Cách gì để trái chủ hơn 10.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh lấy lại tiền?
Làm thế nào để trái chủ nhận lại tiền đã đầu tư vào trái phiếu Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp lấy gì để chi trả khi đã đổ hết vào các dự án? Đây là những vấn đề đáng quan tâm sau sự kiện hủy 9 lô trái phiếu...
Sau vụ hủy 9 lô trái phiếu là mối lo đòi lại tiền của nhà đầu tư
Như VnEconomy đã đưa tin, Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước vừa công bố Quyết định 181/QĐ-UBCK ngày 3/4/2022 về việc hủy 9 đợt phát hành trái phiếu, trị giá 10.030 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 do che giấu, công bố thông tin sai sự thật.
Giới phân tích thị trường cho rằng đây là động thái chưa từng có. Nếu không giải quyết ổn thỏa quyền lợi của trái chủ là tổ chức và cá nhân cùng các chủ thể liên quan như đại lý phát hành, công ty tư vấn phát hành, sẽ trở thành một điểm nóng phức tạp trên thị trường tài chính.
HUY ĐỘNG 10.030 TỶ ĐỒNG CHO NHIỀU DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong số 9 đợt phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ có tổng trị giá 10.030 tỷ đồng thì có 8 lô với tổng giá trị 8.130 tỷ đồng phát hành trong năm 2021 đã được công bố trên HNX, còn 01 lô chưa được công bố thông tin. Nhìn sơ bộ về 8 lô trái phiếu được công bố sẽ dễ dàng nhận thấy ba điểm nổi bật.
Có lẽ “cũng cần một vụ vỡ nợ trái phiếu để nhà đầu tư nhận ra kênh này không hoàn toàn an toàn”
Ông Trần Lê Minh, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital.
Thứ nhất, đều phát hành trái phiếu riêng lẻ và mục đích phát hành chủ yếu để xây dựng nhiều dự án bất động sản chứ không phải chỉ duy nhất một dự án.
Cụ thể, lô trái phiếu mã NSVCH2125001 có giá trị 800 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt phát hành ngày 5/7/2021 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng, dịch vụ thương mại và nhà ở tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội.
Một lô khác mã NSVCH2126002 trị giá 1.900 tỷ đồng cũng do Ngôi Sao Việt phát hành với mục đích đặt cọc hợp tác kinh doanh "Dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt" (tương ứng 47% vốn đầu tư) để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình 02 tòa Chức năng văn phòng và Chức năng hỗn hợp tại khu đất phía Nam đường Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tương tự, các lô trái phiếu mã WTPCH2124001, WTPCH2124002 do Công ty Cổ phần Cung điện Mùa đông và lô trái phiếu SOLCH2123001, SOLCH2123002, SOLCH2123003 cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil lại được rót vào dự án phức hợp Hoàng Hải tại Phú Quốc.
8 lô trái phiếu bị hủy của Tân Hoàng Minh đã được công bố trên HNX
Thứ hai, trong các đợt phát hành trái phiếu các công ty thành viên, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thường đứng ra làm bên bảo lãnh thanh toán.
Điển hình như hai lô trái phiếu do Công ty Cổ phần Cung điện Mùa đông có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại dự án Hoàng Hải Complex cũng như 10 triệu cổ phần Cung Điện Mùa Đông thuộc sở hữu của bà Vũ Mỹ Linh. Bên bảo lãnh thanh toán được nêu rõ là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh Group).
Thứ ba, các đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh có lãi suất khá cao, quanh vùng 11,5-12%/năm. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản khác chỉ vào khoảng 8-10%/năm.
Đáng chú ý, giá trị thực của 03 công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn Tân Hoàng Minh (Ngôi Sao Việt, Cung điện Mùa đông, Soleil) như thế nào, tài sản có những gì, ..., đến nay thị trường gần như không có chút thông tin nào, ngoài ít dòng được ghi trong Quyết định 181/QĐ-UBCK: "công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ".
TRÁI CHỦ NHẬN LẠI NỢ THẾ NÀO?
Với quyết định hủy bỏ 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh, điều khiến nhà đầu tư lo lắng nhất là việc tiền đầu tư có bị mất và làm thế nào để nhận lại số tiền này. Đây thực sự là tâm điểm của vụ việc.
Đối thoại chuyên đề: Cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện và ứng xử với rủi ro
Luật Chứng khoán quy định rất rõ trách nhiệm tổ chức phát hành khi bị hủy.
Hoặc, theo quy định tại điều 6, Nghị định 156/NĐ-CP, Tân Hoàng Minh sẽ bị xử lý như sau: "Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật.”
Biện pháp khắc phục gồm có: “e) Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này trong trường hợp đã chào bán, phát hành chứng khoán. Thời hạn thu hồi chứng khoán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.”
Dĩ nhiên, việc bắt buộc Tân Hoàng Minh mua lại trái phiếu là nhiệm vụ của nhà quản lý. Song, có mua lại được hay không thì lại là câu chuyện dòng tiền doanh nghiệp. Nhiều khả năng Tân Hoàng Minh không thể mua lập tức cả 9 lô trái phiếu bị hủy do tiền đã được đẩy vào dự án. Vì vậy, có hai trường hợp xảy ra.
"Quyết định hủy bỏ khá bất ngờ. Bởi lẽ, sau này tranh chấp quyền và nghĩa vụ nợ sẽ căn cứ vào đâu khi xác nhận sở hữu trái phiếu thành vô giá trị? Hai bên, tức Tân Hoàng Minh và trái chủ đơn thuần xử lý theo phương án vô hiệu hợp đồng thì không thuận lý lắm, nhất là nếu trái phiếu đó đã giao dịch vài lần, việc tuyên vô hiệu tuần tự các giao dịch cũng tương đối rắc rối".
(Một chuyên gia tài chính)
Thứ nhất, doanh nghiệp chấp nhận phá sản. Việc trả nợ của doanh nghiệp trong trường hợp này được ưu tiên theo thứ tự: thuế, lương cho người lao động, thanh toán cho nhà cung cấp (điện, nước, nguyên vật liệu…), các khoản nợ ngân hàng, gần cuối mới là các khoản nợ từ trái phiếu.
Thứ hai, doanh nghiệp thu xếp chuyển nhượng dự án. Tức Tân Hoàng Minh chấp nhận bị mua bán và sáp nhập các dự án đang có (M&A).
Tuy nhiên, theo một chuyên gia chia sẻ, nếu trường hợp đầu tiên xảy ra, sẽ vô cùng phức tạp. Bởi lẽ, khoản tiền hơn 10.000 tỷ đồng là không hề nhỏ và được hình thành từ nguồn vốn của hàng nghìn nhà đầu tư. Khi những nhà đầu tư này rơi vào tình trạng chưa biết có thu được tiền về hay không, họ lập tức cảnh giác và rút các khoản đầu tư tương tự về.
"Đây là điều hết sức lưu ý khi các cơ quan quản lý xử lý các vấn đề liên quan khi mà quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã lên khoảng 15% GDP và nền kinh tế đang bước đầu hồi phục sau đại dịch Covid-19”, vị chuyên gia này nói với phóng viên VnEconomy.
Cũng theo ông này, nhiều khả năng nhà điều hành sẽ hỗ trợ thủ tục pháp lý cho các dự án chuyển nhượng và hướng doanh nghiệp theo trường hợp thứ hai. Khi đó, quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng không bị tổn thương.
“Điều quan trọng là nhà quản lý đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư như thế nào; Có được lấy được lãi hay chỉ còn gốc; Thủ tục nhận tiền ra sao cũng cần minh bạch. Tôi tin các nhà quản lý sẽ giải bài toán này hợp lý để tránh những tổn thất”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
LỜI CẢNH BÁO HIỆU QUẢ NHẤT
"Chẳng có gì hiệu quả hơn để cảnh báo nhà đầu tư bằng những việc cụ thể như trên. Đồng thời, sự việc trên một lần nữa khẳng định rằng định hướng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là đúng đắn", một chuyên gia nói với phóng viên VnEconomy.
Theo ông, nhiều năm nay, cơ quan quản lý và giới truyền thông liên tục cảnh báo rằng phát hành riêng lẻ là tự vay tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép mà chỉ tạo ra khung khổ pháp lý để các bên phải tuân thủ. Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin, điều kiện, điều khoản của trái phiếu, nhà đầu tư phải phân tích, đánh giá được rủi ro để tự ra quyết định đầu tư.
"Nếu không quan tâm, đánh giá rủi ro, mua theo chào mời, mua vì lãi suất cao… thì khi có rủi ro nhà đầu tư hoàn toàn có thể mất cả gốc và lãi. Sự việc này là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân", ông nói.
"Trường hợp của Tân Hoàng Minh chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các công ty liên quan đến công ty này. Thậm chí, nó không chỉ ảnh hưởng đến công ty của Tân Hoàng Minh hay công ty liên quan mà nó sẽ ảnh hưởng tới cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các trái phiếu được xây dựng tương tự sẽ bị vạ lây"
(TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng)
Ngoài ra, trách nhiệm của các công ty chứng khoán với vai trò tư vấn phát hành cũng cần phải cung cấp thông tin chính xác, đảm bảo doanh nghiệp phát hành phải tuân thủ quy định của pháp luật. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ khi phát hành phải thông qua một tổ chức tư vấn phát hành là công ty chứng khoán, do đó vai trò của công ty chứng khoán và trách nhiệm phải tuân thủ theo đúng quy định của nghị định 153.
Theo chủ tịch một công ty quản lý quỹ, thị trường đang rất cần có đại diện người sở hữu trái phiếu, một chế định dân sự trong một khế ước dân sự công cộng để giám sát và cung cấp thông tin cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, ông đưa ra lời khuyên rằng trái phiếu phát hành riêng lẻ cần được tư vấn đầu tư hoặc ủy thác cho công ty quản lý quỹ.
“Nếu lựa chọn phải trái phiếu lởm, công ty quản lý quỹ phải giải trình với nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán và cơ quan quản lý. Hiện nay, cứ cho nhà đầu tư tự tung tự tác là rủi ro rất lớn. Không có công cụ quản lý, không vỡ nợ mới lạ”, ông nói.