Các vấn đề về tiêu hóa có thể gặp ở trẻ uống sữa công thức

Táo bón kéo dài chính là vấn đề thường gặp ở nhiều em bé uống sữa công thức. Tình trạng này xảy ra do các protein ngoại lai trong sữa bò gây kích ứng đường ruột của trẻ.

 Trẻ nhỏ uống sữa công thức dễ gặp các tình trạng táo bón, viêm ruột kết. Ảnh: K.P.

Trẻ nhỏ uống sữa công thức dễ gặp các tình trạng táo bón, viêm ruột kết. Ảnh: K.P.

Táo bón là một tình trạng phổ biến, xảy ra khi khó đào thải chất thải rắn ra khỏi cơ thể. Một số cha mẹ mô tả con cái họ không đi đại tiện trong khoảng mười lăm ngày. Một số nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa việc tiêu thụ sữa bò với chứng táo bón và sự cải thiện rõ rệt sau khi bỏ sữa ra khỏi chế độ ăn.

Trong một trường hợp được thuật lại trên Journal of Allergy and Clinical Immunology (tạm dịch: Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học Lâm sàng), một cậu bé 5 tuổi nhập viện với tình trạng táo bón, có lỗ rò hậu môn và các vết nứt.

Em được đưa vào bệnh viện khi mới hai tháng tuổi vì viêm ruột cấp tính và khi 6 tháng tuổi thì bị tiêu chảy. Từ sáu đến 12 tháng tuổi, em phải nhập viện sáu lần vì thở khò khè và co thắt phế quản. Khi được hơn hai tuổi, em lại nhập viện, lần này với tình trạng rò hậu môn và các vết nứt.

Năm bốn tuổi, cậu bé vào viện để phẫu thuật lấp các vết nứt, thứ lại xuất hiện sau 30 ngày. Cuối cùng, sau tất cả những biện pháp can thiệp này, sữa bò được coi là chất đáng nghi và bị loại khỏi chế độ ăn của em. Chỉ trong hai tuần, chứng táo bón của cậu bé đã tự khắc phục và sau hai tháng, các vết nứt và lỗ rò hậu môn đã lành lại hoàn toàn.

Trong một trường hợp khác được báo cáo trên New England Journal of Medicine (tạm dịch: Tạp chí Y học New England), một nghiên cứu mù đôi [1] và nghiên cứu cắt ngang [2] được thực hiện với 65 trẻ em ở độ tuổi từ 11 đến 72 tháng bị táo bón. Các em không thể đi đại tiện từ ba đến mười lăm ngày; 49 trẻ trong số đó có lỗ rò hậu môn. Tất cả đều đã được bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa điều trị và cho uống thuốc nhuận tràng, nhưng không đứa trẻ nào thu được lợi ích từ việc điều trị.

Những đứa trẻ được cho uống sữa bò hoặc sữa đậu nành trong hai tuần, sau đó không uống loại sữa nào trong một tuần. Sau đó, việc cho ăn được đảo ngược, để trẻ uống sữa đậu nành chuyển sang uống sữa bò.

Trong khi được cho uống sữa đậu nành, 68% của nhóm (44 trẻ) có phản ứng tích cực với liệu pháp này, thực hiện tám lần đại tiện trở lên trong giai đoạn hai của nghiên cứu. Hơn nữa, ở những trẻ có phản hồi tích cực, vết nứt hậu môn và cơn đau khi đi đại tiện đã được giảm bớt.

Một vấn đề khác liên quan đến việc trẻ sơ sinh uống sữa bò là tắc ruột. Táo bón có thể xảy ra trong thời gian dài mà không gây đau, nhưng tắc nghẽn ruột thường dẫn đến cơn đau dữ dội, tập trung vào một điểm.

Trẻ sơ sinh chỉ hấp thụ được 60% đến 70% chất bơ béo có trong sữa. 30% đến 40% phần chất béo còn lại chuyển hóa thành canxi stearat (xà bông canxi), cuối cùng là những cục đông đặc, được cho là có thể tạo ra tình trạng tắc nghẽn. Các triệu chứng của tình trạng tắc nghẽn này bao gồm chướng bụng, sụt cân và nôn mửa. Trong một số trường hợp, khối tắc nghẽn nghiêm trọng đến mức có thể phát hiện khi khám lâm sàng (sờ thấy được ở vùng bụng dưới).

Bệnh viêm ruột kết, còn được gọi là bệnh viêm ruột, có thể dẫn đến tiêu chảy ra máu, đau quặn bụng, sốt và quấy khóc ở trẻ sơ sinh. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, được gọi là viêm ruột hoại tử, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong. Mặc dù một số nguyên nhân tiềm ẩn đã được xác định, bao gồm cả việc sử dụng thuốc kháng sinh, nhưng dị ứng thực phẩm cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Archives of Disease in Childhood (tạm dịch: Lưu trữ Bệnh tật trong giai đoạn thơ ấu), các nhà nghiên cứu phát hiện ra phản ứng dị ứng với thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh viêm ruột kết ở trẻ sơ sinh dưới hai tuổi. Các tác giả viết sữa bò là thủ phạm phổ biến nhất. Sau khi nó được loại trừ khỏi chế độ ăn uống, trẻ sơ sinh đã hồi phục hoàn toàn.

Hãy nhớ nuôi con bằng sữa mẹ là điều tốt nhất cho trẻ, nhưng rủi ro nghiêm trọng vẫn xảy ra nếu người mẹ uống sữa bò, vì protein bò gây dị ứng có thể truyền vào sữa mẹ.

Trong một trường hợp được kể lại trên tạp chí Clinical Pediatrics (tạm dịch: Nhi khoa Lâm sàng), một trẻ sơ sinh bốn ngày tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn được đưa vào bệnh viện với tình trạng xuất huyết trực tràng dữ dội. Sau khi thực hiện một loạt xét nghiệm, nhân viên y tế xác định nồng độ hematocrit [3] của trẻ giảm từ 38% xuống 30% trong tám giờ trước đó.

Cuối cùng, họ biết được rằng người mẹ đã tiêu thụ bốn đến năm ly sữa mỗi ngày. Họ xác định rằng các protein gây bệnh có trong sữa bò cuối cùng đã xâm nhập vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến đứa trẻ bị dị ứng nghiêm trọng. Protein dẫn đến tình trạng mất sắt do xuất huyết đường tiêu hóa.

[1] Phương pháp nghiên cứu mù đôi là phương pháp nghiên cứu trong đó cả đối tượng được nghiên cứu và các nhà khoa học đều được “làm mù”. Thuốc thật và giả dược có hình dạng y hệt nhau (về màu sắc và hương vị) được phát cho các nhóm đối tượng.

Một nhóm sử dụng thuốc, nhóm kia sử dụng giả dược. Bệnh nhân không biết họ uống thuốc thật hay giả dược, các nhà nghiên cứu cũng không biết. Việc thống kê sự cải thiện và hiệu quả sẽ được thực hiện bởi một bên thứ ba.

[2] Nghiên cứu cắt ngang (còn được gọi là phân tích cắt ngang, nghiên cứu tỷ lệ hiện mắc) là loại nghiên cứu quan sát phân tích dữ liệu từ một quần thể, hoặc một tập hợp con đại diện, tại một thời điểm cụ thể. Chúng có thể được sử dụng để mô tả, không chỉ tỷ lệ chênh lệch mà còn cả rủi ro tuyệt đối và rủi ro tương đối từ các tỷ lệ phổ biến, nhưng không thể chứng minh nguyên nhân và kết quả.

[3] (TG) Nồng độ hematocrit thể hiện tỷ lệ thể tích hồng cầu (hồng cầu trưởng thành) trong một tỷ lệ máu nhất định sau khi được chạy trong máy ly tâm. Nồng độ hematocrit bình thường ở trẻ sơ sinh nằm trong khoảng từ 49% đến 54%.

Joseph Keon/ Skybooks & NXB Hà Nội

Nguồn Znews: https://znews.vn/cac-van-de-ve-tieu-hoa-co-the-gap-o-tre-uong-sua-cong-thuc-post1489714.html