Cách làm mới trong phát triển đảng viên. Bài 1: Khó khăn trong kết nạp đảng viên ở cơ sở

Xác định phát triển đảng viên là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, những năm qua, cấp ủy đảng các cấp tỉnh Quảng Trị đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để nâng cao số lượng cũng như chất lượng đảng viên từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên quá trình thực hiện nhiệm vụ này ở nhiều tổ chức đảng vẫn còn gặp không ít khó khăn. Thực tế này đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc quyết liệt, hiệu quả hơn nữa của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

> Cách làm mới trong phát triển đảng viên. Bài 2: Đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp về phát triển đảng viên vào cuộc sống

 Trao quyết định kết nạp đảng viên tại Chi bộ Trường TH và THCS Tân Liên, huyện Hướng Hóa - Ảnh: K.S

Trao quyết định kết nạp đảng viên tại Chi bộ Trường TH và THCS Tân Liên, huyện Hướng Hóa - Ảnh: K.S

Bình quân mỗi năm kết nạp gần 2.000 đảng viên

Hiện nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị có 505 tổ chức cơ sở (TCCS) đảng, trong đó có 256 đảng bộ cơ sở, 249 chi bộ cơ sở với 47.594 đảng viên. Để công tác phát triển đảng viên được triển khai thực hiện có hiệu quả, hằng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các TCCS đảng trên địa bàn tỉnh đã quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương của trung ương, của tỉnh về công tác phát triển đảng viên. Cấp ủy đảng các cấp đã tập trung xây dựng kế hoạch tạo nguồn và đề ra chỉ tiêu công tác phát triển đảng hằng năm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giáo dục, lựa chọn đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng; đẩy mạnh các phong trào thi đua, các hoạt động, tạo môi trường công tác, học tập, lao động, rèn luyện, góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhân tố tích cực, quần chúng ưu tú tạo nguồn phát triển đảng viên.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Văn Phụng cho biết: “Không chỉ chú trọng phát triển đảng viên nói chung mà các TCCS đảng trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, ở nông thôn, các doanh nghiệp ngoài nhà nước, chủ doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Qua đó, tăng cường sức mạnh của tổ chức đảng, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động cũng như đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng nông thôn và trong các doanh nghiệp thuận lợi, hiệu quả hơn, góp phần tích cực vào ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Nhờ vậy, nhiệm kỳ qua đã khắc phục tình trạng thôn, bản chưa có đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép”.

Việc rà soát, sàng lọc đảng viên được tiến hành chặt chẽ và thận trọng nên chất lượng đảng viên trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được nâng lên, cơ cấu đảng viên chuyển biến theo hướng tích cực. Đại đa số đảng viên giữ vững bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy được tính tiên phong, gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, gần gũi, sâu sát với quần chúng nhân dân. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, bình quân mỗi năm toàn tỉnh kết nạp được 1.989 đảng viên (chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra từ 1.400 - 1.500 đảng viên). Nếu như đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 có 1 thôn chưa có đảng viên; 43 chi bộ sinh hoạt ghép; 41 thôn có từ 1 - 2 đảng viên, đến cuối nhiệm kỳ 100% thôn, bản đã có đảng viên, chỉ còn 3 chi bộ sinh hoạt ghép, 9 thôn có 1- 2 đảng viên.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù đạt được khá nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác phát triển đảng viên ở Quảng Trị vẫn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, tổng số đảng viên kết nạp trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 8.280 đảng viên, đạt chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, nhưng riêng năm 2020 chỉ đạt được 59,1%.

Tham gia chuyến khảo thực tế để có cơ sở tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về đẩy mạnh công tác đảng viên trong tình hình mới, chúng tôi về với xã Húc, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa. Với trên 95% dân số là người dân tộc Vân Kiều và Pa Kô, toàn xã có 8 thôn, 859 hộ/4115 khẩu, trong đó có 292 hộ/1.077 khẩu là tín đồ tôn giáo; đảng bộ xã có 13 chi bộ trực thuộc với 119 đảng viên, trong đó có 58 đảng viên người dân tộc thiểu số. Mặc dù so với các địa phương vùng đặc biệt khó khăn khác, số lượng đảng viên được kết nạp trong nhiệm kỳ của xã Húc là khá cao (46 đảng viên/60 đảng viên) nhưng phát triển đảng viên ở các chi bộ trên địa bàn xã lại không đồng đều. Đa số các chi bộ trường học, y tế đều thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên nhưng hầu hết chi bộ nông thôn lại không đạt; tỉ lệ đảng viên mới kết nạp là đoàn viên thanh niên nông thôn giảm dần.

Bí thư Đảng ủy xã Húc Phạm Huy Văn cho biết: “Công tác phát triển đảng viên của địa phương còn khó khăn do một số nguyên nhân như lý lịch, nhân thân không chính xác, rõ ràng; trình độ học vấn không đáp ứng yêu cầu, khả năng viết hồ sơ hạn chế; tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn. Bên cạnh đó, vẫn có một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức tới công tác tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để giới thiệu, kết nạp đảng. Vì lẽ đó, việc tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên ở địa phương là rất khó”.

 Nhiều thanh niên đi làm ăn xa là một trong những nguyên nhân làm thiếu hụt nguồn phát triển đảng viên - Ảnh: K.S

Nhiều thanh niên đi làm ăn xa là một trong những nguyên nhân làm thiếu hụt nguồn phát triển đảng viên - Ảnh: K.S

Đảng bộ xã Tân Thành (huyện Hướng Hóa) có 111 đảng viên, trong đó có 5 đảng viên người dân tộc thiểu số. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, đảng ủy xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời cụ thể hóa kế hoạch phát triển đảng viên, phân công cấp ủy viên phụ trách các chi bộ gắn với giao chỉ tiêu kết nạp; chú trọng khâu tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp. Thông qua việc đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng của từng chi bộ để xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên, công tác bồi dưỡng lý tưởng, nâng cao nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Tuy nhiên, kết quả về chỉ tiêu kết nạp đảng viên trong nhiệm kỳ không đạt, đặc biệt là từ năm 2018 - 2020, riêng năm 2020 chỉ đạt 40% kế hoạch.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành Lê Bá Minh cho biết, nguyên nhân chủ yếu không đạt chỉ tiêu kết nạp đảng là do trình độ, năng lực của một bộ phận thanh niên địa phương có phần hạn chế, thiếu ý chí phấn đấu, ngại hoặc không mặn mà tham gia sinh hoạt các tổ chức đoàn thể nên khó bồi dưỡng trở thành quần chúng ưu tú để phát triển đảng viên. Cùng với đó là một bộ phận thanh niên vướng vào tệ nạn xã hội nhất là tệ nạn ma túy, là tín đồ tôn giáo... Công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng để phấn đấu vào đảng ở một số chi bộ và đoàn thể vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một số đảng viên vẫn chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm của đảng viên đối với công tác vận động, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng để tạo nguồn phát triển đảng viên…

Cũng như các xã Húc và Tân Thành, Phường 3, thành phố Đông Hà nhiều năm liền cũng không đạt chỉ tiêu về phát triển đảng viên. Lý giải về thực trạng này, Bí thư Đảng ủy Phường 3 Mai Thị Kim Nhung cho biết: “Chỉ tiêu phát triển đảng viên của phường không đạt một phần do một số cấp ủy chi bộ chưa quan tâm đúng mức nguồn từ các đoàn thể chính trị - xã hội hay con em đảng viên, chưa sát sao trong việc chỉ đạo các đoàn thể rà soát, nắm quần chúng để bồi dưỡng, kết nạp… Công tác giáo dục, rèn luyện quần chúng ở một số chi bộ chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo được môi trường để quần chúng tu dưỡng, rèn luyện, học tập và trưởng thành”.

Nhìn chung, tỉ lệ kết nạp đảng viên ở chi bộ khu dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn chưa cao, nhiều chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên; chất lượng đảng viên tuy có tăng nhưng so với yêu cầu vẫn còn hạn chế về trình độ, chưa đa dạng các thành phần; tình trạng “già hóa” đảng viên ngày càng cao. Điển hình như Chi bộ thôn Thiện Tây, xã Hải Định, huyện Hải Lăng có 41 đảng viên, trong đó 2 đảng viên được miễn sinh hoạt, 4 đảng viên đi làm ăn xa, 32 đảng viên có mặt sinh hoạt; 9 đảng viên là cán bộ, công chức xã, còn lại là đảng viên cán bộ nghỉ hưu, lao động ở nông thôn.

Ông Lê Đức Thuần, Bí thư Chi bộ thôn Thiện Tây cho biết: “Nhiều năm liền, Chi bộ thôn Thiện Tây không đạt chỉ tiêu phát triển đảng viên nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, số lượng đảng viên. Nguyên nhân chủ yếu là đảng viên đang bị “già hóa”; trong khi đó, số lượng thanh niên ở địa phương không nhiều, phần lớn con em trong thôn sau khi học đại học, cao đẳng, trung cấp nghề đều làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xa quê, do đó việc lựa chọn đào tạo nguồn đảng viên kế cận là vấn đề rất khó”. Đối với thôn Ta Cu, xã Húc, huyện Hướng Hóa trong một nhiệm kỳ chỉ kết nạp được 1 đảng viên. Nguyên nhân sâu xa không đạt chỉ tiêu phát triển đảng viên là do tình trạng tảo hôn (bình quân mỗi năm có 1 - 2 cặp tảo hôn), sinh con thứ 3 khá phổ biến, một số thanh thiếu niên lêu lỏng, vướng vào tệ nạn ma túy. Một số quần chúng có ý chí phấn đấu vào đảng nhưng không viết được lý lịch, hồ sơ, tên tuổi không thống nhất. Có trường hợp học xong lớp nhận thức về đảng nhưng lại đi làm ăn xa, khó để theo dõi, kết nạp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu kết nạp đảng không đạt, trong đó chủ yếu là do một số quần chúng ở nông thôn mặc dù được tín nhiệm nhưng trình độ chưa đảm bảo, vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, liên quan đến lịch sử chính trị…. Việc lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ sau sáp nhập thôn, bản, khu phố, xã, phường, thị trấn gặp nhiều khó khăn do số lượng đảng viên đông, dàn trải, địa bàn rộng; các thiết chế văn hóa chưa đảm bảo yêu cầu thực tiễn ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, hội họp, tác động đến công tác phát triển đảng viên. Thiếu nguồn bồi dưỡng, kết nạp đảng tại chỗ, việc hướng dẫn làm thủ tục kết nạp đảng vẫn còn sơ sài; năng lực lãnh đạo của nhiều chi bộ còn hạn chế; một bộ phận quần chúng thanh niên nhất là thanh niên nông thôn thiếu sự phấn đấu để vào đảng; tình trạng tảo hôn, tệ nạn xã hội vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

Một số cán bộ làm công tác nghiệp vụ chưa nắm vững kiến thức chuyên môn, chưa thực sự sát sao trong hướng dẫn thực hiện nguyên tắc, quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên. Thiếu biên chế đối với cán bộ phụ trách công tác phát triển đảng viên. Một số địa phương, tổ chức đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên ở các thôn, khu phố chưa tổ chức được nhiều phong trào, hoạt động để thu hút, tập hợp đông đảo đoàn viên, thanh niên để tạo môi trường giáo dục, rèn luyện thanh niên phấn đấu vào đảng. Nhiều quần chúng là hội viên của các hội đoàn thể không muốn vào đảng, thiếu ý chí vươn lên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực hiện tốt vai trò nêu gương, suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật đã làm giảm niềm tin của quần chúng đối với Đảng.

Kăn Sương - Phi Cường

Bài 2: Đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp về phát triển đảng viên vào cuộc sống

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=157778&title=cach-lam-moi-trong-phat-trien-dang-vien-bai-1-kho-khan-trong-ket-nap-dang-vien-o-co-so