Cách 8 người trẻ tự tạo ra kỷ luật chi tiêu nghiêm ngặt

Đặt cho mình những 'luật' khi tiêu tiền là cách giúp người trẻ quản lý tài chính tốt hơn, nhằm đến các mục tiêu mua nhà, mua xe... Song, đây chưa bao giờ là bài toán đơn giản.

Đặt cho mình những "luật" khi tiêu tiền là cách giúp người trẻ quản lý tài chính tốt hơn, nhằm đến các mục tiêu mua nhà, mua xe... Song, đây chưa bao giờ là bài toán đơn giản.

_____

Để đạt được các mục tiêu tài chính, nhiều người trẻ duy trì kế hoạch và thói quen chi tiêu, tiết kiệm trong nhiều năm.

Nhiều người quan niệm, việc chi tiêu trong giới hạn và sự kỷ luật không khiến họ bủn xỉn hay sống khép kín, thay vào đó, giúp họ sống có kế hoạch và mục tiêu.

Zing Lifestyle đã trò chuyện cùng 8 bạn trẻ để lắng nghe về cách họ tạo dựng và duy trì sự kỷ luật trong quản lý tài chính.

Tôi dạy tiếng anh tại một trung tâm ngoại ngữ cách nhà 10km. Dạy 10 buổi mỗi tuần giúp tôi duy trì mức thu nhập khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng suốt 3 năm nay.

Nhờ sống cùng bố mẹ nên tôi không mất chi phí ăn, ở. Hàng tháng, tôi đặt giới hạn chi tiêu 5 triệu đồng, chưa từng phá giới hạn này trong suốt 3 năm đi làm.

Với 5 triệu đồng, tôi thường chia ra 1,5 triệu đồng cho tiền xăng, xe đi lại; 1,5 triệu đồng cho các khoản quần áo, mỹ phẩm. 1 triệu đồng để hẹn hò bạn bè. Phần còn lại tôi để dành cho các chuyến du lịch ngắn ngày, thường mỗi năm tôi đi chơi 1-2 chuyến.

Nhờ chi tiêu trong kế hoạch và có sự kiểm soát, tôi đã tiết kiệm được 350 triệu đồng sau 3 năm đi làm. Số tiền này tôi đang gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Tôi bắt đầu chi tiêu có kế hoạch và kỷ luật từ khi mua căn nhà đầu tiên vào năm 2022. Căn hộ tôi chọn có giá 4 tỷ đồng. Tôi đã vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà, tức 2,5 tỷ đồng.

Thực tế ở thời điểm mua nhà, tôi có một mảnh đất đang trong giai đoạn chờ bán. Vì thị trường bất động sản lúc đó không thuận lợi, tôi không thể bán và thu tiền về trước khi mua nhà. Do đó, tôi phải vay ngân hàng với tỷ lệ tối đa. Lúc đó, tôi vay với lãi suất 7,9%, cố định trong 5 năm đầu.

Với khoản vay này, hàng tháng tôi phải trả tiền lãi 18 triệu đồng, cùng với khoảng 7 triệu đồng nợ gốc. Tổng cộng, tôi phải trả nhà băng 25 triệu đồng mỗi tháng. Áp lực trả nợ buộc tôi phải đề ra một kế hoạch chi tiêu hợp lý, khoa học.

Giai đoạn đó, thu nhập của tôi vào khoảng 70 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ thuế, đóng bảo hiểm, tôi nhận về khoảng 58 triệu đồng. Tôi phải cân đối chi tiêu để vừa có tiết kiệm, vừa có tiền trả nợ ngân hàng và vẫn duy trì kênh đầu tư chứng khoán.

Tôi chia thu nhập của mình thành 4 phần: phần trả nợ (25 triệu đồng), phần tiết kiệm (10 triệu đồng), phần chi tiêu (18 triệu đồng), phần còn lại tôi bổ sung vào khoản đầu tư chứng khoán.

Cuối năm 2022, tôi bán được mảnh đất của mình, thu về 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên lúc này, lãi suất tiền gửi đã vượt 10%/năm nên tôi chưa vội trả nợ. Thay vào đó, tôi gửi tiết kiệm ở một ngân hàng khác.

Hiện tại lương của tôi tăng lên 80 triệu đồng/tháng, tuy nhiên tôi vẫn duy trì kế hoạch tài chính như cũ. Khoản tiết kiệm, thay vì 10 triệu đồng, giờ tôi điều chỉnh thành 20 triệu đồng/tháng.

Tôi lên kế hoạch sẽ trả hết nợ trong năm 2024. Với tiến độ hiện tại, tôi tin bản thân có thể hoàn thành mục tiêu.

Để đạt được những mục tiêu tài chính vào năm 30 tuổi, tôi đã lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm từ ngày nhận tháng lương đầu tiên vào năm 23 tuổi.

Ở giai đoạn mới đi làm, tôi kiếm được 18-25 triệu đồng mỗi tháng, tùy vào doanh số kinh doanh. 2/3 thu nhập này tôi dành để tiết kiệm. Có tháng tôi chỉ có 6 triệu đồng để chi tiêu. Một thanh niên 23 tuổi xoay xở cuộc sống chỉ với 6 triệu đồng quả thực không dễ dàng. Tuy nhiên, đó chính là động lực để tôi cải thiện thu nhập.

Sau này, khi thu nhập hàng tháng đạt 25-35 triệu đồng hay 50 triệu đồng như hiện tại, tôi vẫn giữ đúng nguyên tắc tiết kiệm 2/3 số tiền kiếm được.

Quan điểm về chi tiêu của tôi bị ảnh hưởng khá nhiều từ một người bạn nước ngoài. Người bạn này từng nói với tôi: “Khi đứng trước một món đồ và bạn phân vân có nên mua hay không, thì tốt nhất không mua. Nếu bạn thực sự cần nó, chắc chắn bạn không cần phân vân như thế”. Chính câu nói này đã giúp tôi sống tối giản, không mua sắm những món đồ không cần thiết và quản lý tài chính hiệu quả hơn.

Với tôi, quản lý tài chính chặt chẽ chưa bao giờ là cách biến chúng ta thành những con người bủn xỉn hay sống khép kín. Kỷ luật trong tài chính giúp chúng ta kiểm soát lối sống, có mục tiêu và có phương hướng để đạt được mục tiêu đó.

Thực tế tôi đã kiếm được 2 tỷ đồng ở tuổi 28, thu nhập tăng đều qua từng năm. Tôi vẫn duy trì và mở rộng những mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè thân thiết.

Hiện tại, tôi có mức thu nhập khoảng 20 triệu/tháng. Từ trước đến nay, ngay sau khi nhận lương, tôi luôn giữ cho mình thói quen tiết kiệm khoảng 50% thu nhập. Thế nên, từ thời sinh viên, tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền kha khá.

Tôi nhận thấy đây là một thói quen rất tốt, khiến bản thân không bao giờ rơi vào tình trạng “nhẵn túi” và luôn cảm thấy yên tâm vì mình có một khoản dự phòng.

Số tiền còn lại, tôi thường chia ra thành 4 ví, trong đó 40% dành cho ăn uống, sinh hoạt; 20% dành cho nhu cầu cá nhân; 10% cho hiếu hỉ, biếu tặng; 30% cho các chi tiêu khác.

Khi nhận được thu nhập, tôi thường rút tiền mặt và bỏ vào trong mỗi ví như kế hoạch đã định. Khi muốn chi tiêu vào khoản nào, tôi sẽ lấy số tiền đúng như trong ví quy định và không được phép chi thêm khi ví đã hết tiền.

Nhờ sự kỷ luật ấy, tôi hiếm khi rơi vào tình trạng “vung tay quá trán” và có thể tiết kiệm được 300 triệu đồng trong 2 năm.

Tôi vừa chuyển vào TP.HCM làm việc từ đầu năm 2022. Trước đây sống cùng gia đình, tôi chưa bao giờ phải nghĩ đến chuyện đóng tiền thuê nhà, lo chi phí ăn uống. Giờ đây, đã tự lập, tôi buộc phải đặt ra cho mình những nguyên tắc chi tiêu riêng.

Tôi dự định tiền thuê nhà chỉ chiếm 20% thu nhập, tức 3,6 triệu đồng/tháng. Song, giá nhà thuê tại TP.HCM cao hơn mức kinh phí dự trù, tôi buộc phải tăng mức chi trả này lên 30%, tức 5,4 triệu đồng, nhằm có một không gian sống thoải mái.

Điều này buộc tôi phải cắt giảm lại các khoản chi tiêu khác trong tháng. Các chi phí ăn uống bên ngoài, mua thực phẩm nấu ăn, tôi giới hạn trong 4 triệu đồng. Còn lại là 3 triệu đồng cho các hoạt động vui chơi, giải trí, ma chay, hiếu hỉ.

Mỗi tháng tôi dư khoảng 5,5 triệu đồng để gửi tiết kiệm. Song, tôi phải mất khoảng nửa năm mới bắt đầu đưa bản thân mình vào guồng kỷ luật này.

Hiện tại, tôi có một khoản tiết kiệm nhỏ chỉ 80 triệu đồng nhờ sống có kế hoạch, kỷ luật chi tiêu, điều này khiến tôi yên tâm hơn đôi chút khi sống và làm việc tại TP.HCM.

Lương của tôi bị tác động khá nhiều bởi các yếu tố khách quan như mùa cao điểm, số lượng khách, tiền tips... Do đó, nếu không có kế hoạch chi tiêu, kỷ luật với bản thân, tôi dễ hụt trước thiếu sau.

Vào mùa cao điểm, thu nhập của tôi khoảng 20-25 triệu đồng, song vào mùa ít khách, thu nhập chỉ khoảng 13-15 triệu đồng.

Trong đó, tiền thuê nhà 5 triệu đồng/tháng là chi phí cố định. Mỗi tháng, tôi luôn đặt mục tiêu tiết kiệm được ít nhất 5 triệu đồng cho dù đồng lương tăng hay giảm.

Sau khi nhận lương, tôi lập tức đóng tiền nhà và gửi 5 triệu đồng vào sổ tiết kiệm. Số tiền còn lại, tôi tự cân đối cho các chi phí ăn uống, vui chơi, mua sắm của mình. Với những tháng lương cao hơn, tôi có một khoản dự trù riêng, bỏ vào ví điện tử, có thể rút bất kỳ lúc nào mà không mất lãi suất.

Đây là khoản tôi dự phòng sinh hoạt trong những tháng lương chỉ có 13 triệu đồng.

Tôi đã duy trì bền bỉ kỷ luật chi tiêu của mình trong nhiều năm, kết quả, tôi đang có hơn 220 triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm.

Tôi vừa kết hôn vào năm 2022 và có một con nhỏ được 2 tuổi. Lập gia đình sớm đòi hỏi chúng tôi phải có kế hoạch chi tiêu kỹ lưỡng nhằm đạt được những mục tiêu lớn hơn như mua nhà, mua xe, cho con gái có điều kiện sinh sống, vui chơi, học tập ở môi trường tốt.

Trung bình mỗi tháng, thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 70 triệu đồng.

Trong đó, toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh của tôi được sử dụng để lo chi phí sinh hoạt trong gia đình. 20-25 triệu đồng/tháng để chi trả toàn bộ chi phí cho gia đình nhỏ, 3 người ở TP.HCM, cũng khiến tôi đau đầu.

Chúng tôi hạn chế đi ăn ngoài, cắt giảm các chuyến du lịch xa xỉ, không mua sắm riêng, trước mắt chỉ tập trung cho gia đình.

Còn lại, vợ chồng tôi thống nhất tiền lương của chồng sẽ gửi ngân hàng để nhận lãi kép.

Chúng tôi đặt ra kế hoạch mua nhà sớm nhất có thể, nhưng cũng hạn chế việc phải vay ngân hàng quá nhiều. Việc quản lý tài chính theo kỷ luật như vậy với vợ chồng tôi còn khá mới mẻ, song chúng tôi đều tin rằng khắt khe với chính mình là cách nhanh nhất để cả hai có thể hướng đến mục tiêu chung.

Tôi tự nhận mình là người có nhiều đam mê. Tôi thích đi du lịch và sưu tập mô hình xe hơi. Để đáp ứng những sở thích có phần tốn kém của mình, tôi buộc phải có kế hoạch tiêu tiền hợp lý.

Sống cùng gia đình, tôi không bị áp lực hay có gánh nặng về sinh hoạt phí. Song, mỗi tháng tôi đều gửi mẹ 10 triệu đồng, xem đây là chi phí hỗ trợ gia đình. Dù mẹ không hề cần đến, tôi vẫn xem đây là nguyên tắc cá nhân, tự thấy mình có trách nhiệm và chủ yếu để gia đình thấy yên tâm về thu nhập, công việc của tôi.

Hiện tại, mỗi tháng tôi còn lại 30 triệu đồng. Trong đó, tôi luôn tiết kiệm 10 triệu đồng/tháng để đề phòng rủi ro. 20 triệu đồng còn lại, tôi chia vào từng ví riêng, 30% cho du lịch, 40% cho mua sắm, vui chơi cá nhân, còn lại 30% để mua mô hình.

Việc phân chia các khoản chi sau khi nhận lương giúp tôi nhanh chóng hình dung được toàn bộ kế hoạch và thời gian "đến đích" của mình. Nếu đi châu u, tôi mất khoảng 10 tháng tiết kiệm, muốn mua mô hình xịn, đắt tiền, tôi biết mình cần khoảng 3 tháng.

Mỹ Trinh - Thủy Tiên

Đồ họa: Mỷ Thi

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/cach-8-nguoi-tre-tu-tao-ra-ky-luat-chi-tieu-nghiem-ngat-post1442968.html