Các vệ tinh của NASA giám sát cháy rừng ở California từ không gian
Hình ảnh từ vệ tinh của NASA cho thấy phạm vi rộng lớn của các đám cháy rừng trải dài từ Washington, Oregon đến California (Mỹ).
Nắng nóng gay gắt và hạn hán làm bùng phát các vụ cháy rừng thảm khốc ở miền Tây nước Mỹ. Tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Nhiều vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã theo dõi và cảnh báo về sự lan nhanh của những vụ cháy này.
Quang cảnh vào ban đêm của hai vụ cháy rừng ở Nam California dựa trên các quan sát được thực hiện bởi Thiết bị đo bức xạ nhiệt hệ sinh thái trên trạm vũ trụ (ECOSTRESS) của NASA. Những vùng màu đỏ là những khu vực có nhiệt độ bề mặt cao hơn 188 độ C, nơi những đám cháy đang hoạt động. Các khu vực có màu cam cho thấy nhiệt độ trên mặt đất vào ban đêm trên mức trung bình, có thể do một đợt nắng nóng gây ra.
ECOSTRESS được thiết kế bởi Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA và được đưa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) từ mùa hè năm 2018. Đây là một thiết bị khoa học mới của NASA để nghiên cứu xem các loài cây sử dụng nước hiệu quả như thế nào, bằng cách đo nhiệt độ của chúng từ không gian.
Một công nghệ quan sát Trái đất khác trong không gian cũng phát hiện ra đám cháy ở California vào cuối tuần qua. Theo đó, vệ tinh thời tiết GOES-17 của Cục quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đã theo dõi sự phát triển của đám cháy lớn ở Fresno County.
Vệ tinh Suomi NPP của NASA-NOAA cũng chụp được hình ảnh có màu sắc trung thực vào ngày 7.9 với các đám cháy rừng được đánh dấu màu đỏ. Vệ tinh Suomi NPP đã thu thập dữ liệu về các sol khí (một thành phần cơ bản của khí quyển, được tạo nên từ bụi và khí thải) hoặc các hạt hóa hơi được mang vào bầu khí quyển của Trái đất do kết quả từ các đám cháy. Chế độ xem aerosol và hình ảnh với màu sắc trung thực cho thấy ảnh hưởng của cháy rừng ở bờ Tây nước Mỹ là rất lớn.
Vệ tinh Suomi NPP của NASA-NOAA đã cung cấp hình ảnh về các sol khí thoát ra từ đám cháy rừng ở California vào ngày 7.9 - Ảnh: NASA
Những đám cháy rừng được đánh dấu là các chấm màu đỏ - Ảnh: NASA
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, nồng độ sol khí cao không chỉ ảnh hưởng đến khí hậu và giảm tầm nhìn, mà còn có thể gây hại đến hệ hô hấp, sinh sản, tim mạch và hệ thần kinh trung ương của người. “Sol khí lơ lửng trong bầu khí quyển có thể được các cơn gió mang đi rất xa và ảnh hưởng của chúng có thể kéo dài”, cơ quan này viết.
Đài quan sát Trái đất của NASA cũng đã chia sẻ hình ảnh cháy rừng được chụp vào cuối tuần với những đám khói lớn phủ khắp California. Những hình ảnh này cũng cho thấy các bang khác ở miền Tây đang trải qua những đợt cháy rừng.
Các chuyên gia khí hậu cho biết California có thể trải qua năm tồi tệ nhất đối với cháy rừng trong nhiều thập kỷ. Bang này đã phải chiến đấu với những vụ cháy lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận vào tháng 8, mặc dù mùa nắng nóng cao điểm chưa bắt đầu. Nhiệt độ kỷ lục cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán đang diễn ra ở bang California và gây ra cơn dông kèm theo sấm sét, khiến hơn 700 đám cháy bùng phát.
Khu vực cháy ở California bắt đầu vào ngày 4.9 từ rừng quốc gia Sierra và sinh ra một đám mây khói cao hơn 14.000 mét, khiến hàng nghìn người phải sơ tán và 200 người bị mắc kẹt. Theo CNBC, ít nhất 10.000 km2 rừng đã bị phá hủy chỉ riêng ở California.
Thống đốc bang Oregon Kate Brown nói với các phóng viên hôm 9.9 rằng các thị trấn Detroit, Blue River, Vida, Phoenix và Talent - nơi sinh sống của khoảng 13.350 người - đã “bị phá hủy đáng kể”.
Theo CalFire, khoảng 1.217 km2 rừng ở Oregon bị cháy. Trong khi đó, California đã mất 12.546 km2 vì cháy rừng kể từ đầu năm nay và hiện có 29 đám cháy lớn ở Golden State. Tại Washington, nơi 10 vụ cháy đang hoành hành, hơn 131 km2 đã bị cháy kể từ đầu năm, phần lớn là vào tháng 7 và 8.
Hình ảnh những đám cháy rừng trên khắp California được chụp bởi Đài quan sát Trái đất - Ảnh: NASA
Đài quan sát Trái đất của NASA đã công bố hình ảnh ở bang Washington vào ngày 7.9 - Ảnh: NASA
Long Hải (theo Space, SciTech Daily)