Các xác ướp ở Tân Cương làm kinh ngạc giới khoa học
Các đặc điểm trên khuôn mặt và màu tóc của xác ướp, trông có nét người phương Tây, vẫn còn được nhận thấy rõ ràng.
Hàng trăm xác ướp được chôn bằng nghi thức thuyền táng ở một vùng sa mạc khắc nghiệt thuộc Tân Cương, Trung Quốc đã khiến các nhà khảo cổ học hoang mang và chia rẽ kể từ khi họ phát hiện ra.
Vào những năm 1990, tại lưu vực Tarim ở Tân Cương, các xác ướp và quần áo tùy táng được phát hiện còn nguyên vẹn nhờ được bảo quản trong không khí khô hạn của sa mạc, mặc dù đã có tuổi đời lên đến 4.000 năm.
Các đặc điểm trên khuôn mặt và màu tóc của họ, trông có nét người phương Tây, vẫn còn được nhận thấy rõ ràng. Ngoài ra, quần áo bằng vải nỉ và len dệt của họ, cũng như pho mát, lúa mì và hạt kê được tìm thấy trong các ngôi mộ khác thường cho thấy họ là những người chăn gia súc đường dài từ thảo nguyên Tây Á hoặc nông dân di cư từ vùng núi và sa mạc Trung Á.
Nhưng một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đã phân tích DNA của 13 xác ướp cho thấy họ không phải là những người mới đến mà là một nhóm người địa phương có nguồn gốc từ dân cư châu Á thời kỳ băng hà cổ đại.
Trên nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature hôm 27.10, Christina Warinner thuộc Đại học Harvard, cho biết: "Các xác ướp từ lâu đã thu hút các nhà khoa học và công chúng kể từ khi phát hiện lần đầu. Ngoài việc được bảo quản đặc biệt, chúng được tìm thấy trong một bối cảnh rất khác thường, và chúng thể hiện các yếu tố văn hóa đa dạng và khác biệt".
"Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ rằng họ thực sự đại diện cho một nhóm dân cư địa phương bị cô lập về mặt di truyền. Nhưng trái ngược với sự cô lập về mặt di truyền, họ dường như đã cởi mở tiếp nhận những ý tưởng và công nghệ mới từ những người du mục và nông dân xung quanh, đồng thời phát triển các yếu tố văn hóa độc đáo không hề được chia sẻ bởi các nhóm khác".
Nghiên cứu đã phân tích thông tin di truyền của các xác ướp lâu đời nhất ở lưu vực Tarim, có tuổi đời từ 3.700 đến 4.100 năm, cũng như hài cốt của 5 người từ lưu vực Dzungarian thuộc Khu tự trị Tân Cương. Đây là những di tích cổ nhất có bóng dáng con người được tìm thấy trong khu vực, có niên đại từ 4.800 đến 5.000 năm trước.
Kết quả nghiên cứu cho thấy xác ướp lưu vực Tarim không có dấu hiệu của sự pha trộn, một thuật ngữ khoa học để chỉ việc giao phối sinh con giữa các nhóm dân tộc đương đại khác. Thay vào đó, xác ướp là hậu duệ trực tiếp của một nhóm từng phổ biến trong thời kỳ băng hà.
Trong khi đó, một nhóm khác đến từ xa hơn về phía Bắc ở Tân Cương được phát hiện là đã pha trộn lẫn gien với các quần thể thời kỳ đồ đồng khác nhau trong khu vực.
Michael Frachetti, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Washington ở Saint Louis cho biết: “Mặc dù khu vực này bây giờ khá hẻo lánh nhưng trong thời đại đồ đồng thì "đây là một khu vực giao nhau đáng kinh ngạc. Có sự kết hợp sôi động của Bắc, Nam, Đông và Tây từ 5.000 năm trước".
Điều khó hiểu nhất cho đến giờ mà các nhà khoa học chưa thể giải thích được là phần nói ở đầu bài. Các xác ướp được chôn trong các thuyền. Tại sao ở một nơi cách xa biển và sông ngòi đến vậy mà lại dùng thuyền để chôn?