Cách đơn giản phát hiện bệnh lý có thể gây vô sinh, ung thư ở bé trai

Tinh hoàn ẩn là bệnh lý bẩm sinh khá phổ biến ở bé trai, nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nguy cơ vô sinh cũng như biến chứng ung thư về sau.

Ngày 7/9, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết đã phẫu thuật nội soi điều trị cho bé trai 3 tuổi bị ẩn tinh hoàn trong ổ bụng được gia đình phát hiện.

Bệnh nhi B.Đ.V.A. (3 tuổi, trú tại Đông Hưng, Thái Bình) được mẹ vô tình phát hiện bất thường khi thấy bìu không cân đối, sờ nắn chỉ thấy con trai có một bên tinh hoàn trong khi tắm. Kết quả siêu âm kiểm tra không thấy tinh hoàn bên phải trong bìu. Bác sĩ chẩn đoán cháu A. bị tinh hoàn phải ẩn.

Ê-kíp mổ khoa Ngoại và khoa Gây mê hồi sức đã phối hợp để thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi. Các bác sĩ tiến hành giải phóng tinh hoàn phải khỏi tổ chức dây xơ ống bẹn, di động cuống mạch và ống dẫn tinh, khéo léo đưa tinh hoàn xuống bìu và cố định cho trẻ.

Sau 30 phút, tinh hoàn ẩn đã được hạ về đúng vị trí chức năng. Sau mổ, bệnh nhi tỉnh táo, sức khỏe ổn định, ăn uống được ngay và dự kiến xuất viện sau một ngày.

 Các bác sĩ phẫu thuật cho bé trai 3 tuổi. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bé trai 3 tuổi. Ảnh: BVCC.

BSCKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, cho biết tinh hoàn ẩn là tình trạng trẻ sinh một hay cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu mà nằm ở vị trí khác ngoài bìu như trong ống bẹn hoặc ổ bụng. Tình trạng này còn được gọi là dị tật tinh hoàn. Ở bé trai sơ sinh, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 2- 5%. Tỷ lệ này tăng cao khi trẻ sơ sinh bị nhẹ cân, sinh đôi, sinh non.

Bệnh lý này cần được phát hiện sớm và điều trị đúng thời điểm. Độ tuổi can thiệp điều trị thích hợp nhất là 6-18 tháng để tinh hoàn có chức năng sinh sản, tránh những biến chứng như: Teo tinh hoàn, ung thư, xoắn tinh hoàn và dẫn đến nguy cơ vô sinh, gây mặc cảm tâm lý về sau.

Theo bác sĩ Hùng, phát hiện tinh hoàn ẩn khá dễ, chủ yếu do phụ huynh không sờ thấy tinh hoàn của trẻ. Tuy nhiên, để xác định tinh hoàn đang nằm ở vị trí nào, bác sĩ cần sự hỗ trợ của trang thiết bị chẩn đoán hiện đại. Tình trạng tinh hoàn ẩn khó khăn nhất là khi tinh hoàn lạc trong ổ bụng.

"Điều quan trọng nhất ở bệnh lý này là cần phải được phát hiện sớm và phẫu thuật kịp thời để tăng khả năng sinh sản cũng như giảm các biến chứng sau này cho bé trai", bác sĩ Việt Hùng cho biết.

Các phương pháp được áp dụng điều trị bệnh lý tinh hoàn ẩn hiện nay là sử dụng thuốc nội tiết và phẫu thuật. Trong trường hợp điều trị nội khoa không tiến triển, phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn là phương pháp điều trị tối ưu nhất. Việc phối hợp với thuốc nội tiết cũng sẽ làm chậm quá trình thoái hóa, duy trì môi trường có lợi cho chức năng tinh hoàn, hỗ trợ phương pháp phẫu thuật sau này hiệu quả hơn.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo trẻ em sau sinh cần phải được thăm khám tổng thể, bao gồm cả cơ quan sinh dục. Ở trẻ nam, phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện khi nhìn thấy túi bìu không cân đối.

Trong trường hợp không thấy có đủ 2 tinh hoàn trong bìu, phụ huynh cần cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị kịp thời. Bởi để càng lâu, nguy cơ mất chức năng sinh sản, sinh dục của trẻ càng cao do nằm lạc vị trí.

Ngoài ra, các biến chứng khác có thể gặp do tinh hoàn ẩn như xoắn vặn tinh hoàn, chấn thương vỡ tinh hoàn ẩn… gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống về sau.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-don-gian-phat-hien-benh-ly-co-the-gay-vo-sinh-ung-thu-o-be-trai-post1353060.html