Cách bảo quản khoai tây để giữ chất dinh dưỡng
Khi khoai tây mọc mầm, tinh bột chuyển hóa thành solanine và chaconine-alpha, là hai chất có thể gây ngộ độc cho người.
Cách bảo quản khoai tây
- Sau khi mua hoặc thu hoạch khoai, bạn hãy dành vài phút để sàng lọc khoai. Hãy loại bỏ những củ bị rách vỏ, dập hoặc có bất kỳ biểu hiện hư nào. Những củ này cần được sử dụng sớm bởi chúng sẽ nhanh hỏng hơn các củ thông thường và có thể làm hỏng các củ khoai bình thường khác.
- Nên cất khoai tây ở nơi khô, thoáng mát và tối (ví dụ dưới tầng hầm, gầm tủ bếp), tránh xa ánh sáng và độ ẩm – những điều kiện có thể khiến khoai tây mọc mầm hoặc hư thối.
- Bạn cũng cần để khoai tây thông thoáng. Nếu khoai tây bạn mua về không được đựng trong các túi lưới, bạn có thể cho vào một cái hộp có lỗ thông hơi, và nên đặt một một tờ báo giữa các lớp khoai tây. Sau đó đậy hộp bằng một tờ báo.
- Trong thời gian bảo quản, nên kiểm tra khoai tây định kỳ mỗi tuần để phát hiện các dấu hiệu hư hỏng, bởi một củ khoai hỏng có thể làm lây nhiễm sang những củ khoai tây khác, vì thế bạn cần loại bỏ nó sớm.
Các dấu hiệu của một củ khoai cần loại bỏ
- Xanh: Vỏ khoai tây dần chuyển sang màu xanh, củ khoai sẽ bị mềm và hơi héo, nguyên nhân có thể do tiếp xúc với ánh sáng. Nếu khoai chỉ có một chút xanh, hãy cắt bỏ phần xanh trước khi nấu.
- Khoai bị mọc mầm: Khi một củ khoai tây mọc mầm, các chất tinh bột trong khoai được chuyển đổi thành các loại đường, đường này sẽ biến đổi thành các alcaloit không có lợi cho cơ thể người, hay còn gọi là solanine và chaconine-alpha.
- Khoai mục nát: Thịt khoai mềm nhũn và có thể có mùi, hãy vứt bỏ ngay.