Cách để 'tách' con khỏi điện thoại, tivi và quay lại nhịp học tập sau hè

Năm học mới sắp bắt đầu cũng là lúc phụ huynh đang tìm cách giúp con rời xa điện thoại, tivi và các game online để trở lại nhịp học tập sau nghỉ hè.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: NVCC.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thời điểm này đang là thời gian chuyển tiếp của trẻ từ hè để chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024. Nhiều trường đã tập trung học sinh trở lại để rèn nền nếp cho các em.

Tuy nhiên, vẫn có một số em còn tình trạng "nghiện" các thiết bị điện tử, game nên cần phải có các giải pháp để đưa các em trở lại nếp học hành như trước khi nghỉ hè.

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh, việc này đòi hỏi về sự nỗ lực của chính các bậc phụ huynh học sinh.

Một số trường học tại Hà Nội đã tập trung học sinh để rèn nền nếp trước khi khai giảng năm học mới 2023-2024.

Về giải pháp, đầu tiên đó là cha mẹ cần trao đổi với con về những hệ quả của việc "nghiện" game.

Đó là mất cân bằng cuộc sống từ thế giới ảo; suy giảm kỹ năng sống; tăng nguy cơ các bệnh về mắt, cột sống; béo phì; tổn thương sức khỏe tâm thần; bị thao túng bắt nạt trong game; nguy cơ bạo lực, trộm cắp để thỏa mãn việc chơi game, trao đổi đồ trong game.

Thứ hai, bố mẹ nên thiết lập những khoảng thời gian phù hợp để con tiếp cận internet trong sự giám sát của người lớn. Cha mẹ thống nhất về khoảng thời gian con có thể chơi game như một phần thưởng sau khi con đã làm xong các nhiệm vụ học tập và việc nhà.

Đồng thời, bố mẹ cần tiến hành cài đặt một ứng dụng quản lý thời gian chung trên thiết bị của con để quản lý thời gian các em được sử dụng internet không quá dài.

Thứ ba, phụ huynh cần lên kế hoạch lôi kéo trẻ tham gia các hoạt động thực tế để con có cơ hội tương tác và rèn kỹ năng sống. Hãy bắt đầu bằng những hoạt động mà trẻ đã từng ưa thích và những môn năng khiếu mà con giỏi.

"Khi trẻ cảm thấy mình chinh phục được các mục tiêu trong hoạt động thực tế, các em sẽ tự tin hơn và được bạn bè chú ý hơn. Đó sẽ là lực hút vô hình nhưng rất quan trọng để kéo các em ra khỏi tầm ảnh hưởng tiêu cực của game online" - PGS.TS Trần Thành Nam nêu rõ.

Cô Đào Thị Luyến - giáo viên Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội).

Cô Đào Thị Luyến - giáo viên Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội).

Cô Đào Thị Luyến - giáo viên Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, để cải thiện tình trạng này thì chính các bậc phụ huynh phải là những người gương mẫu trước. Bố mẹ bớt thời gian sử dụng điện thoại hay chơi game lại để quan tâm, chăm sóc con nhiều hơn.

Bố mẹ hãy cùng con lập kế hoạch và định hướng để con tự nêu lên những việc con cần làm trong ngày. Từ đó có biện pháp theo dõi, động viên, khen thưởng kịp thời. Nếu có thể cho con có thời gian giải trí nhưng phải rõ giới hạn.

"Bên cạnh đó, phụ huynh nên dành thời gian nói chuyện cùng con, học cùng con, đọc sách cùng con, lôi kéo con vào các hoạt động chung của gia đình như cùng dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, trồng cây hay chơi thể thao... để tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình", cô Luyến chia sẻ thêm.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cach-de-tach-con-khoi-dien-thoai-tivi-va-quay-lai-nhip-hoc-tap-sau-he-post651438.html