Cách đối phó mã độc và tội phạm mạng khi dùng smartphone

Hiện các loại mã độc muôn hình vạn trạng tập trung nhắm vào smartphone vì lá chắn phòng thủ yếu ớt từ thiết bị lẫn tư duy người dùng.

Giống như một chiếc máy tính để bàn (desktop) hay máy tính xách tay (laptop) nơi người dùng lưu trữ nhiều thông tin cá nhân hay kinh doanh quan trọng như email công việc, tài khoản ngân hàng, các giao dịch tài chính khác, smartphone đem lại nhiều tiện ích cho người dùng, và cũng có thể biến họ trở thành nạn nhân của tội phạm mạng, mất tiền và thông tin quan trọng nếu không biết đến các mối nguy hại.

Phần lớn người dùng chưa có tư duy bảo vệ chiếc smartphone của mình như laptop hay desktop trước mã độc do tội phạm mạng "nhúng tay" vào.

Thông thường, các loại mã độc chạy quảng cáo ngầm vào các ứng dụng đa chức năng miễn phí nên đa số người dùng không biết đâu là quảng cáo đâu mà mã độc ăn cắp thông tin.

Cuối tháng 10 vừa qua, một sinh viên tại Hà Nội vừa bị các chuyên gia bảo mật phát hiện cài đặt adware vào 42 ứng dụng đưa lên Google Play với số lượng tải về hơn 8 triệu.

Ngoài ra, các mã độc còn ở dạng tin nhắn SMS nhấn vào các liên kết rút gọn (link) dẫn đến các website giả mạo, cài đặt các ứng dụng có chứa mã độc.

Theo đó, kẻ gian có thể nghe lén, ghi âm cuộc gọi hoặc theo dõi các thao tác trên smartphone rồi gửi thông tin nhằm mục đích xấu, giả mạo, đánh cắp mã OTP (mật khẩu thứ hai).

Trường hợp bất khả kháng khác là bị kẻ gian đánh cắp điện thoại, dữ liệu cá nhân quan trọng hoặc hình ảnh nhạy cảm.

Đại đa số nạn nhân không biết cách xử trí, hoặc chủ quan trông mong vào mật khẩu khóa màn hình.

Nếu bạn đã có tinh thần cảnh giác cao trước những thông tin nghi ngờ là bẩn trên máy tính, hãy thực hiện điều đó với chính điện thoại của bạn. Trò chơi, ứng dụng, phần mềm Android phần lớn là miễn phí, nhưng ẩn chứa sau đó chưa chắc là một phần mềm an toàn.

Người dùng nên tỉnh táo khi lựa chọn những ứng dụng tải về. Hiện nay, việc trà trộn ứng dụng bẩn vào ứng dụng sạch rất dễ thực hiện.

Hacker chỉ cần tải chúng lên Google Play, đợi chờ "con mồi", và ngồi thừa hưởng thành quả bằng cách lợi dụng người khác.

Nếu bạn không thấy biểu tượng màu xanh bên cạnh tên của nhà phát triển, đừng dại dột mà tải nó về máy nếu như không muốn mình trở thành nạn nhân.

Việc tháo bỏ ứng dụng bẩn không giúp bạn thoát khỏi hoàn toàn tầm kiểm soát của tin tặc. Thay vì làm những việc đốt thời gian, bạn nên kiểm tra tài khoản, hóa đơn tài chính của mình thường xuyên. Việc nhận những thanh toán với hàng dài những con số 0 cho những việc mình không biết chưa bao giờ là điều dễ dàng chấp nhận.

Thẳng thắn thừa nhận, không có lá chắn nào tuyệt đối hoàn hảo nhưng nếu bạn hiểu được các nguy cơ thì có thể chọn dùng công cụ bảo mật thích hợp.

Nếu điện thoại của bạn bị mất hoặc bị đánh cắp, các tính năng chống trộm có thể được vận hành từ xa qua tài khoản đăng ký, vì vậy bạn có thể kích hoạt âm thanh báo động trên điện thoại của mình, chụp hình ảnh của người hiện đang sử dụng thiết bị của bạn bằng camera trước.

Đồng thời các phần mềm bảo vệ máy còn có khả năng giúp bạn khóa điện thoại, tìm vị trí của điện thoại và thực hiện thiết lập lại toàn bộ cài đặt gốc- để giúp đảm bảo dữ liệu bí mật của bạn bị xóa khỏi thiết bị.

Minh Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cach-doi-pho-ma-doc-va-toi-pham-mang-khi-dung-smartphone-a456649.html