Cách dạy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

Khi các con rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, hoặc tự kỷ bị hạn chế về ngôn ngữ, nhiều phụ huynh rất lo lắng. Th.S Tráng Thị Thúy - chuyên gia với hơn 10 năm kinh nghiệm trị liệu ngôn ngữ, phụ trách ngành Quản lý Văn hóa Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh.

Thưa chị, chị có thể chia sẻ các biện pháp can thiệp với những trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, trẻ tự kỷ với khả năng ngôn ngữ kém?

Th.S Tráng Thị Thúy. Ảnh: NVCC

Th.S Tráng Thị Thúy. Ảnh: NVCC

Th.S Tráng Thị Thúy: Có thể nói xã hội ngày càng phát triển thì các vấn đề đối với trẻ em cũng có chiều hướng gia tăng. Đối với trẻ em rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng hay tự kỷ thì phải có những phương pháp đặc biệt giúp trẻ có thể hòa đồng và tự tin với xã hội sớm nhất, chính cha mẹ là cầu nối giúp con trong vấn đề này. Khi đến một độ tuổi nhất định, các bậc phụ huynh thấy con em mình không nói được hoặc nói mà người khác không hiểu thì nên cho con đến các chuyên khoa để thăm khám. Khi biết con mình ở trường hợp nào rồi thì có thể sử dụng các biện pháp sau để giúp con phát triển ngôn ngữ một cách tốt nhất.

Thứ nhất: Ba mẹ đọc sách, truyện phù hợp với lứa tuổi tương tác hàng ngày với con, điều này giúp con phát triển vốn từ và tư duy về ngôn ngữ.

Thứ hai: Hạn chế tối đa các thiết bị điện tử và cho con ra ngoài được tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa và mọi người nhiều hơn.

Thứ ba: Cho con luyện tập các bài cơ bản về khẩu hình như đọc to các nguyên âm A, O, U, I. Luyện tập lưỡi bằng cách đưa lưỡi dài nhất có thể sau đó đưa sang trái, đưa sang phải cong lên đầu lưỡi chạm chân răng cửa trong rồi bật xuống đọc chữ “lô”. Bài tập này cần sự kiên trì đều đặn và đúng sẽ giúp con rất nhiều trong quá trình phát âm sau này.

Thứ tư: Phụ huynh cho con luyện tập luyện hơi bằng cách thổi bóng bay, thổi nến, thổi giấy. Với bài tập này các bậc phụ huynh có thể chơi trò chơi cùng con, làm thế nào để con có thể lấy được hơi dài nhất có thể lặp đi lặp lại nhiều lần để con có được cột hơi khỏe và dày.

Thứ 5: Ba mẹ cho con đến gặp các chuyên gia để có phương pháp dạy con chuẩn giúp con có cơ hội sớm tự tin hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.

Với những trẻ rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng và trẻ tự kỷ ngôn ngữ kém, việc can thiệp có khó khăn gì, thưa chị?

Th.S Tráng Thị Thúy: Với kinh nghiệm gần 10 năm dạy trẻ hoàn thiện khả năng nói tôi thấy rằng, can thiệp với những trẻ rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng và trẻ tự kỷ ngôn ngữ kém gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tiên là khả năng tập trung của các con khó hơn. Điều này đòi hỏi người dạy ngoài chuyên môn sâu thì trong quá trình dạy phải đưa ra các phương pháp vừa học vừa chơi giúp cho trẻ học mà như chơi.

Tiếp đến, do khả năng tiếp thu và xử lý thông tin của các con chậm hơn, vì thế, các giáo viên can thiệp cần có sự kiên trì, bền bỉ. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng cần bền bỉ cùng với con, cùng với thầy, cô. Bởi phần lớn thời gian của con là ở cùng gia đình nên phụ huynh cùng đồng hành, cùng kiên trì với các phương pháp của giáo viên sẽ thấy các bé nhanh tiến bộ hơn.

Cảm xúc của các con không ổn định cũng là khó khăn của quá trình can thiệp. Chỉ một sơ xuất nhỏ có thể các con không hợp tác nên trong quá trình dạy, cá nhân tôi phải rất chú ý và đưa ra các tình huống và phương pháp phù hợp với từng bạn để đem lại hiệu quả cao nhất.

Khó khăn nữa trong quá trình dạy là cũng có những phụ huynh ít sát sao đồng hành cùng cô trong quá trình trị liệu cho con, điều này làm giảm đi sự tiến bộ của con.

Các lớp học online hướng dẫn phụ huynh về phương pháp can thiệp cho trẻ chậm nói, rối loạn ngôn ngữ do cô Thúy giảng dạy. Ảnh: NVCC

Các lớp học online hướng dẫn phụ huynh về phương pháp can thiệp cho trẻ chậm nói, rối loạn ngôn ngữ do cô Thúy giảng dạy. Ảnh: NVCC

Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh có con rối loạn ngôn ngữ, tự kỷ thường có tâm lý lo lắng và băn khoăn về các biện pháp can thiệp, xin chị cho lời khuyên về vấn đề này?

Th.S Tráng Thị Thúy: Theo tôi, trước tiên các bậc phụ huynh phải tìm hiểu kỹ về tình trạng của con bằng cách cho con đi khám chuyên khoa. Sau đó, phụ huynh tìm hiểu tham gia vào các hội thảo các lớp học, sách chuyên môn để trang bị kiến thức cho mình; Tham gia vào các hội nhóm để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như được hỗ trợ tinh thần. Sự kiên trì nỗ lực, yêu thương vô bờ bến với con là nguồn năng lượng tuyệt vời giúp con cảm thấy an toàn và tự tin hơn. Đặc biệt, phụ huynh phải tin tưởng tuyệt đối vào sự thay đổi, cố gắng của con; đồng hành với các chuyên gia để có những phương pháp đặc thù riêng có đối với con em mình.

Với kinh nghiệm gần 10 năm trong lĩnh vực trị liệu ngôn ngữ và 5 năm trong lĩnh vực đào tạo, tôi đã đào tạo cho nhiều bậc phụ huynh để họ có khả năng tự dạy được cho con mình. Với tôi, đây là một công việc nhân văn, bởi cha mẹ là người có thời gian bên con, đồng hành và chia sẻ với con nhiều nhất. Nếu cha mẹ có phương pháp đúng thì chắc chắn con sẽ tiến bộ và tự tin hòa nhập với cộng đồng rất nhanh.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Hà An (thực hiện)

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/cach-day-tre-cham-phat-trien-ngon-ngu-d4896.html