Cách biệt giàu nghèo trong đại học danh giá nhất Hàn Quốc

Ưu tiên dành cho tầng lớp con nhà giàu khu Gangnam (Seoul) trong cuộc đua vào đại học top đầu ở Hàn Quốc đang ngày một bộc lộ rõ rệt. Ngược lại, nhóm học sinh nghèo mất cơ hội.

Tờ Chosun Ilbo gọi Đại học Quốc gia Seoul (SNU) là "nơi quy tụ giới thượng lưu đô thị" khi đa số sinh viên theo học ở đây là con cái nhà khá giả, lắm tiền. Đây là đại học nằm thuộc nhóm hàng đầu ở Hàn Quốc lẫn cả ở châu Á.

Năm nay, ngôi trường này có tỷ lệ sinh viên năm nhất đến từ các trường trung học ở khu vực thủ đô Seoul và xung quanh tỉnh Gyeonggii lớn nhất trong các trường đại học, chiếm hai phần ba số tân sinh viên.

 Những đứa trẻ đến từ quận Gangnam có nhiều điều kiện để ghi danh vào các đại học top đầu ở Seoul. Ảnh: Korea Herald.

Những đứa trẻ đến từ quận Gangnam có nhiều điều kiện để ghi danh vào các đại học top đầu ở Seoul. Ảnh: Korea Herald.

Trong đó, một tỷ lệ đáng kể là những người đến từ các quận Gangnam và Seocho giàu có nổi tiếng giàu có nhất Seoul. Song song với đó, cơ hội cho sinh viên từ các vùng đất khác của đất nước vào đây lại thấp hơn các trường đại học khác.

Nhà lập pháp Seo Dong-yong của Đảng đối lập đã phân tích dữ liệu tuyển sinh từ năm 2018 cho đến năm nay và phát hiện ra rằng 10,4% trong số 3.396 sinh viên năm nhất SNU tốt nghiệp từ các trường trung học ở Gangnam và Seocho, mặc dù nhóm này chỉ chiếm 2,1% tổng số học sinh trung học phổ thông trên toàn quốc.

Ưu tiên cho các ứng viên từ tầng lớp thượng lưu ở đô thị đã bộc lộ rõ ngay từ trong quá trình tuyển sinh.

Theo quy định, mỗi trường trung học trên toàn quốc được giới thiệu 2 học sinh xuất sắc để nhập học vào SNU theo phương thức "lựa chọn cân bằng khu vực". Cách thức này sẽ đánh giá học sinh dựa trên kết quả học tập mà không cần thi tuyển sinh chính thức.

 Đại học Quốc gia Seoul là ngôi trường danh giá hàng đầu tại xứ kim chi. Ảnh: Korea Times.

Đại học Quốc gia Seoul là ngôi trường danh giá hàng đầu tại xứ kim chi. Ảnh: Korea Times.

50,7% trong số 659 sinh viên SNU được nhận thông qua chương trình năm nay cũng đến từ các trường trung học ở thủ đô Seoul, mặc dù họ chỉ chiếm 35% các trường trung học trên toàn quốc.

Nguyên nhân chính là sự chênh lệch lớn về chất lượng giáo dục công lập giữa vùng thủ đô và các tỉnh. Hầu hết số gia sư, trung tâm ôn thi hàng đầu chuẩn bị cho học sinh nhập học vào các trường đại học top đầu cũng ở Seoul.

"Các bậc cha mẹ có thu nhập cao hầu hết gửi con đến các trường cấp 3 ở Gangnam - nơi có các lò luyện thi tư nhân chuyên nhận nhiệm vụ giúp con cái nhà giàu đỗ những trường danh giá nhất", chuyên gia Lee Man-ki của Viện Phát triển Giáo dục Uway cho biết.

Nhưng Đại học Quốc gia Seoul cũng có ít cơ hội mở cửa cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hơn các trường đại học khác.

 Những học sinh giỏi đến từ khu vực nông thôn, hoàn cảnh không khá giả có ít cơ hội theo học ở SNU hơn. Ảnh: Reuters.

Những học sinh giỏi đến từ khu vực nông thôn, hoàn cảnh không khá giả có ít cơ hội theo học ở SNU hơn. Ảnh: Reuters.

Khoảng 5% số sinh viên, tương đương 176 người nhập học theo theo chương trình tuyển sinh đặc biệt dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 19,6% ở các trường đại học công lập khác.

Đại diện SNU tuyên bố xu hướng này là do các trường đại học công lập bên ngoài Seoul có nhiều học sinh trung học địa phương hơn để lựa chọn.

Nhưng theo Học viện Jongro, một cơ sở giáo dục tư nhân ở Seoul, tỷ lệ này ở SNU cũng thấp hơn các trường đại học hàng đầu khác ở Seoul, chẳng hạn như Đại học Hàn Quốc (10%) và Đại học Yonsei (8,4%).

Kể từ năm học sau, Bộ Giáo dục Hàn Quốc sẽ yêu cầu tất cả cơ sở đại học phải có tỷ lệ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chiếm hơn 10% tổng số sinh viên nhập học.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-biet-giau-ngheo-trong-dai-hoc-danh-gia-nhat-han-quoc-post1367956.html