Cách ăn uống phòng bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam
Nhiều bằng chứng cho rằng chế độ ăn nhiều cá, thịt trắng, rau xanh và trái cây góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư gan.
Tôi đã bị viêm gan B từ hơn chục năm trước. Hiện tại, tôi đi khám thì bác sĩ thông báo “virus đang ngủ” nên tạm thời an toàn. Nhiều thông tin cho rằng người bị viêm gan rất dễ chuyển sang ung thư gan. Xin bác sĩ tư vấn giúp, tôi cần ăn uống như thế nào để phòng ung thư gan? Xin cảm ơn! Đỗ Văn Dưỡng (36 tuổi, Đông Triều, Quảng Ninh).
Bác sĩ Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện Y học Bản địa Việt Nam, tư vấn:
Ung thư gan là bệnh ung thư đứng hàng đầu ở Việt Nam. Thống kê của Globocan 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là 26.418 người mỗi năm và 25.272 ca tử vong.
Yếu tố nguy cơ gây ra căn bệnh này chính là viêm gan B, viêm gan C, uống quá nhiều rượu, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và tiếp xúc với nấm mốc Aflatoxin trong các loại ngũ cốc như ngô, gạo, lạc. Ngoài ra, người bệnh béo phì, đái tháo đường, hút thuốc lá có nguy cơ ung thư gan cao hơn người bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp không mang các yếu tố trên cũng bị bệnh này.
Ăn uống đóng góp 1/3 yếu tố gây ung thư. Chế độ ăn uống lành mạnh giảm phát triển của tế bào ung thư. Ngược lại, bạn ăn thiếu khoa học làm tăng nguy cơ tế bào ác tính sinh sôi.
Mặc dù các nghiên cứu về ăn gì phòng ung thư gan đều chưa có nhưng từ các dữ liệu nghiên cứu được công bố người ta thấy răng ăn nhiều thịt đỏ, đường có tương quan tỷ lệ thuận với sự xuất hiện của ung thư gan nguyên phát.
Thịt đỏ và ung thư gan cũng được nhiều báo cáo nêu ra. Thịt đỏ chứa một lượng lớn chất gây ung thư đã biết bao gồm sắt heme, hợp chất N-nitroso và các amin dị vòng được tạo ra khi thịt được chế biến ở nhiệt độ cao như nướng.
Thịt đỏ còn chứa một lượng lớn sắt heme khả dụng sinh học trong khi các loại oxy phản ứng đang được hình thành khi sắt trải qua quá trình khử. Ngoài ra, lượng sắt dư thừa trong chế độ ăn uống đã được chứng minh góp phần tăng nguy cơ gây ung thư gan ở một số vùng của châu Phi.
Trong khi đó, chế độ ăn giàu cá nạc, cá béo, động vật giáp xác, động vật thân mềm giảm thấp nguy cơ ung thư gan. Nghiên cứu tại Nhật Bản của Sawada và cộng sự đã tiết lộ việc tiêu thụ cá, axit béo không bão hòa ở người viêm gan virus B hoặc viêm gan virus C giảm nguy cơ tiến triển thành ung thư gan một cách đáng kể. Hiện tại, các nhà dinh dưỡng cũng khuyến cáo những người ung thư gan, viêm gan mãn tính ăn thịt trắng, cá béo tốt hơn là ăn thịt đỏ.
Ngoài lựa chọn đạm, chất béo hợp lý thì thói quen ăn uống nhiều sữa chua, sữa tách béo, ăn trứng, hạn chế bia rượu cũng giảm khả năng ung thư gan.
Tóm lại, những loại thực phẩm bạn nên ưu tiên hàng ngày là rau bina, cà rốt, bông cải xanh, bí đỏ, cải bruxen, nho, cam quýt, rau lang và củ khoai lang, dưa hấu, thịt gà ta, gà tây, cá, trứng cá, trứng gà, đậu nành, mãng cầu xiêm, hạt dẻ, rong nâu, quả bơ và uống nhiều nước.
Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác. Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan, bạn khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần. Tiêm đầy đủ vắc xin phòng viêm gan B cho các thành viên trong gia đình, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh.