Cách đơn giản phòng tránh bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Trong 4 tháng qua, Phú Yên đã ghi nhận gần 600 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 2 ca tử vong. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên Biện Ngọc Tân, dịch bệnh SXH vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng tăng
SXH thường gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, song ở miền Nam và miền Trung, bệnh truyền nhiễm cấp tính này có thể xuất hiện quanh năm. Bác sĩ Biện Ngọc Tân lý giải: Dịch SXH thường bùng phát vào mùa mưa; những cơn mưa làm nước đọng lại trong các vật phế thải có ở xung quanh nhà, là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh trưởng với mật độ cao, làm lây lan bệnh SXH trong cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố khác liên quan đến sự xuất hiện của ca bệnh SXH, như thói quen tích trữ nước sinh hoạt trong các dụng cụ không có nắp đậy kín; dụng cụ chứa nước uống cho gia súc, gia cầm; các lọ hoa, bể cảnh... không được súc rửa, thay nước thường xuyên. Những nơi đó sẽ trở thành môi trường để muỗi vằn sinh trưởng, phát triển và lây truyền bệnh SXH thường xuyên, quanh năm.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên cho thấy, số ca mắc SXH có chiều hướng tăng. Tính đến tuần 17 (cuối tháng 4/2023), Phú Yên ghi nhận 593 ca mắc SXH (tăng 295 ca so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 2 ca tử vong ở phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa và xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa. Riêng trong tuần 17, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 23 ca SXH, tăng 7 ca so với tuần 16 và tăng 3 ca so với tuần 15.
Trong 4 tháng qua, Phú Yên đã ghi nhận 30 ổ dịch SXH, tăng 21 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2022. Với 9 ổ dịch, huyện Tây Hòa là địa phương có số ổ dịch cao nhất so với cùng kỳ năm 2022; sau đó là TP Tuy Hòa và TX Đông Hòa, mỗi địa phương có 8 ổ dịch.
Biện pháp phòng tránh cơ bản nhất, hiệu quả nhất
Đáng nói, trong khi các chuyên gia y tế xem SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì không ít người dân vẫn còn chủ quan, xem nhẹ. Bác sĩ Biện Ngọc Tân nhấn mạnh: “Bệnh SXH diễn tiến rất phức tạp, chuyển độ nặng đột ngột, khó lường. Cho tới nay vẫn chưa có vắc xin dự phòng bệnh SXH và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu”.
Do tính chất nguy hiểm, khó lường của SXH nên khi có triệu chứng sốt, người dân không nên tự mua thuốc uống mà hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hương, Phó trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, sốt là triệu chứng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể đó là những bệnh nhẹ như cảm, cúm, viêm họng, sốt siêu vi, nhưng cũng có thể gặp những trường hợp bệnh nặng, có biến chứng nguy hiểm, có thể tử vong như SXH, viêm màng não... “Vì vậy, khi có triệu chứng sốt, đặc biệt là trẻ em, tốt nhất là đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời”, bác sĩ Hương khuyến cáo.
Cách tốt nhất để phòng tránh SXH là luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; không treo nhiều quần áo trong nhà, nhất là quần áo sẫm màu; ngủ trong màn để tránh muỗi đốt, kể cả ban ngày. Đặc biệt, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt trong gia đình mà không có nắp đậy kín và dụng cụ chứa nước uống cho gia súc, gia cầm; các lọ hoa, bể cảnh... phải thường xuyên được cọ rửa, thay nước để loại trừ trứng muỗi bám trên thành phát triển thành bọ gậy, muỗi vằn và lây truyền bệnh SXH.
Bác sĩ Biện Ngọc Tân lưu ý: “Trong phòng chống SXH, tổng vệ sinh diệt lăng quăng/bọ gậy triệt để là biện pháp cơ bản nhất, ít tốn kém nhưng lại hiệu quả nhất trong công tác phòng chống SXH. Nhiều ổ dịch, phun hóa chất đến lần thứ năm, thứ bảy nhưng vẫn tiếp tục có ca bệnh, dịch SXH tiếp tục lan rộng”.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống SXH, theo chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên tăng cường các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức; tổ chức giám sát thực địa, làm việc với ban chỉ đạo các địa phương có nhiều ca bệnh, nhiều ổ dịch, hướng dẫn phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; cố gắng khống chế số ca mắc và đặc biệt là hạn chế tử vong do SXH.