Các ứng cử viên tổng thống Iran công kích lẫn nhau trước bầu cử vòng hai

Theo AFP, các ứng cử viên Tổng thống Iran đã công kích lẫn nhau là không có giải pháp nào cho các vấn đề của đất nước trước cuộc bầu cử vòng hai diễn ra ngày 5-7 tới nhằm chọn người kế nhiệm cố Tổng thống Ebrahim Raisi, người đã qua đời tháng trước trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng.

Ứng cử viên Masoud Pezeshkian (phải) phát biểu trong cuộc tranh luận với ứng cử viên cứng rắn Saeed Jalili tại trường quay ở Tehran, Iran, ngày 1-7. Ảnh: Arab news

Ứng cử viên Masoud Pezeshkian (phải) phát biểu trong cuộc tranh luận với ứng cử viên cứng rắn Saeed Jalili tại trường quay ở Tehran, Iran, ngày 1-7. Ảnh: Arab news

Trong cuộc tranh luận kéo dài hơn hai giờ trên truyền hình quốc gia, ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách Masoud Pezeshkian đã tấn công đối thủ Saeed Jalili, một cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân theo đường lối cứng rắn.

Ông Saeed Jalili, nổi tiếng ở giới ngoại giao phương Tây vì lập trường cứng rắn, đã tự bảo vệ mình bằng cách nêu bật sự nghiệp và một số vị trí mà ông đã nắm giữ, bao gồm cả vị trí là nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu.

Ông Masoud Pezeshkian tiếp tục chất vấn ông Jalili về những kế hoạch có để đạt được thỏa thuận hạt nhân. Và ông Saeed Jalili trả lời rằng sẽ tiếp cận nó "dựa trên sức mạnh chứ không phải điểm yếu", mà không cung cấp thông tin chi tiết.

Ứng cử viên Jalili cho biết, ông Pezeshkian không có kế hoạch quản lý đất nước, nói rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ đưa Tehran vào một "vị thế lạc hậu", giống như dưới thời cựu Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani (2013-2021).

Ông Rouhani đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới, hạn chế việc làm giàu uranium của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Nhưng sau đó, vào năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này, đột ngột khôi phục các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Iran.

Ông Saeed Jalili nói rằng, "với sự ủng hộ của người dân", Iran sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8%/năm, đồng thời nhận định, quốc gia Cộng hòa Hồi giáo phải thực hiện "một chính sách đối ngoại năng động" nếu muốn có một nền kinh tế thành công. Ông nói thêm rằng, chính sách này không nên giới hạn ở những quốc gia mà họ có vấn đề - ám chỉ Mỹ và các nước phương Tây. Thay vào đó, "Iran nên hướng đến 200 quốc gia khác trên thế giới, nơi quan hệ đối ngoại cần được cải thiện".

Cả hai bên đều cam kết sẽ giải quyết các vấn đề của người nghèo, công nhân, phụ nữ, các nhóm dân tộc và các nhóm tôn giáo thiểu số của đất nước; đồng thời cam kết cung cấp internet tốt hơn, nhanh hơn - một lời kêu gọi đối với thế hệ trẻ đã tỏ ra thờ ơ trong cuộc bỏ phiếu hôm 28-6.

Các ứng cử viên sẽ đối mặt với cuộc tranh luận thứ hai và cũng là cuộc tranh luận cuối cùng vào hôm nay (2-7, giờ địa phương).

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cac-ung-cu-vien-tong-thong-iran-cong-kich-lan-nhau-truoc-bau-cu-vong-hai-670931.html