Cách khắc phục khi bị vón cục mỹ phẩm do silicone trên da
Khi trang điểm, hoặc chăm sóc da, nhiều bạn thấy hiện tượng trên da mặt xuất hiện các hạt nhỏ hình tròn. Hiện tượng này do các thành phần trong mỹ phẩm không thấm vào da mà lại lắng đọng trên da. Nếu có kết hợp với các tế bào sừng bong tróc trên da thì hiện tượng vón cục càng nhiều hơn.
1. Vì sao có hiện tượng vón cục mỹ phẩm trên da?
Thành phần mỹ phẩm có chứa silicone (dimethicone, cyclomethicone, cyclohexasiloxan, cetearylmethicone, cyclopentasiloxan) là hợp chất cao phân tử (polymer) không thấm nước và kết cấu đặc. Silicone được dùng như chất làm đặc trong mỹ phẩm để cải thiện kết cấu mỹ phẩm, làm đầy các rãnh trên da, đóng vai trò là chất khóa ẩm, tạo ra một lớp màng bóng mượt, mịn màng.
Chính vì thế silicone là một thành phần phổ biến trong kem nền, serum, kem dưỡng ẩm. Do silicone kỵ nước và khóa ẩm, ngăn không cho các chất thấm vào trong da, nên nếu sử dụng các sản phẩm dưỡng da khác sau silicone thì silicone sẽ phối hợp với các chất đó dẫn đến tình trạng vón cục mỹ phẩm.
Ngoài silicone là chất gây vón cục chính, thì một số thành phần khác như iron oxide, talc, mica và fluorphlogopite (dùng để tạo hiệu ứng lấp lánh trong make up) cũng dễ làm vón cục mỹ phẩm.
Khi da xuất hiện tình trạng vón cục mỹ phẩm, sẽ dẫn đến một số hậu quả như sau:
Gây mất thẩm mỹ.
Tốn thời gian cho các bước chăm sóc da và trang điểm.
Làm lãng phí mỹ phẩm, đặc biệt đối với các dòng mỹ phẩm đắt tiền.
Giảm tác dụng của các thành phần trong mỹ phẩm chăm sóc da do chúng không được hấp thụ vào da.
2. Cách nào khắc phục tình trạng vón cục mỹ phẩm trên da?
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm có chứa silicone hoặc dùng sản phẩm có silicone ở bước cuối cùng trong các bước chăm sóc da hoặc trang điểm.
- Không sử dụng quá nhiều sản phẩm mỹ phẩm: Khi kết hợp quá nhiều sản phẩm mỹ phẩm cùng lúc sẽ không có đủ thời gian cho các sản phẩm ngấm vào da. Hoặc các bước sử dụng sản phẩm sai quy trình cũng sẽ khiến cho lớp mỹ phẩm bên dưới ngăn không cho lớp mỹ phẩm phía trên thấm vào da, gây ra sự lắng đọng và vón cục.
Ví dụ, đối với mỹ phẩm dạng gel, nếu không có đủ thời gian để gel khô mà lại tiếp tục dùng các sản phẩm khác thì lượng polymer còn lại trên da sẽ kết hợp với các sản phẩm đó để tạo thành các hạt li ti vón cục trên da.
Do đó, cần tùy tình trạng da để lựa chọn các sản phẩm có kết cấu mỏng nhẹ và đơn giản hóa quá trình dưỡng da. Hơn nữa ở mỗi bước cần khoảng 10-15 phút để các thành phần trong mỹ phẩm hấp thụ hết vào da. Quy trình đúng là sử dụng sản phẩm có kết cấu lỏng trước, đặc sau.
- Cần kết hợp các mỹ phẩm đúng cách: Các mỹ phẩm có gốc dầu và gốc nước khi kết hợp cùng lúc sẽ bị tách lớp và không thể hòa lẫn vào nhau (do dầu không tan trong nước) từ đó dẫn đến tình trạng bong tróc và vón cục các thành phần.
Nên dùng các sản phẩm có công thức tương tự nhau (cùng gốc nước hoặc cùng gốc dầu). Nếu kết hợp chung các sản phẩm gốc nước và gốc dầu thì nên dùng sản phẩm gốc nước trước (vì gốc nước hấp thu tốt và nhanh vào da hơn), sau đó đợi một thời gian mới tới các sản phẩm gốc dầu.
- Thoa mỹ phẩm đúng: Nhiều người lầm tưởng sau khi thoa mỹ phẩm thì chà xát càng mạnh càng giúp các thành phần thấm nhanh và sâu vào da hơn. Tuy nhiên điều này sẽ khiến cho các tế bào sừng trên da bong tróc, gom tụ và cuộn tròn cùng với các thành phần mỹ phẩm, từ đó các hạt li ti vón cục sẽ xuất hiện.
Do đó không nên dùng lực nhiều khi bôi mỹ phẩm lên da. Nên dùng ngón tay thoa nhẹ hoặc vỗ nhẹ đều lên bề mặt da, hạn chế dùng tay chạm vào da mặt nhiều lần.
- Tẩy tế bào chết: Khi lớp tế bào sừng của da già và chết, mà không bị loại bỏ, chúng sẽ dễ dàng kết hợp với các thành phần khác trong mỹ phẩm để làm bít tắc, gây vón cục mỹ phẩm.
Vì thế, nên tẩy da chết khoảng 1-2 lần/tuần giúp làn da tươi mới và các thành phần trong mỹ phẩm hấp thu tốt hơn.