Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của người dân Đồng bằng Sông Cửu Long
Nghiên cứu này tiến hành khảo sát 447 người dân tại 04 thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau trong giai đoạn 2018-2019 và sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của người dân Đồng bằng Sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ý định khởi nghiệp của người dân Đồng bằng Sông Cửu Long chịu tác động tích cực bởi yếu tố kiến thức khởi nghiệp. Từ đó, nghiên cứu này đề xuất một số khuyến nghị nhằm khuyến khích và khởi dậy tinh thần khởi nghiệp của người dân tại địa phương.
Vai trò của doanh nhân càng được đề cao và là nhân tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia, cải thiện năng suất, tạo lập việc làm, và đổi mới. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về ý định khởi nghiệp, tuy nhiên, tại Việt Nam, trong vòng một thập kỷ qua, rất ít các nghiên cứu đề cập đến các nguyên nhân dẫn đến ý định khởi nghiệp (YĐKN) của người dân, đặc biệt là người dân Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Lý thuyết và phát triển giả thuyết
Dựa trên lý thuyết hành vi kế hoạch của (Ajzen, 1991), nhiều nghiên cứu thực chứng đã tìm thấy YĐKN là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi và đến lượt ý định cũng chịu tác động bởi thái độ, nhận thức chủ quan, và nhân tố kiểm soát. Kết quả cho thấy, thái độ hướng đến hành vi, các quy ước chủ quan và tác nhân kiểm soát giải thích được từ 30% đến 50% sự khác biệt trong YĐKN. Nghĩa là 50% trở lên trong YĐKN vẫn chưa được giải thích đầy đủ theo cách tiếp cận từ lý thuyết này. Điều này có lẽ phụ thuộc vào đặc điểm khác của cá nhân (Fishbein & Ajzen, 2011). Mặt khác, kiến thức khởi nghiệp (KTKN) và năng lực cá nhân có được như khả năng sáng tạo, nhạy bén, tiên phong, dám chấp nhận rủi ro, tự hiệu quả, tìm kiếm thông tin, nhận diện cơ hội có ảnh hưởng mạnh đến YĐKN.
Về mối quan hệ giữa KTKN, NLDN và YĐKN, nhiều nghiên cứu nhấn mạnh vai trò tích cực của kiến thức khi hình thành năng lực nhận biết cơ hội kinh doanh của từng cá nhân. Nếu một cá nhân có nhiều kiến thức thì khả năng tập trung vào các khía cạnh quan trọng của thông tin hiện có và xử lý nó sẽ hiệu quả hơn, do đó xác định được số lượng lớn các cơ hội. Các cá nhân có nhiều kiến thức nền về các vấn đề của khách hàng, xác định nhiều cơ hội hơn với mức độ đổi mới cao hơn. Theo Tang et al. (2012), KTKN làm tăng khả năng nhận diện cơ hội và nắm bắt cơ hội, đồng thời gia tăng các tố chất năng lực doanh nhân như sự nhạy bén, sáng tạo, chủ động tìm kiếm thông tin và xử lý có hiệu quả về thông tin, dám chấp nhận rủi ro, tiên phong. Bên cạnh đó, KTKN củng cố sự tự tin và niềm tin vào khả năng xử lý mọi việc có hiệu quả của mỗi cá nhân.
Từ những lập luận trên, nhóm tác giả đề xuất 02 giả thuyết sau:
Giả thuyết H1: Có mối quan hệ thuận chiều giữa kiến thức và năng lực doanh nhân.
Giả thuyết H2: Có mối quan hệ thuận chiều giữa năng lực doanh nhân và ý định khởi nghiệp.
Phương pháp nghiên cứu
Mẫu nghiên cứu được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu phi xác suất theo phương pháp phán đoán có xác định tỷ lệ theo mật độ dân cư sinh sống ở địa bàn 04 tỉnh ĐBSCL.
Việc lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu phi xác suất là phù hợp với xác suất khởi nghiệp của người dân ở bất kỳ nơi nào được giả thuyết là giống nhau. Điều này phù hợp với bản chất nghiên cứu khám phá theo phương pháp quy nạp.
Phương pháp tiếp cận đối tượng khảo sát theo kiểu thuận tiện, nghĩa là khi tiếp cận với đối tượng khảo sát tại địa bàn nếu được sự cho phép hoặc đồng ý của đối tượng thì phỏng vấn viên sẽ thực hiện cuộc phỏng vấn, ngược lại thì phỏng vấn viên sẽ tiếp tục tiếp cận đáp viên kế tiếp.
Cuộc khảo sát đã thu được 447 quan sát cho đối tượng chưa từng khởi nghiệp kinh doanh. 27 quan sát không đạt yêu cầu đã được loại ra khỏi dữ liệu do thiếu thông tin và kém chất lượng.
Theo số liệu khảo sát, trong số 447 quan sát, xác suất sẽ khởi nghiệp là 50% có trên 130 quan sát, 75% đến 100% là trên 120 quan sát, và 50% đến 75% trên 100 quan sát. Riêng nhóm có xác suất 100% sẽ khởi nghiệp chiếm tỷ lệ thấp nhất và không đáng kể, điều này cho thấy sự e ngại rủi ro nhất định của đáp viên. Khi được hỏi về lý do khởi nghiệp, đa số đáp viên trả lời là do họ muốn kiếm tiền (> 180 quan sát), nhận thức được cơ hội kinh doanh (> 170 quan sát).
Các lý do khác là do ham muốn kinh doanh, muốn làm chủ và tự lập. Phương pháp ước lượng được thực hiện trình tự theo các bước: Đầu tiên, nghiên cứu tiến hành kiểm định độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha; Tiếp theo, thực hiện EFA (EFA); Kế đến là phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và cuối cùng là để ước lượng mối quan hệ nhân quả giữa các biến độc lập, biến trung gian, và biến phụ thuộc của mô hình nghiên cứu chúng tôi sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM).
Kết quả nghiên cứu
KTKN: Kết quả EFA cho khái niệm KTKN với 4 thang đo thành phần là phù hợp (KMO = 0.692 và Sig. = .000) với Eigenvalue = 2,130 >1 và phương sai trích đạt 53,262 > 50%. Khái niệm KTKN vẫn được giữ nguyên thang đo và gom thành một nhân tố (Bảng 2).
NLDN: Khái niệm NLDN được cấu thành từ 07 khái niệm đó là: Sự sáng tạo, chấp nhận rủi ro, tiên phong, sự nhạy bén, tìm kiếm thông tin, tự hiệu quả và nhận diện cơ hội kinh doanh. Nghiên cứu tiến hành EFA với phép xoay Promax cho 07 biến cấu thành khái niệm NLDN. Kiểm định KMO và Bartlett’s khái niệm NLDN cho thấy hệ số KMO = 0. 899 và Sig. = .000, điều này kết luận rằng, việc thực hiện phân tích EFA là phù hợp. Các hệ số Eigenvalue = 1,198 >1 và phương sai trích đạt 60,128 > 50%. Điều này kết luận rằng việc thực hiện phân tích EFA đạt yêu cầu, khái niệm này đạt được giá trị phân biệt và giá trị hội tụ. Thang đo cho khái niệm NLDN được trình bày tại Bảng 3.
YĐKN: Kiểm định KMO và Bartlett’s khái niệm YĐKN (EO) cho thấy, hệ số KMO = 0.840 và P-value = .000, điều này kết luận rằng, việc thực hiện phân tích EFA là phù hợp. Kiểm định KMO và Bartlett’s khái niệm YĐKN với Eigenvalue = 2,918 >1 và phương sai trích đạt 58,376 > 50%. Khái niệm YĐKN hội tụ về một nhóm (Bảng 4).
Sau khi tiến hành các EFA, nghiên cứu tiến hành phân tích nhân tố khẳng định (CFA) để xem xét sự phù hợp của dữ liệu, có hay không các khái niệm đạt tính đơn hướng, giá trị hội tụ và giá trị phân biệt. Kết quả CFA của mô hình đo lường tới hạn (Saturated model) được thể hiện trong hình bên với kết quả như sau: mô hình có Chi-square = 2.668 (p = .000), CMIN/df = 2,393 <3. Các chỉ số: TLI, CFI lần lượt là: 0,872, 0,873 và 0,888 đều lớn hơn 0,8 được xem là là mô hình phù hợp tốt. Chỉ số RSMEA = 0.061 < 0.08 phù hợp với dữ liệu thị trường (Hair et al., 2012). Kết quả phân tích về kiểm định giá trị phân biệt đạt ở mức ý nghĩa thống kê 5%.
Kết quả kiểm định mô hình SEM có 318 bậc tự do, chi-square = 2.674 (p = .000), CMIN/df = 2,674 < 3. Các chỉ số: GFI = 0,867, TLI = 0,872, CFI = 0,884 tất cả đều lớn hơn 0,8 được xem là mô hình phù hợp tốt, nếu các hệ số này lớn hơn 0,9 mô hình được xem là thỏa đáng; và RSMEA = 0.061 < 0.08 theo (Awang, 2012), khẳng định mô hình phù hợp với dữ liệu thị trường.
Mối quan hệ giữa các tác động của các tác nhân trong mô hình nghiên cứu cho thấy, KTKN tác động thuận chiều đến NLDN (β=.356; p<.01) và NLDN tác động thuận chiều đến YĐKN (β=.679; p<.01). Như vậy, các giả thuyết nghiên cứu H1 và H2 đều được hỗ trợ. KTKN là nhân tố quan trọng hình thành nhận thức và NLDN, từ đó kích thích tinh thần khởi nghiệp của mỗi người dân.
Kết luận và khuyến nghị
Kết quả nghiên cứu cho thấy, YĐKN của người dân ĐBSCL chịu tác động tích cực bởi KTKN gián tiếp thông qua tác động của NLDN. Mức độ ảnh hưởng của NLDN đến YĐKN của người dân được tìm thấy lớn hơn so với mức độ ảnh hưởng của kiến thức càng củng cố thêm vai trò quan trọng của tố chất doanh nhân của mỗi cá nhân.
Nghiên cứu cho thấy 2 khía cạnh quan trọng:
Một là, vai trò quan trọng của việc giáo dục khởi nghiệp cho người dân. Việc mở ra các khóa đào tạo thường xuyên (ngắn hạn và dài hạn) về khởi nghiệp không chỉ dừng lại trong môi trường giáo dục đại học hay cao đẳng chuyên nghiệp mà cần phải được nhân rộng và tạo điều kiện cho mọi người dân có khả năng tiếp cận những KTKN từ cơ bản đến chuyên sâu. Chẳng hạn, các kiến thức cơ bản về lập kế hoạch kinh doanh, tài chính, sản xuất, và tiếp thị, và các kiến thức cơ bản về luật pháp, đặc biệt tập trung vào loại hình quy mô nhỏ và vừa. Có như vậy, đào tạo khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở tính hình thức mà còn nuôi dưỡng được tinh thần doanh nhân khởi nghiệp.
Hai là, việc hình thành NLDN trong mỗi người dân không thể thay đổi trong một thời gian ngắn. Việc trau dồi và luyện tập các kỹ năng khởi nghiệp, sự nhạy bén, khả năng thích nghi phụ thuộc vào đặc điểm cá nhân và sự chủ động của mỗi người dân. Thêm nữa, nghiên cứu còn cho thấy, Chính phủ cũng cần kiến tạo một môi trường kinh doanh ổn định, hỗ trợ và khuyến khích tinh thần doanh nhân khởi nghiệp bằng những hành động và chương trình cụ thể.
Tài liệu tham khảo:
1. Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes. https://doi.org/10.1016/0749-5978(91)90020-T;
2. Awang, Z. (2012). Analyzing the Moderating. In A Handbook on Structural Equation Modeling (SEM) using Amos;
3. Fishbein, M., & Ajzen, I. (2011). Predicting and changing behavior: The reasoned action approach. In Predicting and Changing Behavior: The Reasoned Action Approach. https://doi.org/10.4324/9780203838020;
4. Hair, J. F., Sarstedt, M., Ringle, C. M., & Mena, J. A. (2012). An assessment of the use of partial least squares structural equation modeling in marketing research. Journal of the Academy of Marketing Science. https://doi.org/10.1007/s11747-011-0261-6;
5. Tang, J., Kacmar, K. M. M., & Busenitz, L. (2012). Entrepreneurial alertness in the pursuit of new opportunities. Journal of Business Venturing, 27(1), 77-94.