Cách Iran lách các lệnh trừng phạt của Mỹ
Trừng phạt Iran làm nổi bật vai trò của các nhà môi giới và trung gian 'bí ẩn' đằng sau thương mại dầu mỏ.
Trong bối cảnh bị áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ, Iran đã tăng cường quan hệ đối tác kinh tế trong khu vực và đa dạng hóa việc sử dụng các công ty "bình phong" để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán dầu.
Do đó, những nhà trung gian và các công ty bình phong đã tạo thành "xương sống" cho hoạt động thương mại dầu mỏ của Iran, khi triển vọng về một thỏa thuận hạt nhân vẫn chưa rõ ràng và Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nhắm mục tiêu vào nguồn thu sinh lợi nhất của Tehran.
Tuần trước, Mỹ đã tung ra đợt trừng phạt thứ ba đối với các công ty tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán dầu và các sản phẩm hóa dầu của Iran trong vòng chưa đầy hai tháng. Mỹ đã nhắm mục tiêu vào cái mà họ mô tả là một mạng lưới sử dụng các công ty vỏ bọc có trụ sở tại Vùng Vịnh để giúp Iran trốn tránh các lệnh trừng phạt. Các biện pháp mới bổ sung một công ty khác có trụ sở tại UAE và một số công ty ở Đông Á vào danh sách đó.
Đằng sau việc triển khai các biện pháp trừng phạt là triển vọng ngày càng ảm đạm về một thỏa thuận hạt nhân. Sina Azodi, một nhà phân tích về Iran tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, nói: “Tại thời điểm này, có một cuộc chạy đua giữa các lệnh trừng phạt và mở rộng chương trình hạt nhân. Mỹ chạy đua để tăng cường áp lực trừng phạt và Iran sẽ chạy đua để có thêm đòn bẩy trong việc thúc đẩy khả năng hạt nhân của mình".
Tháng 8 này đánh dấu 16 tháng kể từ khi bắt đầu các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân, được gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Các cuộc đàm phán gián tiếp gần đây nhất giữa Mỹ và Iran được tổ chức tại Doha, Qatar, đã không mang lại đột phá.
Trong khi cả hai bên đều kiềm chế không mô tả sự bế tắc hiện tại là sự sụp đổ hoàn toàn, tuần trước, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU cho biết không gian cho "những thỏa hiệp đáng kể đã cạn kiệt".
Động thái gia tăng các biện pháp trừng phạt của Chính quyền Biden diễn ra khi họ vấp phải sự chỉ trích từ những người phản đối thỏa thuận hạt nhân vì không đủ sức gây áp lực lên Iran, trong đó có những người chỉ trích việc Washington bán dầu cho Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Iran.
Kể từ khi ông Biden nhậm chức, doanh số bán dầu của Iran cho Trung Quốc đã tăng vọt, đạt 700.000 thùng/ngày vào tháng 6, cao hơn nhiều so với con số ghi nhận vào năm 2017 trước khi Mỹ áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu mặt hàng này, sau quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
“Chính quyền Biden đang báo hiệu rằng việc thực thi lệnh trừng phạt đang hoạt động trở lại”, Sanam Vackil, Phó Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Chatham House, nói.
Hoạt động thương mại "ngầm"
Tuy nhiên, Iran không lạ gì với các lệnh trừng phạt. Nước này đã vượt qua "chiến dịch gây áp lực tối đa" của Chính quyền Trump. Nga thậm chí đã tìm đến Iran để tìm kiếm những bài học về cách đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt được công bố hồi tuần trước đã nhằm vào các công ty ở Hong Kong và UAE, phản ánh điều mà Rachel Ziemba, một chuyên gia về trừng phạt tại Trung tâm An ninh Mới ở Mỹ, cho biết là tầm quan trọng ngày càng tăng của nhà trung gian và môi giới bí mật đối với hoạt động buôn bán dầu của Iran.
Bất chấp những nỗ lực của các quốc gia như Nga, Iran và Trung Quốc nhằm đa dạng hóa các phương tiện giao dịch kinh tế của họ, đồng USD vẫn là nền tảng của phần lớn thương mại toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt của Washington ngày càng gia tăng vì chúng có thể loại các công ty ra khỏi hệ thống tài chính của thế giới, ngoài việc đóng băng tài sản mà các thực thể có thể có ở Mỹ.
Nhưng nhiều công ty liên quan đến việc bán dầu của Iran đã hạn chế giao dịch với Mỹ. Chuyên gia Ziemba chia sẻ: “Các biện pháp trừng phạt mở rộng đã thúc đẩy rất nhiều hoạt động thương mại ngầm và đi vào các thực thể nhỏ hơn".
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Công ty Thương mại Công nghiệp Hóa dầu vịnh Ba Tư (PGPICC) của Iran đã có giao dịch với các công ty mới bị Mỹ trừng phạt, trong đó có một công ty ở UAE có tên "Cactus Equipment and Machine Parts". PGPICC là một trong những công ty môi giới hóa dầu lớn nhất của Iran và là công ty con của Công ty Công nghiệp Hóa dầu Vịnh Ba Tư, chiếm một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu hóa dầu của Iran.
Bà Ziemba nhận định: “[Các biện pháp trừng phạt mới nhất] có khả năng làm tăng thêm tổn thất cho một phần xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu của Iran, nhưng không có khả năng làm tắc nghẽn phần lớn dòng chảy. Các biện pháp trừng phạt đã phân đoạn hoạt động thương mại năng lượng của Iran, có nghĩa là các tác nhân riêng lẻ sẽ chiếm phần nhỏ hơn trong khối lượng giao dịch".
Tehran không chỉ đa dạng hóa các công ty hỗ trợ hoạt động thương mại dầu của mình mà còn làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế với các quốc gia trong khu vực. Vào tháng 3/2022, UAE, một đồng minh quan trọng của Mỹ, đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất sang Tehran. Trong khi đó, Qatar và Iran đã tuyên bố sẽ tăng thương mại của họ lên 1 tỷ USD vào năm tới.
“UAE đang sử dụng sức mạnh kinh tế và vai trò của họ trong chuỗi cung ứng để giúp đỡ Iran và qua đó tự bảo vệ mình trước sức ép của Iran”, chuyên gia Vakil lưu ý.
Khi hy vọng về một thỏa thuận hạt nhân giảm dần, các quốc gia khu vực như UAE có giao dịch với Iran có khả năng bị giám sát chặt chẽ hơn với việc Mỹ tìm cách siết chặt nền kinh tế của Iran. Vì vậy, tác động lớp thứ hai của việc thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ sẽ là đối với các nước láng giềng và đối tác thương mại của Iran, những nước đã hỗ trợ việc phá vỡ các biện pháp trừng phạt Iran.
Chính quyền Biden hiện đang cân bằng việc thực thi mạnh mẽ hơn các biện pháp trừng phạt Iran đối với các biện pháp nhắm vào Nga vì lo ngại về giá năng lượng toàn cầu, trong khi vẫn nuôi hy vọng quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.
Nhưng việc Ấn Độ và Trung Quốc sẵn sàng thu mua dầu thô giá rẻ của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng nhấn mạnh thách thức mà Mỹ phải đối mặt khi triển khai các biện pháp mới nhắm vào hoạt động bán dầu của Iran. Do cắt đứt các thị trường truyền thống ở châu Âu, Moskva đang cung cấp cho người mua châu Á chiết khấu mạnh đối với dầu thô của mình, buộc Iran phải giảm giá mạnh hơn nữa.
“Mỹ có thể gây thêm áp lực lên UAE để kiềm chế thương mại, nhưng Trung Quốc lại là một vấn đề khác. Nước này có nhiều khả năng để làm suy yếu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran", chuyên gia Azodi tại Hội đồng Đại Tây Dương kết luận.