Các vụ vi phạm hải phận trắng trợn trong lịch sử TG
Mỹ sử dụng học thuyết Monroe, một số quốc gia khác sử dụng 'ngoại giao pháo hạm' để vi phạm hải phận, xâm lấn, đánh chiếm, gây ảnh hưởng... đến các quốc gia khác.
Khi dư luận đang rất nóng trước sự việc những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, hãy cùng nhìn lại các vụ vi phạm hải phận gây chú ý trong lịch sử.
Học thuyết Monroe
Ngày 2/12/1823, Tổng thống James Monroe đưa ra Học thuyết Monroe với mục đích ban đầu là ngăn ngừa các nước châu Âu tái lập thuộc địa hay can thiệp nội bộ vào các vùng còn lại của châu Mỹ. Thêm vào đó, Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ cho khu vực mang "lợi ích cốt lõi" này.
Học thuyết này cũng nêu bật thế kỷ đầu tiên của các hành động can thiệp của Mỹ ở nước ngoài. Từ góc nhìn của Mỹ Latinh, Học thuyết Monroe vẫn được coi là "giấy phép" để Mỹ tùy ý can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thuộc khu vực này. Trong thế kỷ 19, cố Tổng thống Mexico Porfirio Diaz từng nói: “Tội nghiệp Mexico, càng ngày càng xa Chúa và gần với Mỹ".
Kể từ khi đưa ra học thuyết Monroe, Mỹ đã sử dụng học thuyết này để xâm lấn, gây ảnh hưởng tới các nước trong khu vực, đồng thời ngăn ngừa các cường quốc châu Âu tạo ảnh hưởng lên khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình. Năm 1842, Tổng thống Mỹ John Tyler đã sử dụng học thuyết trên để can thiệp và gây ảnh hưởng đến Texas. Khi đó, một tờ báo ở Venezuela đã đăng tải một bài báo và trở thành chủ đề nóng bỏng ở châu Mỹ Latin cho đến ngày nay: "Hãy coi chừng những người anh em. Con sói đang tiến gần đến những con cừu".
Kể từ những năm 1890, Mỹ gia tăng ưu thế của mình tại Tây bán cầu.
Năm 1895, chính quyền Tổng thống Grover Cleveland đã bị cuốn vào tranh chấp biên giới dọc theo biên giới của Venezuela. Ngoại trưởng Mỹ Richard Olnet đã thông báo với chính phủ Anh quốc - một bên trong tranh chấp rằng: “sự tán thành” của Mỹ là “luật” trên khắp lãnh thổ Tây bán cầu.
Tuyên bố bá quyền của Mỹ rất khó được các quốc gia Tây bán cầu chấp nhận. Khi đó, Tổng thống Theodore Roosevelt đã khéo léo xử lý các mối quan hệ với các quốc gia châu Âu và Caribe. Vào năm 1904, vị tổng thống này đã thêm vào một “hệ luận” cho học thuyết Monroe, mà theo đó Washington có quyền can thiệp vào các cuộc tranh cãi giữa các đế quốc và các chính phủ Mỹ Latin nếu như những tranh cãi đó đe dọa phá vỡ học thuyết. Các đế quốc châu Âu có thói quen cử tàu chiến đến chiếm đoạt các sở hải quan khi các chính phủ yếu kém không đủ khả năng trả các món nợ cho các ngân hàng châu Âu. Sau đó, họ sẽ hoàn lại các khoản thu thuế quan cho các ngân hàng, nguồn thu nhập chính của chính phủ. Roosevelt đã phản đối điều này bởi vì việc thu hồi các khoản nợ sẽ giúp cho các nước ngoài khu vực giành được quyền sở hữu phần đất của châu Mỹ – khu vực có thể được xây dựng các căn cứ hải quân, tạo nên mối đe dọa đối với các hải trình của khu vực một khi kênh đào Trung Mỹ được mở.
Với việc bắt đầu thực hiện quản lý việc trả nợ, Washington không chấp nhận bất cứ một lý do nào của châu Âu trong việc xâm chiếm lãnh thổ - đây là loại lý do mà họ đưa ra đàm phán để chiếm quyền sở hữu các vùng đất rộng lớn châu Á và châu Phi. Bởi khi đó, giới chức Mỹ vẫn còn tỏ ra dè dặt trong việc áp dụng Hệ luận Roosevelt giống như Tổng thống Theodore Roosevelt đã làm. Do vậy, họ chỉ can thiệp tại Santo Domingo với quy mô rất nhỏ.
Ngoại giao pháo hạm
Ngoại giao pháo hạm là một trong những biện pháp phổ biến của các nước đế quốc để tiến hành chính sách xâm lược bằng cách sử dụng lực lượng vũ trang (như tàu chiến) để gây sức ép hoặc can thiệp vào công việc nội bộ các nước yếu hơn. Thuật ngữ này ra đời xuất phát từ việc các pháo hạm được sử dụng rộng rãi trong chính sách này.
Năm 1858, Pháp dùng tàu chiến tấn công Đà Nẵng, mở đầu chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đến năm 1897, Đức đã sử dụng thủ pháp ngoại giao trên để chiếm cảng Giao Châu (Trung Quốc). Kể từ đó, nhiều nước trên thế giới tiếp tục chính sách “ngoại giao pháo hạm” thông qua việc sử dụng các loại tàu chiến hiện đại như tàu sân bay, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân... nhằm khiến các nước yếu hơn phải nhượng bộ.
Năm 1902 - 1903, Venezuela bị Anh, Đức, Italy sử dụng "ngoại giao pháo hạm" nhằm phong tỏa các cảng biển do Tổng thống Venezuela Cipriano Castro từ chối trả nợ nước ngoài và các tổn thất của người châu Âu trong cuộc nội chiến của nước này.
Lực lượng hải quân yếu ớt của Venezuela khi đó nhanh chóng bị Anh, Đức, Italy vô hiệu hóa. Nhiều tàu chiến Venezuela bị liên quân bắt giữ. Tuy nhiên, Tổng thống Castro vẫn không chấp nhận các điều kiện trả nợ và bồi thường do các nước châu Âu đưa ra. Thay vào đó, ông đòi phải có một trọng tài quốc tế để phân xử.
Lực lượng liên quân phản ứng mạnh trước thái độ của Tổng thống Castro, bằng việc bắn chìm 2 tàu Venezuela và dội bom vào bờ biển. Trước những diễn biến căng thẳng đó, Mỹ bắt đầu can thiệp, gây sức ép để liên minh Anh, Đức, Italy phải ngồi vào bàn đàm phán.
Đến ngày 13/2/1903, các bên đạt được thỏa thuận, theo đó Anh, Đức, Italy dỡ bỏ phong tỏa các vùng biển của Venezuela. Đổi lại, Venezuela phải dỡ bỏ 30% thuế hải quan đối với các hàng hóa của liên quân.
Thỏa thuận này khiến Mỹ lo ngại sẽ có những hành vi can thiệp tương tự từ châu Âu. Do đó, Tổng thống Theodore Roosevelt đã lên tiếng khẳng định quyền can thiệp của Mỹ để “ổn định” tình hình kinh tế của các nước nhỏ ở Caribebean và Trung Mỹ nếu các nước này không thể trả các khoản nợ quốc tế.
Năm 2013, Bắc Kinh cũng tăng cường các cuộc tuần tra quân sự và bán quân sự ở Biển Đông, cản trở Philippines quay trở lại bãi cạn Scarborough – một khu vực mà Manila tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Tháng 1/2013, Philippines quyết định đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông giữa nước này với Trung Quốc ra tòa án quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Mục đích của Manila là muốn tòa án quốc tế ra phán quyết bác bỏ đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines theo UNCLOS.
Về phía mình, Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ khả năng tham gia vào vụ kiện của Philippines, nói rằng chủ quyền của họ đối với vùng lãnh hải tranh chấp là “không phải bàn cãi”.
Song song với đó, Bắc Kinh cũng tăng cường các cuộc tuần tra quân sự và bán quân sự ở biển Đông, cản trở Philippines quay trở lại bãi cạn Scarborough...