Cách chức 11 người đứng đầu và cấp phó do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

38 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong số này có 14 người bị khiển trách, 13 người bị cảnh cáo, 11 người bị cách chức.

Chính phủ vừa có báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ vừa ký Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đáng chú ý, trong kỳ báo cáo, có 11 người đứng đầu và cấp phó bị cách chức do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ vừa ký Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đáng chú ý, trong kỳ báo cáo, có 11 người đứng đầu và cấp phó bị cách chức do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Ảnh: PHẠM THẮNG

38 người đứng đầu, cấp phó bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Theo đó, Chính phủ đánh giá năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; được dư luận và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Một trong những kết quả nổi bật là việc kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ, lãnh đạo quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý, phụ trách, vi phạm trách nhiệm nêu gương và những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm.

Báo cáo cho thấy năm 2024, có 38 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong số này, có 14 người bị khiển trách, 13 người bị cảnh cáo, 11 người bị cách chức.

Các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan cũng kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

Chính phủ cũng cho hay trong kỳ báo, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành gần 15.950 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Qua đó, phát hiện 373 vụ việc và 692 người vi phạm; đã xử lý hành chính 218 người; chuyển xử lý hình sự 3 người; kiến nghị thu hồi hơn 292 tỉ đồng, thu hồi được 30,6 tỉ đồng.

Cũng trong kỳ báo cáo, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chuyển đổi vị trí công tác với 89.650 công chức, viên chức (đạt 96,16%).

“Việc chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị”- Chính phủ thông tin.

53 lượt cán bộ, chiến sỹ Công an không nhận hối lộ với số tiền trên 58 triệu đồng

Cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng.

Cụ thể, đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại gần 86.420 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 1.087 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2024 có 1 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị với số tiền 3,6 triệu đồng. Trong lực lượng Công an Nhân dân đã có 53 lượt cán bộ, chiến sỹ Công an không nhận hối lộ với số tiền trên 58 triệu đồng.

Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, đã có trên 31.670 người kê khai lần đầu; gần 470.400 người đã kê khai tài sản thu nhập hàng năm; gần 43.800 người đã kê khai tài sản thu nhập bổ sung; trên 94.500 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ và trên 592.350 người đã được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có thẩm quyền đã triển khai xác minh tài sản thu nhập năm 2023 với trên 16.350 người. Kết quả, có 8.884 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm nộp bản kê khai so với quy định....

Đặc biệt, qua xác minh đã kết luận 19 người không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập. Hình thức kỷ luật được áp dụng với những người này là xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức...

Xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ nhận định một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện.

Cụ thể, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc.

Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.

Trong khi đó, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa thực chất.

Thời gian tới, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu. Cùng với đó, Chính phủ sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Chính phủ cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Đồng thời, cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cach-chuc-11-nguoi-dung-dau-va-cap-pho-do-thieu-trach-nhiem-de-xay-ra-tham-nhung-post808459.html