Cách chọn và cắm cành đào huyền nở đẹp đúng mùng 1 Tết của 8X đất mỏ

Mất nhiều công sức mua được cành đào huyền ưng ý, nhưng bạn vẫn loay hoay không biết cách cắm sao cho đẹp, giữ cân bằng được cành hoa và làm thế nào để hoa đào bung nở đúng mùng 1 Tết, hãy tham khảo bí quyết sau nhé.

Khách tới chơi nhà chị Vũ Thị Thanh Nhài (SN 1980, Quảng Ninh) như lạc vào thế giới của hoa và gốm. Những cành hoa đào chị cắm luôn sinh động và bung nở rực rỡ.

"Không có điều gì tuyệt vời hơn là được sở hữu một cành đào hoa nở rộ vào những ngày đầu tiên của năm mới", chị Nhài chia sẻ.

Với tình yêu hoa lá và kinh nghiệm cắm hoa nhiều năm, những cành đào đỏ thắm hay phớt hồng trong nhà chị Nhài đều nở căng cánh, "thả dáng" thướt tha. 8X đất mỏ không ngần ngại chia sẻ "tất tần tật" kinh nghiệm cắm và chơi hoa đào với VietNamNet. Mời độc giả tham khảo cách chọn, cắm và chăm sóc để hoa đào nở rộ đúng dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Với 2 cành đào huyền mini, chị Nhài cắm vào cùng 1 bình tạo dáng bay bổng

Với 2 cành đào huyền mini, chị Nhài cắm vào cùng 1 bình tạo dáng bay bổng

Cách chọn cành đào

Tùy theo vị trí và không gian đặt bình hoa mà bạn có thể chọn cành đào theo hình dáng phù hợp. Điều quan trọng là chọn được cành đào có cành nhánh phân bố đều, tươi, khỏe và nhiều hoa. Một cành đào có nhiều cành dăm (nhánh nhỏ của cành đào) thẳng, nụ mập mạp trải đều từ đầu tới cuối cành sẽ hứa hẹn có nhiều hoa đẹp.

Chị Nhài cho biết, 3 năm trở lại đây, chị đều trưng đào huyền dịp Tết. "Đào huyền được yêu thích bởi không chỉ dáng lượn mềm mại mà còn phù hợp với nhiều không gian cắm, kể cả nhà có không gian nhỏ. Chọn đào là khâu quan trọng nhất, cho dù mua trực tiếp hay online đều phải chọn được 1 cành đào tươi, thân khỏe chắc, chồi nụ nhiều và mập mạp", chị nói.

Chị Nhài bên cành đào phai dáng huyền bung nở rực rỡ tết Nguyên đán 2023

Chị Nhài bên cành đào phai dáng huyền bung nở rực rỡ tết Nguyên đán 2023

Cách dưỡng để hoa đào nở đẹp đúng mùng 1 Tết

Theo chị Nhài, khi mới mang đào về nhà, giữ nguyên dây buộc cành đào, dùng vòi nước xịt ẩm toàn bộ cành khoảng 5-10 phút cho cành hoa sạch bụi bẩn và hồi sức sau thời gian vận chuyển từ vườn về nhà.

Chị Nhài cũng không đốt gốc đào mà dùng cưa nhỏ cưa bớt đoạn gốc bẩn phía dưới. Tiếp đến, chị dùng dao sắc gọt khoanh vỏ cách gốc khoảng 10cm. Với những cành đào huyền, đào mini thì dùng dao chẻ gốc làm 2-3 phần. "Làm như vậy để cành đào hút được nhiều nước, nuôi dưỡng hoa nở", chị nói.

Cưa phẳng mặt gốc cũng giúp cố định cành đào dễ hơn

Cưa phẳng mặt gốc cũng giúp cố định cành đào dễ hơn

Cành đào mini khi mua về cắt chéo gốc, chẻ đôi gốc lên tầm 5-10cm

Cành đào mini khi mua về cắt chéo gốc, chẻ đôi gốc lên tầm 5-10cm

Rửa sạch bình cắm cành đào và dùng nước sạch có pha gói dưỡng để cắm hoa. Nếu thời tiết lạnh, nụ hoa vẫn nhỏ, bạn có thể phun sương tạo ẩm cho cành hoa mỗi ngày từ 1-2 lần, thêm nước ấm 40 độ vào bình cắm, treo đèn trang trí có tỏa nhiệt sẽ giúp đào nhanh nở.

Nếu đào có dấu hiệu nở sớm hơn so với dự định, thêm nước đá lạnh vào bình cắm hoa. Để bình cắm đào ở nơi khuất gió tránh hoa rụng cánh nhanh.

Nếu cành đào có dấu hiệu bị héo, bông hoa nở không căng cánh, bạn hãy "cấp cứu" theo cách sau nhé. Trước hết, đổ bỏ và rửa sạch bình cắm đào, thay nước mới - nếu có nước mưa hoặc nước ion kiềm là tốt nhất. Tiếp đến, mang cành đào ra rửa sạch gốc, cưa bỏ 1 đoạn gốc khoảng 10-15cm rồi cắm lại. Sau 1 ngày mà không thấy cành đào hồi sức tươi trở lại, tốt nhất bạn nên tìm cành hoa thay thế trước khi sang năm mới.

Mẹo cắm cành đào dáng huyền thả dáng đẹp mà không sợ đổ bình

Những cành đào huyền kích thước lớn thường khó giữ thẳng trong miệng bình khi cắm. Theo chị Nhài, cũng cần có một số mẹo nhỏ khi cắm cành đào huyền.

Một chiếc chuông gốm miệng nhỏ sẽ phù hợp với cành đào dáng huyền, giúp định vị gốc đào chắc chắn hơn. Màu sắc thường là nâu mộc hay phù hợp với không gian nội thất nơi chưng đào. Kích thước nên chọn loại bình có tỷ lệ cân đối với cành đào.

"Muốn cành đào đứng chắc chắn mà không cần chằng dây ở gốc bạn nên chọn chiếc chuông nặng, miệng nhỏ đổ thật đầy nước, thả cành đào vào là xong. Để an tâm mình vẫn buộc cố định phía đầu cành đào bằng 1 sợi dây thừng hoặc dây thép nhỏ. Nếu bình có miệng rộng có thể chèn thêm viên gạch xuống đáy, hoặc có thể dùng sỏi trắng để cố định cành hoa. Không nên dùng cát cắm đào vì cát bít mạch hút nước, cành hoa sẽ nhanh héo", chị Nhài chia sẻ.

Với những chiếc chum gốm lam nhẹ chị Nhài tận dụng phần gờ ở cổ bình để buộc dây thép cố định bình mà không làm lộ dây.

Khi thay nước các chum hoa to, 8X Quảng Ninh sử dụng dây dẫn hút nước từ bình ra chiếc xô để thấp hơn bên dưới. Sau đó chị lại đổ nước sạch và pha gói dưỡng vào bình cắm hoa cho đào thêm dinh dưỡng, bông hoa sẽ tươi thắm và nở căng cánh.

Ảnh: NVCC

Lam Giang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cach-chon-va-cam-canh-dao-huyen-no-dep-dung-mung-1-tet-giap-thin-2246431.html