Các trường tuyển sinh ngành Sư phạm, Y bằng tổ hợp 'lạ', Bộ GD-ĐT nói gì?

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, các trường tuyển sinh ngành Y mà không dùng điểm Hóa, Sinh; hay tuyển Sư phạm Vật lý/Lịch sử mà không dùng điểm môn Lý/Sử cần phải rà soát lại.

Mới đây, Trường ĐH Hòa Bình thông báo tuyển sinh ngành Y khoa và Y học cổ truyền có 3/5 tổ hợp không có môn Sinh hoặc Hóa như A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), C04 (Văn, Toán, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh). Hay với khối ngành sư phạm, Trường ĐH Đồng Tháp tuyển ngành Sư phạm Vật lý và Sư phạm Hóa học bằng tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh),...

Một số trường đại học tuyển sinh ngành Sư phạm Lịch sử bằng cả những phương thức không cần xét đến môn Lịch sử. Cụ thể, với Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, ở ngành Sư phạm Lịch sử, 2 phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực năm 2025, có các tổ hợp không có môn Lịch sử như D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh); C04 (Toán, Văn, Địa lý) và C14 (Toán, Văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật). Câu chuyện tương tự diễn ra ở Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ với báo giới ngày 3/4. Ảnh: Thanh Hùng

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ với báo giới ngày 3/4. Ảnh: Thanh Hùng

Liên quan đến việc một số trường đại học dùng tổ hợp “lạ” để xét tuyển ngành Sư phạm, Y khoa,... Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, điều này cho thấy các trường chưa hiểu rõ về sự khác biệt giữa mùa tuyển sinh đại học năm nay và các năm trước.

Trước đây, học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, phải học bắt buộc tất cả các môn. Do đó, ví dụ với ngành Y, thông thường tuyển bằng tổ hợp Toán, Hóa, Sinh; cũng có thể chấp nhận tuyển bằng tổ hợp Toán, Hóa, Anh. Bởi ngay cả khi môn Sinh không có trong tổ hợp xét tuyển thì học sinh vẫn từng được học một lượng kiến thức nhất định, vì đã học ở bậc phổ thông.

Nhưng năm nay hoàn toàn khác khi đây là lứa học sinh đầu tiên theo chương trình phổ thông mới. Theo đó, chương trình THPT có 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch sử và Ngoại ngữ 1, cùng các môn lựa chọn. Như vậy, có thể thí sinh có điểm tổ hợp Toán, Hóa, Anh trúng tuyển ngành Y nhưng ở bậc phổ thông không học môn Sinh.

“Tất nhiên cũng phải nói em nào không học Sinh mà tự tin thi ngành Y thì cũng cần xem lại. Nhưng cũng có thể do các em không đủ thông tin, vẫn đăng ký và vẫn có thể trúng tuyển. Việc này là không hợp lý”, ông Sơn nói.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đã giao Vụ Giáo dục Đại học dự thảo và xây dựng công văn để yêu cầu các trường rà soát về việc này.

Theo ông Sơn, dù các trường có quyền tự chủ, Bộ vẫn rà soát, nhắc nhở dựa trên quy chế tuyển sinh. “Quy chế không nói rõ từng ngành phải chọn tổ hợp nào để xét, các trường phải biết việc này”.

Ông Sơn cho rằng các ngành và tổ hợp tuyển sinh phải đáp ứng nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh đó là có độ tin cậy, đánh giá được yêu cầu đầu vào, phân loại thí sinh. “Nếu một phương thức xét tuyển/tổ hợp xét tuyển mà không đánh giá được tri thức, năng lực cốt lõi dành cho ngành đấy thì các trường phải xem lại”, ông Sơn nói.

Về phương án, ông Sơn gợi ý các trường có thể đưa ra thêm yêu cầu về ngưỡng đầu vào. Chẳng hạn ngành Y tuyển bằng tổ hợp Toán, Hóa và Tiếng Anh, thì thêm yêu cầu bắt buộc là thí sinh phải được học môn Sinh ở bậc phổ thông, đồng thời đưa ra mức điểm sàn kết quả học tập ở bậc THPT với môn này.

“Các trường hoàn toàn có giải pháp để làm việc này, để bắt buộc em nào đã chọn học thì phải có kiến thức nền về môn học trong chương trình. Môn này có thể không trực tiếp nằm trong tổ hợp xét tuyển, nhưng học sinh vẫn phải có kiến thức nhất định. Như vậy, nếu không đưa vào tổ hợp xét tuyển cũng phải yêu cầu bắt buộc các em được học trong bậc THPT và có những kiến thức, năng lực nhất định”, ông Sơn nói.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cac-truong-tuyen-sinh-nganh-su-pham-y-bang-to-hop-la-bo-gd-dt-noi-gi-2387611.html