Cách đưa con vào kỷ luật, từng bước giúp trẻ tuân thủ nội quy
Nội quy gia đình là các nguyên tắc mà trẻ hay thành viên khác cần tuân theo trong những tình huống khác nhau.
Việc làm này sẽ giúp trẻ có nền nếp kỷ luật, cũng như biết cách ứng xử sau này trong cuộc sống.
Việc rèn cho trẻ nếp sinh hoạt, ứng xử có quy tắc trong gia đình ở giai đoạn ấu thơ tác động rất lớn đến nhân cách của trẻ.
Biết đâu là giới hạn
Một số có thể là nguyên tắc chung liên quan đến an toàn, vệ sinh, cách cư xử. Trong khi đó, những nguyên tắc khác có thể được đặt riêng trong từng gia đình với những nhu cầu, mong muốn khác nhau.
Theo các chuyên gia, nội quy gia đình giúp tránh gây ra tình trạng hỗn loạn. Bởi, nội quy giúp trẻ hiểu rằng, gia đình là nơi tất cả các thành viên có thể chung sống hòa bình với nhau. Mọi người cần phải nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong gia đình.
Khi có nguyên tắc, nội quy nhất định thì mọi việc trong gia đình sẽ diễn ra suôn sẻ, trôi chảy hơn. Từ đó, giúp hạn chế sự nhầm lẫn hay căng thẳng.
Bên cạnh đó, khi tuân theo nguyên tắc trong nhà, trẻ cũng có xu hướng sẽ tuân theo những quy chuẩn ở ngoài xã hội. Ví dụ, cha mẹ dạy con các quy tắc, cách ứng xử trong bữa ăn thì trẻ cũng sẽ áp dụng những điều đó khi ăn ở bên ngoài. Thông qua các nguyên tắc gia đình, trẻ sẽ biết đâu là những hành vi được chấp nhận và ngược lại.
Trong trường hợp các nguyên tắc gia đình bị phá vỡ, trẻ em cần phải đối mặt với hậu quả cho việc này. Khi đó, trẻ sẽ học được rằng, các nguyên tắc nói chung là để tuân theo, bất kỳ sự phá vỡ nào cũng sẽ đem lại hậu quả. Điều quan trọng là cha mẹ cần khen thưởng trẻ vì đã tuân thủ các nguyên tắc. Điều đó sẽ giúp trẻ trở nên quan tâm hơn đến các hành vi của bản thân. Những hành vi đúng đắn đó sẽ tạo tiền đề đi theo trẻ cho đến khi trưởng thành.
Theo cô Trịnh Mai Chi - giáo viên Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nội quy gia đình là những quan điểm tích cực về cách chăm sóc và đối xử với các thành viên trong nhà. Các quy tắc có thể giúp mọi người trong gia đình hòa thuận với nhau và cuộc sống trở nên yên bình hơn.
Nội quy rõ ràng sẽ giúp trẻ nhận thức được đâu là giới hạn. Trẻ cũng sẽ biết mọi người kỳ vọng những gì ở mình. Theo nữ giáo viên này, tất cả các thành viên trong gia đình nên chung tay thiết lập nội quy. Bởi, thậm chí, trẻ em từ ba tuổi cũng có thể giúp bố mẹ đưa ra các quy tắc và giải thích vì sao gia đình cần tuân thủ điều đó.
“Khi lớn hơn, trẻ có thể tham gia nhiều hơn vào việc thiết lập nội quy và mức phạt nếu vi phạm. Trẻ được lợi rất nhiều từ việc tham gia thiết lập nội quy. Bởi, điều đó cho trẻ cơ hội chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân. Việc cho con trẻ tham gia xây dựng nội quy gia đình và mức phạt nếu vi phạm sẽ giúp con hiểu và chấp nhận chúng”, cô Mai Chi cho biết.
Để xây dựng nội quy gia đình, nữ giáo viên này gợi ý, phụ huynh và trẻ nên chọn những điều quan trọng nhất để đưa vào. Ví dụ, nguyên tắc “Không gây thương tích cho người khác” là bắt buộc đối với hầu hết các gia đình.
Ngoài ra, phụ huynh và trẻ cũng có thể phát triển các nguyên tắc về an toàn, cách cư xử, lịch sự, thói quen hằng ngày và tôn trọng lẫn nhau. Mỗi gia đình có nội quy khác nhau. Các tiêu chuẩn sẽ bị ảnh hưởng bởi niềm tin, gia cảnh, mức độ trưởng thành và nhu cầu của trẻ.
Cần sự kiên trì
Chị Nguyễn Thị Thu - tốt nghiệp tiến sĩ tại Trường Đại học Tsukuba (Nhật Bản), đồng sáng lập và kiêm Giám đốc Đào tạo của hệ thống Trường Mầm non Tsubaki, tác giả cuốn sách “Kỷ luật mềm của trái tim”, chia sẻ: “Việc rèn cho con nếp sinh hoạt có quy tắc, ứng xử có quy tắc trong gia đình ở giai đoạn ấu thơ vô cùng quan trọng. Điều đó cũng tác động rất lớn đến nhân cách trẻ. Bởi, trẻ sống có quy tắc sẽ hiểu chuyện, sở hữu khả năng kiềm chế cảm xúc tốt hơn”.
Theo chuyên gia này, phương pháp tuyệt vời, hiệu quả nhất là “bố mẹ tự tu thân và làm gương cho con”. Đặc biệt, việc rèn cho trẻ nếp sinh hoạt cũng như ứng xử có quy tắc trong gia đình ở giai đoạn ấu thơ vô cùng quan trọng.
Chị Thu cho rằng, khi xây dựng các quy tắc gia đình, phụ huynh không cần chia nguyên tắc theo độ tuổi. Bởi, mỗi đứa trẻ có cách thích nghi khác nhau. Đồng thời, cần dựa cả trên chính thói quen của bố mẹ để có thể đồng hành với con. Quan trọng không phải mấy tuổi trẻ làm được điều đó, mà là độ bền của tính kiên trì khi phụ huynh cùng con thực hiện những quy tắc ấy.
“Hạnh phúc là hành trình chứ không phải là đích đến. Trải nghiệm việc con cố gắng từng chút một mới là đáng quý. Những quy tắc muốn trở thành thói quen, mình cũng mất cả 2 năm mới rèn được. Vì thế, với trẻ, điều quan trọng nhất là sự kiên trì và bền bỉ”, chị Nguyễn Thị Thu chia sẻ.
Cũng theo phụ huynh này, các bố mẹ nên đặt ra những mục tiêu nhỏ theo mỗi tháng để trẻ có động lực cố gắng. Nên trao đổi với con về các quy tắc, để “dân chủ” hơn. Đồng thời, nên nói cho con lý do và mục đích, nói nhiều đến hiệu quả tích cực mà những kỷ luật đó sẽ đem lại.
Ví dụ: Mẹ rất vui vì buổi sáng không phải hò hét con đánh răng; Mẹ rất hạnh phúc vì con dọn dẹp giúp mẹ... Bên cạnh đó, phụ huynh cần lưu ý, không ép con làm những quy tắc mà bố mẹ cũng không thể thực hiện.
Theo TS Nguyễn Thị Thu, phụ huynh cũng cần tuân theo các quy tắc như: Nói chuyện để khích lệ con, có thói quen gắn kết yêu thương, xây dựng ý thức trách nhiệm với gia đình.
Khi ứng xử với con, bố mẹ cũng cần chú trọng đến quá trình chứ không phải kết quả. Không trách mắng, cáu giận với lỗi sai của con. Khi con làm sai, hãy mắng vào lỗi đó, chứ không phủ định con người con. Đồng thời, không chê bai khuyết điểm của con, nói xấu trước mặt trẻ. Quan trọng là bố mẹ luôn làm gương cho con trong mọi quy tắc.
Đối với con trai mình, TS Thu yêu cầu trẻ sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Trong đó, trách nhiệm với bản thân gồm vệ sinh cá nhân, như: Đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh; Khi tắm biết tự kỳ cọ, lau người, thay quần áo, cất quần áo bẩn...
Trẻ cũng cần biết chăm sóc sức khỏe bằng việc ăn đúng bữa quy định. Trong giờ ăn, trẻ không chạy lung tung, ngồi ăn đúng tư thế, dùng dụng cụ đúng quy tắc. Ngoài ra, cần đi ngủ đúng giờ, ăn đồ ăn lành mạnh (hoa quả, uống nước, hạn chế nước có ga và nhiều đường), rửa tay khi đi học về, trước khi ăn…
Trẻ cũng cần xây dựng tính tự chủ thông qua những việc như: Nghe tiếng Anh/ Nhật mỗi ngày theo thời gian quy định; Đọc sách trước giờ đi ngủ mỗi tối; Tuân thủ theo thời gian quy định; Dọn đồ chơi sau khi chơi xong; Bỏ rác vào thùng sau khi dùng.
Trẻ còn cần biết tự cất đồ bẩn vào máy giặt khi về nhà; cất balo, giày dép đúng nơi quy định; chuẩn bị quần áo, khăn đi học; quản lý đồ mình mang đi... Ngoài ra, quy tắc gia đình của TS Thu cũng yêu cầu trẻ tuân theo văn hóa ứng xử, như: Chào hỏi, lễ phép, nhận và trao đồ bằng hai tay cho người khác, mở, đóng cửa nhẹ nhàng…
Về trách nhiệm với gia đình, trẻ cần có ý thức tự giác, duy trì các thói quen tốt. Một số nguyên tắc cụ thể bao gồm: Sắp đũa cho cả nhà và bê thức ăn bày lên bàn; Ăn xong bê bát đĩa ra bồn; Lau bàn sau khi ăn; Phân chia quần áo đã phơi; Hút bụi nhà; Cùng mẹ nấu cơm: Gọt củ quả, thái rau, xào, nêm gia vị...
Trẻ cũng cần duy trì thói quen tốt tiết kiệm điện, nước, giấy. Ngoài ra, không gây ồn ào làm phiền người khác khi họ cần thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi; Kiên nhẫn chờ đợi người khác trả lời câu hỏi của mình.
Tuy nhiên, không ít phụ huynh lo ngại về việc trẻ không tuân theo các quy tắc gia đình. Chia sẻ về vấn đề này, giáo viên Trịnh Mai Chi cho biết, phụ huynh cần giải thích các quy tắc cho trẻ một cách rõ ràng. Từ đó, để trẻ hiểu rõ, xóa tan mọi nghi ngờ.
Đồng thời, cần thưởng - phạt phân minh. Cụ thể, khi trẻ làm tốt thì bố mẹ không nên ngại thưởng con một buổi đi chơi hoặc món ăn mà bé yêu thích. Bởi, điều đó sẽ giúp trẻ có động lực hơn. Nếu trẻ làm sai thì chắc chắn, bố mẹ cần đưa ra hình thức kỷ luật. Việc này sẽ giúp trẻ nhớ và để lần sau không tái phạm.
Để giúp trẻ nhớ và tuân thủ các nguyên tắc, bố mẹ có thể tạo một biểu đồ. Trong đó, các quy tắc được nêu ở một bên và hậu quả ở phía bên kia. Khi nhìn biểu đồ, trẻ sẽ dễ nhớ hơn.
Trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ không thể nhớ nhiều quy tắc. Vì vậy, phụ huynh cần hướng dẫn và bắt đầu từ một hoặc hai quy tắc. Khi trẻ nhớ rồi, lúc đó, phụ huynh hãy bổ sung thêm các quy tắc khác”, chị Mai Chi gợi ý.