Cách bảo quản bánh chưng ngày Tết không lo mốc meo
Dưới đây là những mẹo giúp bảo quản bánh chưng khi ngày Tết kéo dài mà bạn chưa kịp ăn đến.
Bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Tuy nhiên, Tết với số lượng đồ ăn nhiều sẽ khiến bánh chưng "ra rìa", mà đồ tươi để lâu rất dễ bị hỏng. Vậy cách nào để bảo quản bánh chưng tươi lâu, không bị mốc và ôi?
Thông thường, cách được nhiều người sử dụng là bánh chưng sau khi luộc xong cần vớt ra và rửa sạch bằng nước lanh cho hết nhựa, sau đó để ráo nước. Tiếp đến, xếp bánh thành nhiều lớp và dùng vật nặng đè lên trong vài giờ để nước trong bánh thoát ra. Cuối cùng, cần để bánh nơi khô thoáng, không bụi bặm, ẩm thấp thì là có thể bảo quản bánh chưng khá lâu.
Tuy nhiên, trong những ngày Tết vẫn khó tránh khỏi yếu tố thời tiết làm bánh chưng dễ bị mốc. Cách dễ dàng nhất là nếu thời tiết nóng có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại thì dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại. Như vậy sẽ giúp kéo dài thời gian bảo quản từ 10 - 15 ngày.
Nếu thời tiết lạnh nên gói bánh chưng vào giấy báo rồi để nơi khô mát, sẽ để được từ 2-3 ngày. Đặc biệt nên treo bánh chưng lên để giúp cho nhiệt độ khô thoáng hơn sẽ kéo dài thời gian lên 7-10 ngày. Khi bánh có dấu hiệu mốc vỏ ngoài nên hơ ngay lên bếp gas nóng. Lưu ý, mỗi lần lấy bánh trong tủ ra ăn cần luộc, hấp hoặc rán lại.
Ngoài ra, có thể bảo quản bánh chưng để lâu ngày bằng cách hút chân không. Các thực phẩm được ép chân không đều để được lâu dù để bên ngoài hay trong tủ lạnh, dĩ nhiên bánh chưng cũng không ngoại lệ.
Bánh sau khi hút chân không vừa hạn chế việc nhiệt độ phòng thay đổi làm chất lượng bánh thay đổi, bạn sẽ để được tối đa 7 - 10 ngày. Còn nếu cho vào tủ lạnh sẽ để được lâu hơn, khoảng 20 ngày.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bảo quản bánh chưng trong ngăn đông tủ lạnh. Nên điều chỉnh nhiệt độ dưới 3 độ C dùng trong 20 ngày trở lại.