Các trường THPT: Thay đổi phương pháp ôn luyện, đáp ứng mục tiêu của học sinh cuối cấp
Hiện nay, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024. Trong đó ưu tiên phương thức lấy kết quả xét tuyển từ kỳ thi đánh giá tư duy, năng lực, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS) và giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Có trường chỉ dùng kết quả tốt nghiệp THPT để xét kết hợp với các tiêu chí khác. Thực tế này khiến các trường THPT phải thay đổi cách thức dạy và học, nhất là với khối cuối cấp.
Dạy và học linh hoạt
Đồng hành cùng học sinh, nhiều trường THPT đã có sự phân luồng, chủ động hỗ trợ các em ôn tập, tiếp cận sớm với các phương thức xét tuyển. Năm học này, Trường THPT Việt Yên số 1 có 550 học sinh lớp 12. Cô giáo Nguyễn Thị Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để giúp các em sẵn sàng tâm thế trước kỳ tuyển sinh đại học, nhà trường đổi mới phương pháp dạy và học ở tất cả các môn, nhất là chương trình giảng dạy cho học sinh lớp 12 để không chỉ bảo đảm yêu cầu tốt nghiệp mà còn trang bị kiến thức, kỹ năng để các em có thể đáp ứng các kỳ thi riêng".
Nhà trường thường xuyên cập nhật thông tin về đề án tuyển sinh của các trường đại học để kịp thời phổ biến rộng rãi cho giáo viên và học sinh; chủ động điều chỉnh phương pháp giảng dạy và ôn tập. Vừa bám sát chương trình, các tổ bộ môn vừa chú trọng giảng dạy mở rộng liên hệ thực tế theo cấu trúc đề thi đánh giá năng lực do các trường đại học tổ chức trong những năm qua để học sinh làm quen.
Cả nước hiện có khoảng 70 trường đại học xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Trong bối cảnh nhiều trường đại học ưu tiên xét tuyển bằng phương thức này, các trường THPT chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy ngoại ngữ, rèn kỹ năng tự học. Trường THPT Ngô Sĩ Liên có gần 600 học sinh lớp 12. Gần đây, số học sinh có chứng chỉ IELTS đăng ký xét tuyển tăng.
Giáo viên không chỉ tập trung cao dạy từ vựng, ngữ pháp để các em có thể đạt kết quả tốt môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn chú trọng 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mở rộng các chủ đề bài học liên quan đến tình hình KT-XH trong nước và quốc tế để các em có thể dự thi lấy chứng chỉ quốc tế, thêm cơ hội xét tuyển. Đến nay, toàn trường có 60 em có chứng chỉ IELTS, trong đó điểm cao nhất đạt 8.0.
Nắm chắc kiến thức liên môn
Theo nhiều giáo viên giảng dạy lớp 12, với phương thức tuyển sinh hiện nay, học sinh phải nắm vững toàn bộ nội dung cơ bản của các môn và có khả năng tư duy phân tích, suy luận chứ không chỉ làm theo các bài tập mẫu hay các dạng đề như cách ôn thi truyền thống.
Thầy giáo Nguyễn Văn Chuyên, giáo viên Hóa học, Trường THPT Yên Thế cho biết: “Để làm bài tốt, học sinh cần nắm chắc kiến thức liên môn và có năng lực tư duy thực sự. Các em cũng phải nhanh chóng xác đinh mục tiêu và thay đổi phương pháp học tập, bám chắc đề thi minh họa mà trường đại học tổ chức kỳ thi riêng công bố”.
Hai năm học gần đây, mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 30% học sinh lớp 12 tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy; 300 học sinh có chứng chỉ IELTS.
Hai năm học gần đây, mỗi năm học, toàn tỉnh có khoảng 30% học sinh lớp 12 tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, 300 học sinh có chứng chỉ IELTS. Trong số này, nhiều học sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 8.0 trở lên như: Nguyễn Thị Phương Thanh, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang; Lê Thu Phương, Trường THPT Lạng Giang số 1.
Thậm chí có em là thủ khoa cả 3 khối trong kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022 là: Đỗ Đức Tú, cựu học sinh chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Chia sẻ kinh nghiệm đạt điểm cao, các em đều cho biết phải nắm chắc kiến thức cơ bản, hiểu sâu kỹ để vận dụng vào thực tiễn, nên đăng ký thi thử để rút kinh nghiệm, cải thiện điểm số.
Nhiều học sinh cho rằng vừa học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa tham gia các kỳ thi riêng của nhiều trường đại học là quá căng thẳng và gia tăng áp lực thi cử. Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ và các kỳ thi riêng giúp các em có thêm cơ hội được tuyển chọn vào các trường đại học. Tuy vậy, với phương thức này học sinh thành thị sẽ có nhiều ưu thế hơn, học sinh nông thôn, miền núi bị thiệt thòi.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tham gia kỳ thi riêng của các trường đại học hay thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế chủ yếu là học sinh ở các trường THPT vùng xuôi, còn những trường THPT miền núi, vùng khó khăn rất ít học sinh tham gia. Trước thực tế này, năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT ở các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, Sơn Động tập trung cao đổi mới phương thức ôn luyện cho học sinh lớp 12.
Tại Trường THPT Lục Ngạn số 1, các tổ bộ môn vừa bám sát chương trình, vừa mở rộng liên hệ thực tế theo cấu trúc đề thi đánh giá năng lực do các trường đại học tổ chức trong những năm qua để học sinh làm quen. Đặc biệt, giáo viên tiếng Anh đã mở rộng kiến thức, hướng dẫn các em phương pháp, kinh nghiệm luyện thi IELTS, định hướng cho các em chọn tài liệu tự học và giới thiệu các khóa học trực tuyến hiệu quả. Ban Tư vấn tuyển sinh nhà trường hướng dẫn học sinh tìm hiểu kỹ các kỳ thi riêng của từng trường đại học để có lựa chọn phù hợp.
Nhiều giáo viên, học sinh cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chỉ để cho một vài trường đại học có đặc thù tổ chức, không nên mở rộng ở nhiều trường. Các trường đại học cần công bố cụ thể chỉ tiêu của từng phương án tuyển sinh, đặc biệt là chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT để tránh tình trạng thủ khoa vẫn trượt đại học ở phương thức xét tuyển này.
Trong thời gian tới, các trường THPT tiếp tục bám sát khung chương trình giảng dạy của Bộ GD&ĐT, giảng dạy, ôn tập chương trình cốt lõi, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, khuyến khích, tạo động lực cho học sinh tự học, linh hoạt vận dụng kiến thức liên môn, ứng dụng vào thực tế để đáp ứng tốt yêu cầu các phương thức xét tuyển đại học. Bên cạnh việc bồi đắp kiến thức, các trường còn chú trọng phổ biến quy chế thi, phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng, quan tâm động viên các em chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các kỳ thi quan trọng.