Cách đơn giản để có chế độ ăn lành mạnh và tiết kiệm ngân sách gia đình
Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và bổ dưỡng là điều rất cần thiết để duy trì sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh tật. Tham khảo kiến thức về dinh dưỡng để xây dựng những bữa ăn tốt cho sức khỏe mà lại tiết kiệm được ngân sách gia đình.
Nội dung
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn ành mạnh
2. Cách đơn giản để chuẩn bị bữa ăn lành mạnh và tiết kiệm
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn lành mạnh
Mỗi loại thực phẩm chúng ta ăn đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, một chế độ ăn đầy đủ chất, cân bằng, đa dạng, ưu tiên thực phẩm lành mạnh như cá, thịt nạc, trứng, sữa, rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động.
Việc đưa ra những lựa chọn lành mạnh như ưu tiên các thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, đái tháo đường và một số bệnh ung thư.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ ăn uống lành mạnh cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng thiết yếu và năng lượng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của mỗi một cá thể tùy thuộc tình trạng dinh dưỡng, sinh lý, vận động.
Thực phẩm trong chế độ ăn lành mạnh bao gồm nhiều rau xanh, quả chín, ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ, đậu đỗ; hạn chế thực phẩm chứa đường, thức ăn vặt, đồ uống có đường, thịt chế biến sẵn và muối.
2. Cách đơn giản để chuẩn bị bữa ăn lành mạnh và tiết kiệm
Ngoài việc hiểu loại thực phẩm nào lành mạnh, giàu dinh dưỡng, bạn đọc tham khảo một số cách dưới đây để đảm bảo chi tiêu hợp lý:
Lên kế hoạch cho các bữa ăn
Một trong những cách tốt nhất để giữ chi phí thấp là lên kế hoạch cho các bữa ăn gia đình. Với việc chuẩn bị bữa ăn, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền bằng cách chỉ mua những thứ cần thiết, mua số lượng lớn hơn với nhiều thực phẩm tươi ngon hơn.
Bạn cần cân nhắc xem gia đình mình ăn những bữa nào và chế biến bao nhiêu phần. Xác định lượng thực phẩm và phương pháp nấu những món ăn phù hợp trước khi đi chợ hay siêu thị mua thực phẩm.
Khi lên kế hoạch trước, bạn không chỉ cắt giảm lãng phí thực phẩm mà còn tránh mua hàng theo cảm tính. Mua số lượng lớn sẽ rẻ hơn, nhưng chỉ mua thực phẩm cần thiết có hạn sử dụng dài như: sữa, dầu ăn, gia vị…
Mua thực phẩm theo mùa
Cần lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng từ các nhóm thực phẩm chính, ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, ngũ cốc nguyên hạt, rau quả…
Hãy lập danh sách những loại nông sản yêu thích vào mùa ngon nhất và sau đó có biện pháp bảo quản khoa học. Ví dụ có thể dùng phương pháp đông lạnh những loại trái cây và rau quả tươi ngon ngay sau khi thu hoạch để kéo dài thời hạn sử dụng mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng.
Chuẩn bị đồ ăn nhẹ
Trên thực tế, ngay cả khi ăn ba bữa một ngày, nhiều người vẫn cảm thấy đói giữa các bữa ăn. Việc cần làm là nên chuẩn bị các bữa ăn nhẹ lành mạnh.
Thực tế là các món ăn vặt tốn rất nhiều tiền. Nên chuẩn bị các món ăn vặt tốt như sữa chua, trái cây sấy khô, các loại hạt… để không phải đi mua khi cần.
Tránh mua các món ăn vặt chế biến sẵn có chứa nhiều đường, muối và chất béo xấu như: các loại bánh kẹo, bim bim, kem, nước ngọt có gas, trà sữa, gà rán, thịt nướng, khoai tây chiên, xúc xích... Những món ăn vặt này vừa tốn tiền, vừa không tốt cho sức khỏe.
Tự nấu ăn
Tự nấu ăn ở nhà là cách đơn giản và hiệu quả nhất để thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tiết kiệm được rất nhiều chi phí hơn so với thường xuyên ăn ở ngoài.
Nghiên cứu cho thấy, những người lên kế hoạch cho bữa ăn và nấu ăn tại nhà có nhiều khả năng tuân thủ tốt hơn các hướng dẫn dinh dưỡng cũng như tăng cường đa dạng thực phẩm bởi vì họ chủ động lựa chọn thực phẩm lành mạnh theo tiêu chuẩn và cắt giảm những loại có hại cho sức khỏe.