ký xét tuyển, được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sang 1 trường khác trong Nhóm 1 (Phòng hóa, Pháo binh....), không được chuyển sang các trường thuộc Nhóm 2 và ngược lại. Nếu thí sinh nhầm lẫn đăng ký nguyện vọng giữa 2 nhóm sẽ không được giải quyết.