Cách làm hay trong xóa bỏ hủ tục ở Yên Minh

BHG - Sau gần 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09, ngày 10.5.2021 của BTV Tỉnh ủy và 1 năm thực hiện Nghị quyết số 27, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân, Đảng bộ huyện Yên Minh đã có nhiều cách làm hay, từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Tuyên truyền lưu động sân khấu hóa về bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu tại xã Sủng Thài.

Tuyên truyền lưu động sân khấu hóa về bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu tại xã Sủng Thài.

Huyện Yên Minh có 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 59%, Dao trên 14%, Tày gần 13%, Nùng 5%, Giáy 6,19%, Kinh 3,52%... Đến cuối năm 2022, toàn huyện có 19.306 hộ/103.605 khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53,71%, hộ cận nghèo 17,08%. Theo rà soát, đánh giá của ngành chuyên môn, người Mông trên địa bàn là dân tộc còn nhiều hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu nhất như người chết không đưa vào áo quan, để lâu ngày mới an táng; giết mổ nhiều gia súc trong đám tang; tình trạng tảo hôn vẫn phổ biến và còn xảy ra hôn nhân cận huyết… Ở các dân tộc khác có nhiều nghi lễ rườm rà, lãng phí cần phải xóa bỏ.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Yên Minh, Phạm Xuân Diệu cho biết: Xác định những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào các dân tộc ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân và sự phát triển KT-XH của địa phương. Ngay khi Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh được ban hành, BTV Huyện ủy, BCH Đảng bộ huyện đã quán triệt, triển khai đồng bộ, quyết liệt tới cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên, nhân dân. Tuy nhiên, đây vẫn là việc khó, bởi các hủ tục, phong tục, tập quán của đồng bào được truyền từ đời này sang đời khác, khắc sâu trong tiềm thức, ý thức của đồng bào. Một số hủ tục có chế tài theo quy định pháp luật như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, nhưng một số chưa có chế tài. Vì vậy, phải vừa quyết liệt thực hiện vừa linh hoạt phù hợp với từng dân tộc, dòng họ…

Đường Thượng là xã có 100% dân số là đồng bào Mông. Trước đây, bà con vẫn giữ những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc tang như không đưa người chết vào áo quan, tổ chức tang lễ kéo dài, giết mổ nhiều gia súc trong đám tang… Những năm gần đây và nhất là khi thực hiện Chỉ thị số 09, Nghị quyết số 27 cùng sự gương mẫu, đi đầu của nhiều cán bộ, đảng viên, người có uy tín nhận thức của nhân dân từng bước thay đổi.

Bí thư Đảng ủy xã Đường Thượng, Hùng Minh Hải cho biết: Trên địa bàn xã đã có dòng họ Sùng, Giàng đưa người chết vào áo quan khi tổ chức tang lễ. Năm 2022, cấp ủy, chính quyền xã vận động được dòng họ Mua thực hiện nhằm từng bước xóa bỏ hủ tục trong đồng bào. Đặc biệt, xã có thêm một giải pháp tuyên truyền, vận động các gia đình khi có người mất sẽ đưa người chết vào áo quan để tổ chức tang lễ bằng việc ghi âm nguyện vọng của người thân trước khi mất. Giải pháp này xuất phát từ cách làm của gia đình đồng chí Sùng Mí Vư, người có uy tín của xã và hiện là Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến. Việc tổ chức tang lễ của các gia đình giờ đây chỉ kéo dài dưới 48 giờ và không giết mổ nhiều gia súc như trước.

Thực hiện Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Yên Minh có nhiều cách làm hay như: Chỉ đạo gắn đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên với trách nhiệm nêu gương bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; tổ chức thi tìm hiểu về bài trừ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu bằng hình thức sân khấu hóa cấp huyện; tuyên truyền đưa người chết vào áo quan bằng phương pháp ghi âm nguyện vọng trước khi chết của người thân và công bố trước anh em họ hàng khi họp bàn công tác tổ chức tang lễ; tuyên truyền trong trường học và từng thôn, xóm; huyện, xã và tổ chức chính trị - xã hội chọn một dân tộc, dòng họ, hủ tục để làm điểm bài trừ và rút kinh nghiệm triển khai trong toàn huyện; thành lập các tổ vận động ở thôn, tổ dân phố; khi các gia đình trong thôn, xã có người chết, thành viên Ban Chỉ đạo bài trừ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu xã đến dự và yêu cầu anh em, họ hàng không được mang nhiều gia súc đến làm lễ.

Năm 2022, huyện Yên Minh đã vận động 293/486 đám tang tổ chức không quá 48 tiếng; tình trạng giết mổ gia súc (trâu, bò, ngựa) trong đám tang chỉ còn từ 1 con đến 2 con, giảm nhiều so với 5-8 con trước đây (tùy số lượng con cháu); vận động xóa bỏ hủ tục không chôn cất người chết trong tháng 9 âm lịch đối với dân tộc Nùng, xã Bạch Đích. Đặc biệt, việc đưa người chết vào áo quan ngay từ đầu trong một số dòng họ dân tộc Mông đã được thực hiện nghiêm túc, tiêu biểu như dòng họ Sùng, Giàng, Mua tại xã Đường Thượng; dòng họ Vàng xã Lao Và Chải; dòng họ Thào tại xã Du Già; ngăn chặn kịp thời 18 trường hợp học sinh bị cha mẹ ép kết hôn khi chưa đủ tuổi (tảo hôn) quay lại trường tiếp tục học tập; ngăn chặn 1 trường hợp đã ăn hỏi không được tổ chức cưới do có quan hệ huyết thống; vận động 39 cặp tảo hôn đưa trẻ trở về gia đình…

Bí thư Huyện ủy Yên Minh Ngô Xuân Nam chia sẻ: Phong tục, tập quán lạc hậu mỗi dân tộc khác nhau, dòng họ khác nhau nên để thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu hiệu quả, huyện không đưa ra giải pháp chung cho các dân tộc mà căn cứ vào thực tiễn từng dân tộc, dòng họ, địa phương để có cách thực hiện riêng. Ngoài ra, huyện quán triệt quan điểm, đây không chỉ là việc làm của riêng ai mà của cả hệ thống chính trị. Trước hết mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải là người tiên phong, gương mẫu. Đồng thời phát huy vai trò hạt nhân của đội ngũ thầy cúng, thầy mo, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Bài, ảnh: LƯƠNG HÀ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202303/cach-lam-hay-trong-xoa-bo-hu-tuc-o-yen-minh-5051e12/