Cách bảo vệ bản thân và ngôi nhà bạn trước cơn bão
Siêu bão Noru sắp đổ bộ vào miền Trung Việt Nam. Trước bất kỳ một cơn bão nào, bạn nên chuẩn bị những gì để đảm bảo ngôi nhà của bạn và bản thân gia đình bạn được an toàn?
Trước một cơn bão, bạn nên dọn dẹp và gia cố lại nhà cửa để đảm bảo gió mạnh không thổi bay các vật dụng. Nên cắt tỉa cành cây để tránh cây đổ vào nhà, đảm bảo thoát nước tốt sau bão. Sau đây là những điều nên làm trước một cơn bão:
1. Dọn dẹp sân và ban công
Gió mạnh trong một cơn bão lũ có thể cuốn bay cả mái tôn, làm hỏng cửa sổ, mái nhà và ô tô. Vì vậy, hãy dọn dẹp mọi thứ ngăn nắp, gia cố cẩn thận. Kiểm tra bản lề cửa sổ, cửa ra vào để đảm bảo chắc chắn. Hãy để các tài sản có giá trị của mình vào nơi an toàn để không bị bão làm hư hại.
Ô tô, những vật dụng mà bạn hay để ngoài sân nên cho vào trong nhà để tránh bị gió cuốn gây va đập.
Nên mang các vật dụng như vỉ nướng, bàn ăn ngoài trời và đồ đạc trên bãi cỏ vào nhà để tránh bị gió lớn thổi tung gây nguy hiểm trong cơn bão. Các đồ trang trí, ngay cả khi được gắn chặt vào mặt ngoài tường nhà cũng có thể rung lắc trong cơn bão.
2. Làm sạch máng xối, đường ống dẫn nước mưa và cống thoát nước
Các máng xối và ống dẫn nước cần thông thoáng bởi nếu không nước mưa có thể tràn vào mái hiên và hốc mái vào nhà. Hãy dọn sạch lá rơi trên mái nhà bởi chúng có thể làm tắc ống thoát nước mưa. Hệ thống thoát nước, ống cống xung quanh nhà bạn cần được khơi thông để ngăn nước ngập làm hỏng ngôi nhà và tài sản của bạn.
Hãy nhớ đỗ xe ô tô tránh xa các khu vực trũng và thấp để tránh xe bị ngập, gây hỏng hóc nghiêm trọng.
Lúc có bão, đóng hết cửa số và cửa ra vào, buộc cửa sổ chắc chắn để cửa không bị va đập.
3. Cắt tỉa cành của những cây cối xung quanh nhà bạn, để tránh cây đổ vào nhà
Hãy liên hệ với địa phương để cây cổ thụ xung quanh nhà bạn được cắt tỉa cành, tránh cành rơi gẫy đổ gây nguy hiểm. Để xe như ô tô tránh xa cây bởi cây có thể gẫy đổ, đè bẹp xe.
4. Sửa chữa mái nhà hư hỏng trước cơn bão
Bạn nên kiểm tra mái nhà định kỳ hàng năm, đặc biệt sau thiên tai như mưa lũ, mưa đá. Nếu mái ngói bị nứt hoặc có vấn đề cần sửa chữa ngay. Đặc biệt nên dọn dẹp sạch bụi bẩn và rác tích tụ trên mái nhà bởi có thể gây tắc nghẽn, cản trở thoát nước mưa.
Thắt chặt và cố định bất kỳ tấm bạt nào trên các cửa bằng gỗ, tàu thuyền hoặc các thiết bị khác để tránh gió cuốn vào chúng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lắp cửa chớp chống bão cho ngôi nhà của bạn.
5. Không chạm vào cáp nguồn
Không có gì lạ khi tìm thấy những sợi dây cáp điện nằm la liệt trên mặt đất sau một cơn bão lớn. Nếu phát hiện, hãy báo cho công ty điện lực địa phương. Giữ khoảng cách an toàn và không chạm vào dây cáp điện bởi có thể nguy hiểm cho tính mạng của bạn.
6. Nên mua bảo hiểm hay kiểm tra lại chế độ bảo hiểm cho ngôi nhà của bạn
Bảo hiểm chống lở đất, lũ quét và thiệt hại cho ngôi nhà của bạn cũng là một điểm bạn nên xem xét nếu sống ở nơi hay xảy ra thiên tai.
7. Làm gì trong trường hợp khẩn cấp?
Để chuẩn bị đối phó bão, hãy liên hệ với người thân và các thành viên trong gia đình bạn, cũng như cơ quan đoàn thể có thể giúp đỡ bạn trong trường hợp khẩn cấp. Chẳng hạn như đường dây nóng để có thể gọi cứu hộ tại địa phương, số điện thoại tư vấn tại địa phương của bạn.
8. Trong trường hợp phải sơ tán khẩn cấp, cần chuẩn bị những gì?
Khi phải rời khỏi nhà để tránh bão, hãy mang theo hộp đựng những vật dụng khẩn cấp. Nên đựng những vật dụng thiết yếu như thuốc thiết yếu, tài liệu quan trọng (chẳng hạn như giấy tờ tùy thân,...) trong hộp đựng không thấm nước. Đồ ăn, nước uống nên mang theo đủ dùng và gọn nhẹ.
Khi có bão, thường mất điện, vì vậy bạn nên chuẩn bị sẵn đèn pin để tìm đường hay soi trong nhà, pin sạc dự phòng cho điện thoại di động để có thể liên lạc.
9. Theo dõi bản tin thời tiết
Hãy nghe đài phát thanh/truyền hình hoặc kênh liên lạc tại địa phương của bạn để nắm rõ đường đi của cơn bão, mức độ nghiêm trọng của bão. Qua đó, có thể giúp bạn biết được đường đi của lũ quét cần tránh, đường nào hiện không thể đi lại được, trung tâm sơ tán và nơi cứu hộ.