Các vụ cháy nổ ĐTDĐ rúng động: Apple bồi thường, Samsung và Oppo đổ thừa
Apple thường âm thầm nhận lỗi, đổi iPhone mới hay bồi thường thiệt hại cho người dùng khi có sự cố cháy nổ smartphone. Trong khi Samsung và Opple lại đổ lỗi cho khách hàng nếu gặp tình huống tương tự.
1. Những lần Samsung đổ lỗi cho người dùng sau sự cố cháy nổ smartphone
Sự cố Galaxy Note 7 vào 2016 khiến Samsung mất đi hình ảnh và lòng tin từ người dùng. Chưa bao giờ hãng sản xuất smartphone đứng top đầu thế giới lại rơi vào cảnh đáng buồn như thế. Nếu Galaxy Note 7 đợt đầu bị lỗi pin thì có thể xem là sơ xuất. Song đến đợt thứ hai, sau khi đổi nhà cung ứng pin, thảm họa ập đến khi mọi chuyện vẫn không cải thiện.
Samsung phải bỏ ra số tiền khổng lồ để hoàn tiền cho khách mua Galaxy Note 7 và giá cổ phiếu giảm sâu.
Cùng điểm lại scandal lịch sử của Samsung:
Vào ngày 19.8.2016, Samsung chính thức mở bán Galaxy Note 7 tại 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đến 24.8.2016 xuất hiện báo cáo đầu tiên về việc Galaxy Note 7 phát nổ ở Hàn Quốc.
Ngày 31.8.2016, Samsung đã trì hoãn việc đưa thêm Galaxy Note 7 vào thị trường Hàn Quốc. Song một ngày sau, Samsung vẫn quyết định mở bán Note 7 tại Trung Quốc.
Đến ngày 2.4.2016, Samsung tuyên bố triệu hồi 2.5 triệu chiếc Galaxy Note 7 trên toàn cầu.
Ngày 8.9.2016, Cục Hàng không Liên bang Mỹ khuyên hành khách không bật và sạc Galaxy Note 7 trên các chuyến bay hoặc cất trong hành lý ký gửi.
Ngày 9.9.2016, Ủy ban An toàn thiết bị tiêu dùng Mỹ (CPSC) kêu gọi người dùng ngừng sử dụng Galaxy Note 7. Ngày 15.9, CPSC đã chính thức thông báo thu hồi khoảng 1 triệu máy Galaxy Note 7. Một ngày đó, một người đàn ông ở bang Florida (Mỹ) kiện Samsung vì bị bỏng từ vụ nổ do Galaxy Note 7 gây nên.
Trong tháng 9.2016, Samsung tuyên bố tiếp tục bán Galaxy Note 7 tại Hàn Quốc và đổ thừa chiếc máy phát nổ ở Trung Quốc do bắt lửa bên ngoài.
Đến ngày 23.9.2016, lại có báo cáo về vụ cháy nổ Galaxy Note 7 phiên bản mới, tức bản đã được Samsung khẳng định là an toàn.
Ngày 29.9.2016, đại gia công nghệ Hàn Quốc công bố có hơn 1 triệu người trên toàn cầu đang sử dụng bản Galaxy Note 7 có pin được chứng nhận đạt chuẩn. Samsung tiếp tục bán Galaxy Note 7 bản mới ở Hàn Quốc vào ngày 1.10.
Những tưởng mọi chuyện đã êm thấm, song chỉ 4 ngày sau, các hành khách trên chuyến bay của hãng Southwest Airlines (Mỹ) được sơ tán khẩn cấp do chiếc Galaxy Note 7 phiên bản mới bốc cháy trên máy bay.
Ngày 9.10.2016, nhà mạng AT&T và T-Mobile đã quyết định ngừng bán Galaxy Note 7 phiên bản mới do những lo ngại về an toàn cho người dùng.
Đến ngày 11.10.2016, Samsung yêu cầu khách hàng ngừng sử dụng Galaxy Note 7, kể cả bản cũ hay mới, tắt máy ngay lập tức vì vấn đề an toàn. Hãng cũng tuyên bố khai tử Note 7 trong cùng ngày, qua đó kết thúc vòng đời ngắn ngủi của smartphone yểu mệnh này.
Galaxy Note 7 không phải là chiếc smartphone duy nhất của Samsung từng gặp sự cố cháy nổ.
Cuối năm 2019, Samsung Galaxy S7 Edge của bà Seema Agarwal (52 tuổi) tại bang Bangalore, Ấn Độ đột nhiên bốc hỏa khi không sạc pin và chưa bao giờ mở hoặc sửa chữa.
Vì hoảng sợ, bà Seema Agarwal nói hết đời không muốn sử dụng điện thoại nữa.
Bà Seema Agarwal mua chiếc điện thoại Samsung từ tháng 12.2016. Cuối tháng 12.2019, người phụ nữ 51 tuổi đặt Samsung Galaxy S7 Edge trên hè nhà rồi đi ra ngoài. 15 giây sau chiếc điện thoại bắt đầu phát nổ.
Bà Seema Agarwal cho biết chỉ sử dụng củ sạc và cáp nguyên bản của Samsung kể từ ngày mua máy.
Không chỉ trình báo cảnh sát, bà Seema Agarwal còn định kiện Samsung sau khi nhận được phản hồi rằng Galaxy S7 Edge của mình phát nổ ra nguồn nhiệt bên ngoài.
“Điều tra cho thấy vụ cháy không do pin và linh kiện nguyên bản của điện thoại Samsung mà do yếu tố nguồn nhiệt ngoại cảnh tác động”, thông báo giải thích của Samsung.
Gia đình bà Seema Agarwal rõ ràng không hài lòng với cách giải thích trên.
“Người của trung tâm bảo hành muốn phủi trách nhiệm. Họ không sẵn lòng lắng nghe hoặc giúp đỡ chúng tôi. Tuy thời hạn bảo hành điện thoại đã hết nhưng không có nghĩa nhà sản xuất không có trách nhiệm gì nếu thiết bị phát nổ. Điều đó là không thể chấp nhận được”, Namrata bức xúc.
Tháng 4.2019, người dùng họ Lee ở Hàn Quốc đăng ảnh cho thấy chiếc Galaxy S10 5G của anh bị cháy, phần màn hình biến dạng và đổi sang màu vàng. "Điện thoại đang để trên bàn thì xuất hiện mùi khét và khói bắt đầu bốc lên. Tôi phải ném nó xuống đất khi sờ vào vì quá nóng", anh nói với AFP.
Lee tuyên bố Galaxy S10 5G bị cháy mà không rõ nguyên nhân và không làm bất cứ điều gì với điện thoại. Thế nhưng, Samsung từ chối thay thế hoặc hoàn trả khoản tiền 1.200 USD (khoảng 28 triệu đồng) mua máy cho Lee vì khẳng định không có lỗi của nhà sản xuất.
"Chúng tôi đã nhận được thiết bị và tiến hành kiểm tra bên ngoài cũng như bên trong bằng tia X. Chúng tôi không tìm lấy lỗi của sản phẩm. Chiếc smartphone có thể bị cháy do tác động từ bên ngoài", Samsung tuyên bố.
Hồi tháng 9.2016, hãng hàng không IndiGo (Ấn Độ) thông báo một chiếc Galaxy Note 2 đã phát nổ trên chuyến bay từ thành phố Chennai (Ấn Độ) đến Singapore. Rất may không có thiệt hại nào về người và của.
Hành khách trên chuyến bay này thấy có mùi khói phát ra từ cabin và thông báo cho phi hành đoàn. Phi hành đoàn đã xác định khói bốc ra từ khoang hành lý và nhanh chóng di chuyển hàng khách sang một vị trí khác. Sau đó, phi hành đoàn đã tìm thấy chiếc Galaxy Note 2 đang phát nổ và dùng bình cứu hỏa để dập tắt đám cháy.
2. Apple đổi iPhone mới và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân
Ngày 13.7.2019, bé gái 11 tuổi (sống ở bang California, Mỹ) đang xem YouTube thì đột nhiên iPhone 6 bốc cháy. Ngay khi thấy những tia lửa tóe ra từ iPhone 6, bé Kayla Ramos đã ném máy lên giường, làm thủng đen một lỗ lớn trên chiếc chăn. May mắn là bé gái không bị thương. Ngày hôm sau, khi đến Apple Store trình báo, hai mẹ con Kayla đã được cửa hàng đổi cho một chiếc iPhone mới và hứa sẽ điều tra nguyên nhân vụ việc.
Tồi tệ hơn là vụ cháy nông trại xảy ra ở Langley, Canada hồi cuối năm 2016 do bộ sạc iPhone 6 bị lỗi. Cô Cathy Finley cắm sạc chiếc iPhone 6, đặt lên bàn trong phòng khách, rồi đi ra ngoài cho đàn dê ăn. Khi quay về, cả căn phòng đang chìm trong lửa. Cathy đã phải tức tốc nhờ hàng xóm trợ giúp, gọi cứu hỏa vì không thể tự tiếp cận để dập cháy.
Nguyên nhân vụ cháy sau đó được tìm ra là do bộ sạc iPhone bị lỗi. Hai vợ chồng Cathy đã được bồi thường 600.000 USD sau vụ cháy nổ iPhone này để khôi phục lại nông trại.
Tháng 10.2018, khi đang cập nhật lên phiên bản iOS 12.1, chiếc iPhone X của người đàn ông ở Mỹ đột ngột phát nổ. Rahel Mohamad cho hay ngay khi rút dây sạc ra khỏi iPhone X đang trong quá trình cập nhật thì những cuộn khói màu xám đen bốc lên.
iPhone X thông báo cập nhật thành công nhưng phát lửa và bốc cháy đúng lúc đó. Chưa rõ việc cập nhật phiên bản iOS mới hay sử dụng sạc và dây dẫn tới vụ cháy. Apple vẫn luôn thông báo và bắt buộc người dùng phải cắm sạc iPhone, hoặc đảm bảo máy trên 50% pin thì mới được cập nhật. Rahel Mohamad được đổi iPhone X mới sau đó.
Hồi tháng 12.2018, chiếc iPhone XS Max của người đàn ông ở bang Ohio, Mỹ đột ngột bốc cháy ngay trong túi. Khi đang ăn trưa, Josh Hillard giật mình ngửi thấy mùi khét và cảm thấy nóng ở phần đùi. Ngay khi bỏ ra, iPhone XS Max mới mua được 3 tháng lập tức xì khói màu vàng xanh. Dù đám cháy đã được dập tắt ngay lập tức, nhưng vụ tai nạn vẫn để lại một dấu cháy xém to trên quần, giày và tất của anh. Đại diện cửa hàng Apple Store đã đồng ý đổi cho Josh chiếc iPhone XS Max khác. Song do quá sợ sẽ bị cháy nổ, anh đã từ chối lời đề nghị.
Tháng 1.2018, một người đàn ông ở Đài Loan đưa chiếc iPhone lên sát mặt để tháo pin, thay cho một khách hàng. Ngay khi đang thao tác, chiếc iPhone phát nổ và bốc cháy dữ dội. Toàn bộ sự việc đã được camera an ninh ghi lại. Đoạn video vụ cháy đã làm rúng động cộng đồng mạng.
Ngay sau đó, vào tháng 2.2018, hai nhân viên kỹ thuật của Apple Store ở Hong Kong đã phải nhập viện với lý do tương tự. Pin của một chiếc iPhone đột ngột phát nổ và cháy khi đang được hai người tiến hành thao tác tháo lắp để sửa chữa thiết bị cho khách hàng. Rất may, hai kỹ thuật viên này không bị thương quá nặng sau vụ việc.
Tháng 9.2016, chiếc iPhone 7 Plus của một người Mỹ phát nổ trong quá trình vận chuyển. Những bức ảnh được đăng tải cho thấy điện thoại đã bị biến dạng. Phần khung máy đã bị cháy khá nghiêm trọng và một phần vỏ hộp cũng có vết sém. Apple chưa công bố rõ nguyên nhân vì sao iPhone 7 Plus phát nổ nhưng đã đổi cho khách máy mới.
3. Oppo đổ thừa cho người dùng
Tháng 8.2016, OPPO F1 Plus vừa được bán ra thị trường vài ngày thì dính bê bối phát nổ.
Một người dùng ở Trung Quốc báo cáo chiếc điện thoại OPPO nổ lúc đang sạc pin. Theo hình ảnh hiện trường khổ chủ đăng tải, OPPO F1 Plus bị cháy đen phần màn hình và nửa phía dưới thân máy.
Có vẻ như công nghệ sạc VOOC của OPPO F1 Plus đã làm máy nóng lên ở phần pin và phát nổ từ bên trong khiến cho màn hình vỡ rồi cháy đen. Nhìn phía mặt lưng có thể thấy rõ nguyên nhân vụ nổ do cổng sạc gây ra khiến pin nóng lên và gây cháy nổ.
Dù vậy, Oppo sau khi điều tra đã đổ lỗi cho người dùng khi thông báo: “Áp lực từ va đập rất mạnh khiến pin bị thiệt hại và dẫn tới việc đánh lửa”.
Đại diện hãng cũng khẳng định trước khi xảy ra trường hợp trên, máy không có một sai sót nào về chất lượng xuất xưởng, bao gồm cả pin.
Sau sự cố đó, không chỉ ở Trung Quốc, nhiều người ở Việt Nam cũng tỏ ra lo ngại về độ an toàn của smartphone Oppo qua những dòng status trên Facebook.
4. Smartphone Xiaomi từng gây bỏng nặng
Tháng 9.2016, chiếc Xiaomi Mi 4c bất ngờ phát nổ khi người dùng để trong túi quần. Vụ tai nạn này đã khiến nạn nhân bị bỏng cấp độ 3 và phải vào bệnh viện.
Sự cố này được cho là bắt nguồn từ pin của điện thoại khi nhiệt độ tăng quá cao hoặc do tác động từ các điều kiện khác.
Vào tháng 7.2016, một chiếc điện thoại Xiaomi Mi4i cũng đã nổ trong khi đang sạc pin tại Ấn Độ. Thật may mắn khi không có ai bị thương.
Lực sĩ phấn khích vì mở được hộp cao Sao Vàng chết yểu trong nước, bán chạy ở trời Tây. Xem chi tiết tại đây.
Nhân Hoàng (tổng hợp)