Ngành bia, rượu đề xuất đánh giá lại thuế tiêu thụ đặc biệt

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam và chuyên gia đề nghị cơ quan quản lý làm rõ tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống có cồn trước khi sửa đổi Luật.

Trước những tác động liên tiếp từ dịch Covid-19, Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông, cho đến xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân, thị trường đồ uống có cồn tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn nhất từ trước đến nay.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã công bố dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 80% vào năm 2026, tăng dần qua các năm và lên 100% vào năm 2030 đối với rượu trên 20 độ và bia. Với rượu dưới 20 độ, cơ quan này đề xuất mức thuế 50% từ năm 2026 và tăng lên cao nhất 70% vào năm 2030.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các mặt hàng rượu bia còn thấp, chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.

Dẫn chứng từ tính toán của WHO cho thấy thuế rượu, bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ. Trong khi đó ở nhiều quốc gia, tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40-85% giá thành.

Cần đánh giá cụ thể khuyến nghị của WHO

Tuy vậy, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết các doanh nghiệp rất bất ngờ với đề xuất này trong bối cảnh chồng chất khó khăn hiện nay.

Cụ thể, đại diện VBA cho biết hiệp hội tin rằng việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, hướng dẫn, khuyến nghị của WHO và các tổ chức liên quan khác là cần thiết khi xây dựng chính sách tại Việt Nam. Tuy nhiên, phương pháp, số liệu hay cách thức tính toán của WHO đến nay vẫn chưa được công bố cụ thể.

Theo VBA, giá bán lẻ rượu, bia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ kênh bán hàng (siêu thị, cửa hàng truyền thống), kênh tiêu thụ trực tiếp (nhà hàng, khách sạn), khu vực bán hàng (khu du lịch, khu giải trí, thành thị, nông thôn) cho đến mùa vụ (dịp lễ, Tết, cao điểm hè).

Vì vậy, quy trình thống kê để có được các số liệu hợp lý nhất trước khi đưa ra kết luận đòi hỏi sự am hiểu thị trường, cách thức phân phối, tiêu dùng tại Việt Nam.

 Nhiều nhà hàng, quán nhậu phải thu hẹp kinh doanh khi nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm sút. Ảnh: Thụy Trang.

Nhiều nhà hàng, quán nhậu phải thu hẹp kinh doanh khi nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm sút. Ảnh: Thụy Trang.

Trên thực tế, Việt Nam đang áp dụng tính thuế theo giá mà doanh nghiệp bán ra (thường là giá bán buôn). Do đó, VBA bày tỏ lo lắng liệu việc so sánh tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ với các quốc gia khác nhau có hợp lý hay không.

“Trước sự khác biệt về văn hóa, thói quen tiêu dùng, đặc điểm sản phẩm, mức thu nhập… giữa các quốc gia, khó có thể nhận định tỷ lệ thuế suất hiện nay là cao hay thấp. Các chính sách quản lý cũng phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm của mỗi quốc gia”, đại diện Hiệp hội chia sẻ.

Đối với đề xuất tăng thuế TTĐB mặt hàng rượu bia, có thể lên đến 100% vào năm 2030, nhằm đảm bảo giá bán rượu, bia tăng lên ít nhất 10% và tăng dần 2-3% vào những năm tiếp theo để tương ứng với mức lạm phát và thu nhập người dân, VBA cho rằng cần làm rõ cơ sở tính toán và các báo cáo đánh giá tác động toàn diện đi kèm, bao gồm cả đánh giá hiệu quả của những lần tăng thuế trước có đạt được mục tiêu đề ra hay không.

Kể từ năm 2010, thuế TTĐB áp dụng với bia, rượu trên 20 độ đã trải qua 4 lần tăng. Lần gần nhất vào năm 2018, mức thuế suất được nâng từ 60% lên 65% và giữ nguyên đến nay.

Đợt tăng thuế TTĐB lớn nhất trong lịch sử

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SBLaw, cho rằng cần xác định cơ sở tính toán từ khuyến nghị của WHO chuyển sang mức tăng thuế cụ thể cho mặt hàng rượu bia.

Trên thực tế, chưa có báo cáo toàn diện về tác động của đề xuất này tới mọi mặt của đời sống hay các tác động định lượng về thu ngân sách, nền kinh tế, rủi ro gia tăng tiêu dùng hàng lậu, ảnh hưởng sức khỏe, an sinh xã hội với các giải pháp đi kèm tầm nhìn và định hướng lâu dài.

“Tình trạng này khiến cơ sở tăng thuế lần này không rõ là để đạt mục tiêu gì và ban soạn thảo đã rút ra được những bài học kinh nghiệm nào từ các đợt tăng thuế trước”, ông nhận định.

 Luật sư Nguyễn Thanh Hà lưu ý dự thảo lần này là đợt tăng lớn nhất trong lịch sử thuế TTĐB đối với ngành rượu bia. Ảnh: NVCC.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà lưu ý dự thảo lần này là đợt tăng lớn nhất trong lịch sử thuế TTĐB đối với ngành rượu bia. Ảnh: NVCC.

Luật sư đồng thời cho biết việc công bố những đánh giá tác động toàn diện khi điều chỉnh tăng thuế TTĐB để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng vì ngành công nghiệp này có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng nên làm rõ việc thực hiện theo khuyến nghị của WHO có phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế của Việt Nam hay không và cơ sở nào để khuyến nghị này được luật hóa bằng đề xuất tăng cao như vậy.

Việc tổng số thuế phải trả quá lớn và lộ trình tăng thuế ngắn có thể khiến sản lượng của ngành giảm đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và các đối tượng liên quan như người lao động.

Ngoài ra, nền kinh tế có thể bị trì trệ một cách gián tiếp, gia tăng nguy cơ trốn thuế khi khoảng cách lợi nhuận giữa sản phẩm chính thống và bất hợp pháp rất lớn.

"Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt lần này là cú tăng sốc lớn nhất trong lịch sử tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu bia và người tiêu dùng", luật sư Nguyễn Thanh Hà lưu ý.

Nguy cơ hàng lậu, giá rẻ tràn lan

Hoạt động sản xuất, kinh doanh bia, rượu là một trong những ngành nghề có điều kiện do tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì vậy, mặt hàng này chịu nhiều ràng buộc từ Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thương mại điện tử và đặc biệt là Nghị định 100.

Về mặt lý thuyết, VBA đồng tình với quan điểm tăng giá bán sẽ giúp giảm cầu tiêu dùng bia, rượu. Song, đây cũng là cơ hội cho các sản phẩm rẻ tiền, thậm chí là hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hiệp hội cho rằng những sản phẩm nằm ngoài sự quản lý này là mối đe dọa và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe của người tiêu dùng, gây thất thu cho ngân sách và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chính thống.

Với Nghị định 100, VBA đánh giá chính sách đã được thực hiện gắt gao trong vài năm trở lại đây, qua đó đem lại nhiều hiệu quả tích cực cũng như làm giảm nhu cầu tiêu dùng mặt hàng đồ uống có cồn.

“Câu hỏi là tại sao phải tăng thuế cao nữa để tiếp tục giảm tiêu dùng. Liệu chúng ta có giảm được không, có bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng như mong đợi hay không. Đã có đánh giá hiệu quả của những lần tăng thuế đối với mục tiêu đề ra hay chưa”, đại diện Hiệp hội băn khoăn.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nganh-bia-ruou-de-xuat-danh-gia-lai-thue-tieu-thu-dac-biet-post1485427.html