Cách du lịch gây hại của giới siêu giàu
Thám hiểm xác tàu Titanic, thăm Trạm Vũ trụ Quốc tế, đi vòng quanh thế giới bằng máy bay riêng,... những chuyến du ngoạn đắt đỏ có thể gây hại cho môi trường hoặc dẫn đến bi kịch.
Đối với những du khách siêu giàu trên thế giới, bầu trời không phải là giới hạn. Họ có thể lặn xuống đại dương sâu thẳm khám phá xác tàu Titanic hoặc đặt chân tới “ngôi nhà” trên vũ trụ ISS, miễn là có tiền.
Tuy nhiên, những chuyến du ngoạn mạo hiểm này có thể gặp rủi ro.
Thảm kịch xảy đến với tàu ngầm Titan, khiến 5 người thiệt mạng trên đường đến tham quan xác tàu Titanic với mức giá 250.000 USD/khách, là ví dụ gần nhất.
Độc quyền, phiêu lưu và nguy hiểm là các yếu tố khiến người giàu không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của những chuyến đi này, theo Newsweek.
Kỳ nghỉ xa hoa
Các công ty du lịch quốc tế như Abercrombie & Kent (Mỹ) cung cấp những chuyến đi “có một không hai”, mang đến trải nghiệm đáng kinh ngạc như truy tìm hổ Bengal ở Ấn Độ hoặc chạm trán loài khỉ đột núi đang bị đe dọa tuyệt chủng tại vùng hoang dã Uganda.
Nhiều trong số kỳ nghỉ sang trọng này được trang bị tiện nghi tân tiến, với mức giá 4-6 con số. Khách hàng cũng có quyền sử dụng máy bay riêng.
Pamela Lasser, Giám đốc quan hệ truyền thông của Abercrombie & Kent, cho biết công ty cố gắng tạo ra những cuộc phiêu lưu ly kỳ cho nhóm khách hàng giàu có nhất. Họ thường là doanh nhân bận rộn, không có nhiều thời gian.
Lasser lấy ví dụ tour vòng quanh thế giới trong 25 ngày có giá khoảng 165.000 USD/khách, thường bán hết vé trong vòng 3 tháng. Khách hàng được chở bằng máy bay riêng, tham gia những chuyến khám phá xuyên lục địa để ngắm tận mắt nhiều loài động vật hoang dã.
Ngoài ra, các chuyến thám hiểm Nam Cực cũng rất đắt khách.
Lasser cho biết số người tìm kiếm các kỳ nghỉ mạo hiểm thông qua công ty ngày càng tăng. 2023 là năm bùng nổ nhất.
Việc nới lỏng các hạn chế đi lại do Covid-19 cũng dẫn đến sự gia tăng lượng đặt phòng tại Singita - công ty có trụ sở tại châu Phi giới thiệu du khách đến các nhà nghỉ safari và khu bảo tồn động vật hoang dã.
Lisa Carey, phát ngôn viên của Singita, cho biết các khách hàng có nhu cầu lớn về du lịch sinh thái để giải tỏa áp lực.
Giá cho địa điểm nghỉ dưỡng sang trọng tùy thuộc vào kích thước phòng và thời điểm đặt trong năm. Ví dụ, tại Singita Faru Faru Lodge, mức giá thấp nhất là 1.910 USD/người lớn/đêm trong căn hộ vào mùa thấp điểm.
Công ty này cũng thu hút khách hàng khi giúp họ đóng góp vào nhiều sáng kiến bảo tồn và chương trình trao quyền cho cộng đồng.
Mặt tối
Chủ tịch Action Aviation Hamish Harding là một trong 5 người có mặt trên tàu lặn Titan vừa gặp nạn. Trước đó, ông thực hiện nhiều chuyến đi nguy hiểm đến những nơi khắc nghiệt của thế giới.
Tháng 3/2021, Harding được trao kỷ lục Guinness thế giới khi bay vòng quanh Trái Đất nhanh nhất qua Bắc và Nam Cực trong 46 giờ 40 phút 22 giây. Ông cũng từng ghé thăm vực thẳm Challenger - điểm sâu nhất được biết đến trên Trái Đất ở 10.902 m.
Harding cho biết ông nghiện cảm giác tò mò và đặt mục tiêu “khám phá toàn bộ Trái Đất và hơn thế nữa”.
Cuộc phiêu lưu mạo hiểm được nhiều du khách giàu có tìm kiếm là leo lên đỉnh Everest, nơi có hàng trăm người thiệt mạng. Tháng 5, tạp chí Outside báo cáo vào năm 2023, tỷ lệ tử vong lên tới 2 con số với một số nhà leo núi vẫn mất tích.
Không những mạo hiểm tính mạng, các chuyến du lịch xa hoa có thể đe dọa môi trường. Theo đó, máy bay phản lực tư nhân có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu bằng cách tạo ra khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu.
Trong nhiều năm, tầng lớp giàu có nhất thế giới phải đối mặt với những lời chỉ trích vì sử dụng máy bay riêng để di chuyển. Tháng 11/2021, BBC cho biết máy bay phản lực tư nhân thường tạo ra lượng khí thải trên mỗi hành khách nhiều hơn đáng kể so với các chuyến bay thương mại.
Lorri Krebs, giáo sư địa lý và tính bền vững tại Đại học bang Salem (Mỹ), nhận định việc nới lỏng các hạn chế đi lại do Covid-19 và sức hấp dẫn của việc đăng hình ảnh lung linh trên mạng xã hội đều góp phần khiến du khách giàu có đôi khi tận dụng một số tài nguyên quý giá nhất của thế giới.
“Họ thường muốn làm những điều mà người khác không thể làm được”, bà nói thêm.
Những chuyến đi sang trọng đi kèm với chi phí cao và rất tốn kém nếu cần hoạt động giải cứu.
“Giới siêu giàu muốn nhìn thấy môi trường hoặc hệ sinh thái mong manh nhất. Họ khao khát quan sát tận mắt khỉ đột hoặc gấu bắc cực. Đó là những loài có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất”, Krebs nói.
Krebs khen ngợi khách du lịch và tổ chức có ý thức về tác động của mình đến môi trường. Thay vì đốt hàng nghìn USD đi du lịch, nhóm này đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn có lợi hoặc nền du lịch ở các nước kém phát triển.
Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/cach-du-lich-gay-hai-cua-gioi-sieu-giau-post1442799.html