Cách làm sáng tạo của giáo viên là chìa khóa cho công cuộc đổi mới
Sáng 16/3, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội có buổi giám sát việc thực hiện SGK, Chương trình GDPT mới tại trường học ở TPHCM.
Tại buổi giám sát ở Trường THCS Trần Quang Khải, Quận 12, TPHCM, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, dẫn đầu đoàn giám sát cho biết, những trao đổi qua buổi làm việc giúp ích rất nhiều cho đoàn giám sát khi có thêm những góc nhìn mới, nhìn thấy thêm các khó khăn từ các trường trong việc triển khai chương trình GDPT mới, SGK mới. Đặc biệt, qua công tác giám sát mới thấy kinh nghiệm, cách làm sáng tạo của giáo viên là chìa khóa cho công cuộc đổi mới.
Thách thức tô đậm thêm nỗ lực của đội ngũ giáo viên
Bà Mai Hoa nhìn nhận, trong công cuộc đổi mới, sự quyết tâm nỗ lực của đội ngũ giáo viên là rất đáng trân trọng. Chính những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo mà các thầy cô đã chia sẻ ở từng phân môn, tổ bộ môn đã cho đoàn niềm tin rất lớn cho công cuộc đổi mới giáo dục.
"Công cuộc đổi mới không bao giờ là dễ, không chỉ toàn màu hồng, lực cản về điều kiện triển khai và thực hiện là không hề nhỏ. Chúng tôi chia sẻ những thách thức này với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Mục tiêu lớn, kỳ vọng vô cùng cao nhưng tiến độ thực hiện và triển khai chương trình là khá gấp rút nên chúng ta buộc phải thực hiện việc cuốn chiếu trong 5 năm để sớm tiệm cận với sự hoàn thiện.
Trong giai đoạn qua chúng ta phải tận dụng những đồ dùng dạy học cũ, huy động mọi nguồn lực để đáp ứng cho điều kiện dạy và học còn nhiều thiếu thốn.
Đây là thực tế nhìn thấy, nhưng sự bức thiết trong tiến trình đổi mới là đòi hỏi của thực tế của xã hội. Đòi hỏi ấy mang lại rất nhiều khó khăn, trở ngại cho giáo viên. Nhưng quan trọng là chúng ta đã và đang đi những bước đầu tiên bằng chính sự cố gắng từng ngày, từng giờ. Chính điều này đã mang lại cho chúng ta niềm tin lớn về sự thay đổi" - bà Mai Hoa nhấn mạnh.
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, ông Đinh Văn Thịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải, Quận 12, TPHCM nhìn nhận, dù có sự chuẩn bị rất lớn nhưng khi bước vào triển khai chương trình GDPT mới nhà trường cũng gặp không ít khó khăn và thách thức.
Theo hiệu trưởng, Trường THCS Trần Quang Khải được xây dựng đã 24 năm, sĩ số học sinh hiện quá đông nên đang rất thiếu phòng học đa năng. Trường cũng không có phòng học STEM, phòng học Nghệ thuật; một số phòng bộ môn KHTN, tiếng Anh cũng thiếu nên ít nhiều cũng tác động đến việc dạy và học theo chương trình của giáo viên.
Hiện tượng thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại ở môn Công nghệ, Thể dục, Kỹ thuật nông nghiệp (5 năm tuyển không được buộc phải phân giáo viên môn Sinh qua dạy), Tin học. Tuy vậy, để không làm gián đoạn việc dạy học, nhà trường đã khắc phục bằng nhiều giải pháp như mời giáo viên thỉnh giảng, yêu cầu giáo viên bộ môn tăng tiết (hưởng phụ cấp).
"Tình trạng giáo viên vài môn bị thiếu đã được khắc phục. SGK của học sinh đầy đủ, duy chỉ có tài liệu giáo dục địa phương là chưa có nhưng bù lại chúng tôi có tài liệu của TPHCM cho học sinh lớp 7 (đã được phê duyệt) nên trường căn cứ vào đó để soạn giáo án. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng được trường linh hoạt thực hiện thông qua nhóm giáo viên với nền tảng nòng cốt là giáo viên Ngữ văn cùng sự hỗ trợ của giáo viên phân môn" - hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Chia sẻ với nhà trường, Phòng Giáo dục Quận 12 nói riêng, TPHCM nói chung, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, dù khó khăn đến mấy, tập thể đội ngũ CBQL, giáo viên cần phải tiếp tục đặt niềm tin, tin tưởng tuyệt đối vào mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
"Quyết tâm thôi chưa đủ, chúng ta vẫn cần phải có giải pháp, giải pháp thì không của riêng ai mà của tất cả tập thể. Tính tự chủ của giáo viên, nhà trường là việc cần phải phát huy và đẩy mạnh hơn. Bởi bối cảnh vừa qua đã cho thấy việc tự chủ, chủ động đánh giá, chia sẻ những mô hình điển hình, cách làm từ nhà trường, thầy cô giáo với nhau để nhân rộng hơn những giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện giảng dạy, triển khai chương trình GDPT mới là cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa lớn" - bà Mai Hoa nhấn mạnh.
Giáo viên và nhà trường chủ động sẽ giúp tháo gỡ khó khăn
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, ngành giáo dục đang khai thác rất tốt các điều kiện đảm bảo, sắp tới khi thời gian ổn định chúng ta sẽ có đầy đủ. Nhưng trong các điều kiện ấy thì con người phải là yếu tố then chốt hàng đầu.
"Phòng ốc thiếu rồi sẽ đủ, nhưng tâm huyết, sự kiên trì, trách nhiệm, sự toàn tâm toàn ý của đội ngũ giáo viên cần được phát huy tốt hơn nữa. Nếu chúng ta không làm tốt việc này, khó khăn dồn lên vai người giáo viên, họ có thể bỏ việc vì nản, vì áp lực. Chương trình GDPT mới trao quyền tự chủ rất lớn cho các trường, đây là điểm nhấn rất lớn giúp cho các trường, giáo viên được chủ động trong việc thực hiện đổi mới, đưa vào các sáng tạo trong hoạt động giáo dục… giúp việc đổi mới tiến tới nền tảng thành công" - bà Mai Hoa nhắn nhủ.
Cô Trương Thị Nhung, giáo viên đứng lớp môn KHTN cho biết: SGK, học liệu giảng dạy không đáng lo ngại, bởi ngay từ đầu năm nhà trường đã chuẩn bị và trang bị đầy đủ, sự chậm trễ chủ yếu do đơn vị cung cấp thiết bị. Trước khi thực hiện chương trình lớp 7, giáo viên đã có đường link sách để nghiên cứu chuẩn bị và soạn bài giảng.
Cô Nhung đánh giá cao điểm mới của chương trình GDPT mới, khi sự chủ động của tổ chuyên môn là rất cao, có thể chủ động xây dựng từng chủ đề, chuyên môn bài học phù hợp với mục tiêu tiết học, phát huy được vai trò của người giáo viên và sự chủ động của học sinh.
"Vai trò của giáo viên trong chương trình GDPT mới là điều hành, tổ chức, khơi gợi cho học sinh những góc nhìn vấn đề, qua đó giúp học sinh tự tìm tòi, sáng tạo và làm ra các sản phẩm.
Ngoài chủ động về hoạt động chuyên môn, hoạt động kiểm tra đánh giá của chương trình GDPT mới cũng thay đổi (bằng nhiều hình thức chứ không chỉ một hình thức tự luận như xưa), cũng đảm bảo cho việc phát triển toàn diện cho học sinh, giúp các em tự tin hơn thông qua các hoạt động vấn đáp, kiểm tra chuyên đề, đánh giá tiết học....
Nhằm nâng cao chất lượng, đổi mới và linh hoạt phương pháp qua từng tiết dạy, mỗi tháng tổ chuyên môn sẽ họp thảo luận 2 lần để tìm hướng thực hiện xây dựng tiết giảng, bài giảng, soạn giảng theo từng chủ đề phân ra. Với chủ đề lý, hóa, sinh, nghiêng về hướng nào thì giáo viên chính môn đó sẽ hướng dẫn cho giáo viên xây dựng bài giảng phù hợp với từng lớp, để có thêm hướng đi đúng hơn, tự tin hơn", cô Nhung chia sẻ.
Đồng quan điểm, cô Thu Loan, tổ trưởng tổ bộ môn Lịch sử, Địa Lý đánh giá: Hình thức giảng dạy, SGK mới đa dạng, đáp ứng được trực quan của học sinh, giúp học sinh chủ động, nghiên cứu… Với các môn hoạt động trải nghiệm có cả ban giám hiệu, tổng phụ trách, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy đều tham gia, học sinh rất hào hứng.
Với tài liệu giáo dục địa phương, giáo viên không được đào tạo, nhưng nhà trường phân giáo viên Ngữ văn tìm hiểu tài liệu…soạn cho học sinh tài liệu học tập để phụ huynh tham khảo. Tài liệu được cập nhật các nội dung rất cơ bản, học sinh hứng thú, giáo viên cũng rất thích vì nội dung bám sát thực tiễn cuộc sống.
"Để có những buổi lên lớp chất lượng, giáo viên cốt cán của trường đã hướng dẫn lại giáo viên thông qua các cuộc họp tổ, thao giảng, thực hiện các chuyên đề, họp chuyên môn để rút kinh nghiệm. Qua đó hoàn thiện hơn về các tiết dạy. Ngoài ra, sự chia sẻ tài liệu, kinh nghiệm của các tổ bộ môn từ các trường khác…cũng đã giúp giáo viên ngày càng bớt bỡ ngỡ"- cô Loan cho biết.