Cách làm mới giúp nông dân trồng khóm ở Vị Thanh thu trăm triệu mỗi năm
Nhiều năm qua, người nông dân trồng khóm trên địa bàn TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang không còn lo cảnh 'được mùa dội chợ' khi vào chính vụ thu hoạch, thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa HTX và doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Khóm (dứa/thơm) là cây trồng chủ lực, đặc biệt thích hợp với thổ nhưỡng một số khu vực đất vị nhiễm phèn, mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tại TP. Vị Thanh, diện tích trồng khóm hiện đạt trên 2.380 ha, tập trung nhiều nhất ở 2 xã Tân Tiến và Hỏa Tiến.
Giá trị liên tục tăng cao
Nhiều năm qua, cây khóm cho giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo, làm giàu bền vững cho nhiều gia đình và là nông sản phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu. Giá khóm tăng là động lực để người dân tiếp tục đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Kể từ vụ Tết 2023 đến nay, khóm Cầu Đúc (thương hiệu chung của trái khóm tại Vị Thanh) được mùa, trúng giá. Giá khóm trung bình cao hơn cùng kỳ niên vụ 2021-2022 nên bà con rất phấn khởi.
Cụ thể, khóm loại 1 có trọng lượng trái từ 1kg trở lên được doanh nghiệp, thương lái bao tiêu tại rẫy có giá bình quân 10.000 - 13.000 đồng/trái. Khóm loại 2 có giá bán buôn dao động ở mức 8.000 - 9.000 đồng/trái. 95% sản lượng khóm sản xuất ở Hỏa Tiến và Tân Tiến hiện đạt chuẩn VietGAP.
Thực tế, từ nhiều năm qua, khóm Cầu Đúc đã không còn lo “được mùa, mất giá” bởi cái bắt tay liên kết giữa HTX và doanh nghiệp. Một trong những đơn vị tiêu biểu dẫn dắt sản xuất cho người dân trồng khóm phải kể đến HTX Thương mại dịch vụ Thạnh Tiến (ấp Thạnh Quới 1, xã Tân Tiến).
Giám đốc Trần Văn Bá cho biết tình hình sản xuất của các hộ thành viên, nông dân liên kết của HTX Thạnh Tiến hiện rất ổn định, khóm trái sau khi thu hoạch được các doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương… hợp đồng bao tiêu, đưa vào các siêu thị và khắp nơi trên cả nước.
Để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp liên kết, khâu sản xuất được HTX định hình, định hướng ngay từ đầu là tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất sạch, chất lượng cao. Thành viên HTX cùng nhiều hộ nông dân liên kết được tham gia dự án trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng cả chất và lượng, cây khóm trên địa bàn xã Hỏa Tiến hiện đạt năng suất bình quân 15 - 20 tấn/ha/năm, doanh thu trung bình đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.
“Để bán khóm được giá cao, người trồng khóm Cầu Đúc chọn cách để khóm rải vụ, trong đó tập trung vào mùa nghịch nên năm nào cũng có lợi nhuận cao. Cùng với đó, việc ứng dụng sản xuất GlobalGAP giúp nâng cao chất lượng, hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới”, Giám đốc HTX Trần Văn Bá cho hay.
Thương hiệu tiếp đà bay xa
Bên cạnh HTX Thạnh Tiến, HTX Thạnh Thắng cũng đang là đơn vị đầu tàu trong sản xuất và chế biến khóm ở Hỏa Tiến. Nhờ những công dụng tuyệt vời, cây khóm có thị trường rộng lớn, đã và đang trở thành cây thoát nghèo, làm giàu của người dân địa phương.
Hàng năm, HTX đứng ra ký hợp đồng bao tiêu và thu mua sản phẩm khóm cho thành viên và những hộ trồng khóm liên kết với sản lượng trên dưới 2.000 tấn trái/200 ha. HTX cũng đã liên kết với một số công ty chế biến, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh để đảm bảo thị trường tiêu thụ.
Ông Vu Sủi, Giám đốc HTX Thạnh Thắng, nhấn mạnh điều tạo nên khác biệt cho trái khóm Cầu Đúc thời gian qua bên cạnh hoàn thiện sản xuất còn là sự chủ động trong chế biến và xây dựng thương hiệu.
Các khu vực trồng khóm do HTX quản lý hiện đều có nhật ký sản xuất, trái khóm sau khi thu hoạch được sơ chế, dán tem trước khi tiêu thụ. Chỉ trong hơn 2 năm triển khai, việc dán tem giúp khóm Cầu Đúc tăng nhận diện, tạo sức hút lớn với doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Bình thường giá khóm khoảng 6.000 đồng/kg là nông dân sống được rồi. Nhưng kể từ khi chiếc tem được dán lên khóm Cầu Đúc (từ tháng 5/2020), đưa vào siêu thị thì giá khóm bật lên 11.000 - 13.000 đồng/kg, nông dân ở đây vui lắm. Đó là mơ ước bao đời của người dân trồng khóm Cầu Đúc ở Hỏa Tiến”, Giám đốc HTX Vu Sủi phân khởi nói.
Nhờ cái bắt tay của HTX và doanh nghiệp, nỗ lực của người nông dân cùng sự đồng hành của địa phương, trái khóm hiện không chỉ nổi tiếng ở thị trường nội địa mà đã xuất ngoại sang tận Nga và các nước Đông Âu. Trái khóm được chế biến thành nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế như nước ép, sấy khô không tẩm đường, kẹo, mứt, rượu, nước giải khát có ga…
Thương hiệu khóm Cầu Đúc vang danh miền Tây hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận thương hiệu “Khóm Cầu Đúc - Hậu Giang”. Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định việc lấy nền tảng từ cây khóm Cầu Đúc để làm đòn bẩy trong xây dựng kinh tế - xã hội tại các xã Hỏa Tiến, Tân Tiến… là đúng hướng.