Các vùng sản xuất hồi hộp chờ tuần cao điểm Tết
Chưa năm nào thị trường Tết lại chậm khởi động như năm nay khi qua rằm tháng Chạp mà sức mua của người tiêu dùng vẫn chưa biến động nhiều so với trước. Các vùng trồng cây ăn trái, rau củ vẫn chưa có thương lái bao tiêu, ngay cả những loại trái cây luôn hút hàng vào dịp Tết như: bưởi, xoài, thanh long… cũng vẫn neo lại nhà vườn chờ khách mua.
Sức mua chậm khiến nhiều mặt hàng trái cây, rau củ giảm thấp so với cùng kỳ mọi năm. Giá thấp nhưng cả nông dân và thương lái đều hồi hộp chờ sức mua của thị trường tăng vào tuần cao điểm cuối cùng trước Tết.
* Bưởi tết chờ khách mua
Bưởi từng là một trong những loại trái cây luôn cháy hàng vào mùa Tết. Bưởi tết thường có giá cao gấp đôi, gấp ba ngày thường mà vẫn cung không đủ cầu. Theo đó, bưởi từng thuộc tốp đầu cây trồng cho thu nhập cao. Vì thế, vài năm trở lại đây, diện tích bưởi trên cả nước tăng cao, chỉ riêng Đồng Nai, diện tích cây trồng này đã tăng hàng ngàn ha so với vài năm trước đó. Đây cũng là nguyên nhân khiến năm vừa qua, giá loại trái cây này luôn ổn định ở mức thấp. Mọi kỳ vọng của nông dân trồng bưởi đều trông chờ thị trường sẽ khởi sắc trong Tết Nguyên đán 2024. Tuy nhiên, do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến nông dân trồng bưởi đứng ngồi không yên vì thị trường vào cao điểm vẫn vắng khách mua.
Ông Vũ Thành Đông, nông dân trồng bưởi tại xã Tà Lài (H.Tân Phú) lo lắng, chưa năm nào thị trường bưởi tết chậm như năm nay. Mọi năm, cả tháng trước Tết, thương lái đổ về các vùng trồng bưởi mua mão cả vườn hoặc đặt hàng trước. Đến thời điểm này, không khí thu hoạch đã rộn ràng. Nhưng năm nay, nguồn bưởi nông dân chăm cho thị trường tết hiện còn tồn khá nhiều. Mặt hàng này cũng chưa có giá tết. Bưởi loại nhất đến vườn mua lẻ chọn từng trái mới bán được khoảng 30 ngàn đồng/kg, số còn lại giá dưới 10 ngàn đồng/kg cũng khó bán. Thương lái mua với sản lượng nhiều chỉ có giá cào bằng khoảng 13-14 ngàn đồng/kg. Giá thấp nhưng thương lái cũng rất e dè mua nên nông dân rất lo lắng vì chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là nghỉ Tết.
Theo ông NGÔ VĂN SƠN, nông dân trồng bưởi tại xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu), từ sau đại dịch Covid-19, thị trường cho trái bưởi bắt đầu gặp khó khăn và năm nay là đỉnh điểm. Cùng thời điểm này những năm trước, 1 ngày vườn nhà ông bán lẻ ra thị trường 50-100 thùng bưởi các loại, nay chỉ được hơn 10 thùng. Bán cho thương lái phải chấp nhận giá thấp hơn một nửa so với giá bán lẻ. Giá thấp nhưng thương lái cũng không dám gom hàng vì lo dội chợ.
Bưởi Tân Triều (H.Vĩnh Cửu) là một trong những đặc sản có tiếng của Đồng Nai nên thường thu hút khách mua và bán được với giá tốt hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Theo nông dân trồng bưởi trên địa bàn H.Vĩnh Cửu, từ tháng Chạp, giá bưởi bắt đầu biến động và hiện nông dân bán tại vườn đang tăng cao so với vài tuần trước đó. Cụ thể, giá bưởi da xanh ruột hồng có giá từ 35-40 ngàn đồng/kg; giá bưởi loại nhất bán cho khách lẻ đã tăng lên từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/chục (12 trái). Nhưng sản lượng bưởi bán lẻ với giá cao được rất ít, thương lái mua với giá thấp hơn nhiều nhưng họ cũng mới mua nhỏ giọt vì sức tiêu thụ trên thị trường rất chậm.
Bà Huỳnh Thị Tuyết, nông dân tại xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) cho biết, mọi năm, vườn bưởi nhà bà có nhiều khách mua lẻ, trong đó rất nhiều công nhân trực tiếp đặt bưởi làm quà biếu nên giá bưởi tết thường cả triệu đồng/chục. Nhưng năm nay chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết nhưng bưởi vẫn chưa sốt giá. Khách đặt mua lẻ tại vườn hầu như vắng bóng, còn thương lái mua với giá thấp hơn nhiều, loại nhất chỉ được khoảng 500 ngàn đồng/chục nhưng tỷ lệ bưởi nhất rất ít nên đa số nông dân chỉ bán được với giá 200-400 ngàn đồng/chục.
* Thương lái cũng lo dội chợ
Không chỉ trái bưởi, các loại trái cây khác, ngay cả các loại trái được người tiêu dùng sử dụng nhiều trong mâm ngũ quả ngày Tết như: xoài, mãng cầu… cũng lo chợ ế. Theo đó, nhiều loại trái cây hút hàng dịp Tết cũng rơi vào tình trạng giá quay chiều giảm sâu vào cao điểm Tết.
Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp cây xoài Xuân Trường (H.Xuân Lộc) Nguyễn Dũng bày tỏ lo lắng, nông dân phải đầu tư chi phí cao để làm xoài nghịch vụ thu hoạch vào dịp Tết mong bán được giá cao. Nhưng năm nay, vào cao điểm tiêu thụ dịp Tết, giá xoài bất ngờ xoay đầu giảm mạnh. Cụ thể, giá xoài Đài Loan bán tại vườn hiện chỉ còn 9 ngàn đồng/kg, chỉ bằng 1/3 giá bán cùng kỳ năm ngoái; xoài cát Hòa Lộc hiện 29 ngàn đồng/kg, giảm gần 50% so với cùng kỳ. Giá thấp nhưng thương lái không mặn mà đặt hàng như mọi năm khiến nông dân trồng xoài đứng ngồi không yên, vì chỉ còn khoảng 1 tuần để bán xoài dịp Tết.
Chia sẻ lý do không dám đặt hàng trước, bà Trịnh Thị Bích Hợp, thương lái tại TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất) chia sẻ, chợ tết hiện còn ế hơn so với bình thường. Mọi năm, sức mua được 10 phần thì năm nay chỉ còn 3 phần. Tình hình này kéo dài cả năm nay, thương lái kinh doanh mặt hàng trái cây không ít lần thua lỗ vì bán ế, trái cây hư phải đổ bỏ. Trước đây, hàng bán chậm có thể bán lại với giá rẻ cho đội xe ba gác bán rong. Năm nay, sức mua ở các chợ công nhân giảm mạnh, đội xe này cũng không dám nhập hàng nhiều nên không có thương lái nào dám trữ hàng tết.
“Chúng tôi cũng đang chờ động thái từ thị trường, có khách đặt hàng rồi mới gọi nông dân chứ không dám mua bao cả vườn như trước” - bà Hợp nói.
Ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) so sánh, chợ tết nhưng sức mua không bằng các tháng khác trong năm. Vì năm nay, từ hàng quán đến nhà hàng đều ế ẩm, các chợ truyền thống cũng vắng khách mua. Giá các loại trái cây tươi, rau củ hầu như không biến động so với ngày thường. Cả tiểu thương và nông dân đều hồi hộp chờ đến ngày cúng ông Táo với hy vọng sức mua của thị trường sẽ bắt đầu tăng cao.