Cách chọn cán bộ ở lại của Thanh Hóa mỗi khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính
Tỉnh Thanh Hóa từng đưa ra các chủ trương khác nhau về công tác cán bộ với kinh nghiệm chọn cán bộ ở lại phải khách quan và dân chủ; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cán bộ có bằng cấp và cán bộ hoạt động từ thực tiễn.
Thanh Hóa là một trong số rất ít địa phương được giữ nguyên trạng qua nhiều lần sáp nhập, chia tách. Trong cuộc cách mạng sắp xếp đơn vị hành chính lần này, đây là một trong 11 tỉnh, thành không thuộc diện đề xuất sáp nhập.
Tuy vậy, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương điển hình trong việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thời gian qua với nhiều kinh nghiệm trong sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau mỗi đợt sáp nhập.
Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa bằng cấp và thực tiễn công việc
Nhìn lại lịch sử từ những năm 1960, tình hình biên chế của các cơ quan từ tỉnh xuống huyện của Thanh Hóa tăng lên rất nhanh, đến cuối năm 1969 tăng hơn 220%.
Trước thực trạng trên, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 225 ngày 25/11/1969 của Hội đồng Chính phủ, ngày 8/4/1970, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Thông tri hướng dẫn thực hiện tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế nâng cao hiệu quả công tác đối với cán bộ.
Thời điểm này, Thanh Hóa đã đưa ra một số định hướng trong việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Cụ thể, những người trình độ chuyên môn nghiên cứu hạn chế, khả năng nghiệp vụ yếu, không đáp ứng với nhiệm vụ và yêu cầu công tác ở cơ quan nhưng lại làm trực tiếp sản xuất tốt thì có thể chuyển sang sản xuất.

Lễ công bố Nghị định của Thủ tướng thành lập TP Thanh Hóa và kỷ niệm 190 năm đô thị tỉnh lỵ năm 1994. Ảnh tư liệu: UBND thành phố Thanh Hóa
Cán bộ, công nhân khoa học kỹ thuật sử dụng trái ngành, trái nghề thì trả lại ngành nghề cũ và đưa về cơ sở sản xuất. Những cán bộ đau yếu, mất sức và đến tuổi hưu trí thì giải quyết theo đúng chế độ, chính sách đã quy định.
Hòa bình lập lại, bộ máy cồng kềnh, nhiều khâu chồng chéo, nhiều nấc trung gian, hoạt động kém hiệu lực. Do đó, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế được Tỉnh ủy Thanh Hóa đặc biệt chú trọng.
Thanh Hóa huy động mọi khả năng, mở rộng sản xuất và dịch vụ tại chỗ ở tất cả các cơ sở có điều kiện để thu hút số người dôi ra sang trực tiếp sản xuất ở từng cơ sở, từng ngành, từng huyện, thị.
Những cán bộ trẻ, khỏe, có thái độ công tác tốt nhưng chưa qua đào tạo thì bố trí cho đào tạo theo ngành nghề cần thiết. Nếu chưa có điều kiện tổ chức sản xuất hoặc chưa đi đào tạo thì những cán bộ đã đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu là sắp xếp cho nghỉ; những cán bộ còn thiếu một vài năm về tuổi đời hoặc thời gian công tác có thể cho nghỉ sớm.
Còn lại những người khác cho đi liên hệ công tác hoặc về lao động với gia đình và được hưởng nguyên mọi chế độ như còn công tác trong thời gian 6 tháng. Sau đó, nếu cán bộ ổn định cuộc sống và tự nguyện ở lại thì làm thủ tục cho về gia đình. Nếu đơn vị tổ chức được sản xuất thì ưu tiên gọi họ trở lại sản xuất, công tác…
Đến ngày 16/4/1992, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Nghị quyết “về việc tổ chức lại bộ máy và tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp”.
Về tổ chức bộ máy, từng cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể tỉnh và huyện, thị phải căn cứ vào quy định, hướng dẫn của cấp trên để xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đầy đủ thuộc lĩnh vực, địa bàn được phân công.
Về biên chế, phải từ chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức bộ máy để xác định chức danh, tiêu chuẩn viên chức và số lượng biên chế. Từ yêu cầu của công việc, chọn người, đảm bảo phương châm đúng việc, đúng người.
Việc lựa chọn cán bộ ở lại trong hệ thống bộ máy Đảng, Nhà nước, các ngành đoàn thể phải khách quan và dân chủ. Đồng thời, phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cán bộ có bằng cấp và cán bộ hoạt động từ thực tiễn, năng lực đảm nhận công việc, đảm bảo bộ máy sau khi sắp xếp lại hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Đối với số cán bộ không xếp trong dây chuyền hoạt động mới thì những cán bộ (kể cả chủ chốt) và nhân viên đã đủ năm công tác được nghỉ chế độ hưu trí không cần qua giám định y khoa.
Những cán bộ, nhân viên đủ tuổi đời nhưng năm công tác còn thiếu từ 1-3 năm thì có thể cho nghỉ một thời gian hợp lý để chuẩn bị nghỉ chế độ. Những trường hợp khác thì khuyến khích cho nghỉ chế độ một lần, cho đi học để đào tạo hoặc bố trí tham gia vào các tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nơi có điều kiện…
Giải quyết có tình có lý, đảm bảo tính nhân văn trong công tác cán bộ
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Thanh Hóa, với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và 2023-2025 vừa qua, Thanh Hóa đã thực hiện sắp xếp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, sắp xếp 166 xã, phường, thị trấn thành 78 xã, phường, thị trấn.
Qua đó, đã giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện từ 27 xuống còn 26; giảm 88 đơn vị hành chính cấp xã, từ 635 đơn vị xuống còn 547 đơn vị.

Sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, trụ sở làm việc đặt tại UBND TP Thanh Hóa. Ảnh: Cổng thông tin TP Thanh Hóa
Đồng thời, giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã tập trung chỉ đạo sáp nhập 3.172 thôn, tổ dân phố thành 1.552 thôn, tổ dân phố (giảm 1.620 đơn vị).
Để đạt được những kết quả trên, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biêt, Thanh Hóa thực hiện đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, gắn sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, quá trình sắp xếp phải đồng thời giải quyết chế độ chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, vừa có tình vừa có lý, đảm bảo tính nhân văn trong công tác cán bộ.

Thanh Hóa đang từng ngày đổi mới. Ảnh: Lê Dương
Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho rằng, câu chuyện khó nhất trong sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là giải quyết cán bộ dôi dư. Để thực hiện được việc này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các quy định, chỉ đạo tạm dừng việc bầu các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Tỉnh Thanh Hóa đã đề ra các nguyên tắc về đặt tên của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp phải phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, định hướng phát triển, trên cơ sở thống nhất của nhân dân. Đặc biệt, không được trùng với tên của các đơn vị hành chính khác. Vị trí đặt công sở cũng được tính toán rất kỹ lưỡng, phải ở trung tâm, giao thông kết nối thuận lợi để tạo điều kiện cho nhân dân trong giao dịch hành chính, quản lý của chính quyền địa phương, đáp ứng được công năng sử dụng.
Tỉnh tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức tại các đơn vị thực hiện sắp xếp, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án bố trí sắp xếp cán bộ, công chức; không bố trí các trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn.
Ngoài ra, tỉnh còn thuyết phục, vận động nghỉ hưu trước tuổi, quy định cụ thể phương án, giải pháp, lộ trình kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; bố trí cán bộ, công chức...
Trong đó, tỉnh khuyến khích bầu công chức đảm nhận chức danh cán bộ ở những nơi mới thành lập, bố trí công chức kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách.
“Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nêu trên, đến nay tỉnh đã cơ bản bố trí số công chức dôi dư do sắp xếp giai đoạn 2019-2021. Đối với số cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên và các quy định của trung ương để giải quyết số dôi dư theo lộ trình đã đề ra”, vị lãnh đạo Sở Nội vụ cho hay.