Các yếu tố chi phối thị trường tại châu Á khi bước vào tuần mới

Bước vào tuần mới, các nhà đầu tư toàn cầu lạc quan khi Phố Wall liên tục đi lên, dù có những sức ép trong bối cảnh biến động địa chính trị gia tăng.

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ, gây bất ổn ở một Trung Đông vốn đã đầy biến động, các cáo buộc hình sự nhằm vào Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và sự hỗn loạn chính trị ở Pháp đều là những diễn biến có thể khiến các nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn.

Trái phiếu chính phủ Mỹ và các nước khác, vàng và đồng USD đều có thể tăng sức hấp dẫn trong phiên giao dịch đầu tuần. Tình hình tại Hàn Quốc có thể tác động khắp châu Á, và Bộ Tài chính cũng như Ngân hàng trung ương nước này dự kiến sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo sự ổn định tài chính và bảo vệ đồng won.

Đồng won đã giảm giá khoảng 10% kể từ cuối tháng 9/2024, chạm mức thấp nhất trong hai năm vào tuần trước. Khả năng đồng tiền này giảm xuống dưới mức 1.445 won/USD hoàn toàn có thể xảy ra, đánh dấu mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào đầu năm 2009.

Mặt khác, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục hạ lãi suất và lợi suất trái phiếu chính phủ giảm, kết hợp với số liệu việc làm vững chắc được công bố cuối tuần trước, đã tạo động lực để các chỉ số chứng khoán Mỹ lập mức cao kỷ lục mới.

Biến động ngoại hối toàn cầu có thể đang gia tăng, nhưng các chỉ số về biến động thị trường trái phiếu và chứng khoán của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng. Nếu điều này được duy trì, Phố Wall có thể sẽ kết thúc một năm đáng chú ý với một nền tảng vững chắc.

Các nhà đầu tư ở châu Á phiên 9/12 có thể sẽ phản ứng với Báo cáo việc làm của Mỹ được công bố cuối tuần trước cho thấy tăng trưởng việc làm vững chắc nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại tăng trong tháng trước.

Các nhà giao dịch nhận định Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào ngày 18/12 tới.

Số liệu thu hút sự chú ý tại châu Á trong phiên đầu tuần sẽ là chỉ số giá và chỉ số giá của nhà sản xuất tại Trung Quốc.

Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 9/12 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt so với mức tăng 0,3% trong tháng 10/2024. CPI tháng 11/2024 giảm 0,6% so với tháng trước đó, so với mức giảm 0,3% trong tháng 10/2024. Chỉ số giá của nhà sản xuất trong tháng 11/2024 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 2,9% trong tháng 10/2024.

Các nhà đầu tư hiện sẽ hướng sự chú ý tới cuộc họp sắp tới của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nơi các nhà hoạch định chính sách hàng đầu nước này sẽ đặt ra các ưu tiên cho năm tới. Đối với các nhà đầu tư, mục tiêu tăng trưởng và ngân sách năm 2025 của chính phủ sẽ là hai trong số những mục tiêu quan trọng nhất.

Lê Minh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/cac-yeu-to-chi-phoi-thi-truong-tai-chau-a-khi-buoc-vao-tuan-moi-20241209134013012.htm