Cách ly
Không phải chuyện cách ly những người nghi nhiễm virus corona, vẫn đang là dòng tin tức nóng sốt hơn tháng qua. Khiến người người hoang mang, hoảng sợ. Tôi thật không muốn nói thêm chút nào nữa về chuyện này. Quá đủ rồi! Năm 2008, vụ tấn công khủng bố ở Mumbai (Ấn Độ) đã giết chết 200 người.
Dẫn lại vụ này trong cuốn “Nghệ thuật tư duy rành mạch” (NXB Thế giới, 2016), tác giả Rolf Dobelli nhẩm tính chừng 1 tỷ người (của Ấn Độ chẳng hạn) bỏ ra 1 tỷ giờ để theo dõi đủ thứ tin tức cập nhật, “bình loạn” liên quan, đem quy đổi ra sẽ lãng phí khoảng 2.000 cuộc đời – lớn gấp 10 lần số người chết trong vụ khủng bố!
Dobelli cũng “thí nghiệm” bằng cách tự cách ly mình khỏi mọi thứ tin tức dưới bất kể hình thức nào trong suốt 3 năm. Và kết luận rằng mình “sống khỏe” hơn rất nhiều, cả thể chất lẫn tinh thần, cũng như việc thu nhận các kiến thức khác. Rằng “Hai thế kỷ trước, chúng ta phát minh một loại hình kiến thức độc hại có tên là “tin tức”. Tin tức với bộ não cũng giống như đường với cơ thể ta vậy: gây thèm muốn, dễ tiêu hóa – và có tính hủy hoại cao về lâu dài”.
Hôm qua (15/2), mở Google chúng ta thấy giao diện trang chủ là hình ảnh một nhóm người đủ màu da, giới tính, lứa tuổi đang ngồi bên nhau mải mê vẽ tranh. Một hình ảnh thật thanh bình, đầm ấm. Mà nếu không để ý sẽ không biết rằng đó chính là những bệnh nhân tâm thần phân liệt. Họ sống vào thời điểm trước những năm 50 của thế kỷ trước.
Thời mà người bệnh tâm thần bị giam nhốt, liên tục bị hôn mê bởi liệu pháp tiêm insulin liều lượng cao, liên tục bị sốc điện vào não để giúp “lấy lại ý thức”. Trước khi người ta chế ra các loại thuốc an thần. Nữ bác sĩ tâm thần người Brazil - Nise da Silveira (1905-1999) là người đầu tiên sử dụng liệu pháp vẽ tranh để chữa bệnh tâm thần phân liệt.
Họ được đưa ra khỏi các trại tế bần bẩn thỉu, không còn bị cách ly, không còn bị chữa bệnh một cách đầy hành xác đau đớn. Họ trở thành những con người tự do, tuyệt đối, cả cơ thể và tâm thức.
Google Doodle hôm qua kỷ niệm 115 năm ngày sinh nữ bác sĩ ấy. Và giờ đây tại Rio de Janeiro (Brazil) có một bảo tàng độc nhất vô nhị mang tên Bảo tàng Hình ảnh Vô thức (Museu de Imagens do Inconsciente) trên nền của Trung tâm tâm thần xưa kia.
Bác sĩ Nise da Silveira lập ra bảo tàng này từ những năm 1940, nơi trưng bày hơn 35.000 bức tranh của bệnh nhân tâm thần. Bạn hãy vào trang web của bảo tàng để ngắm tranh của những người điên.
Những bức tranh thật hiền lành với nhiều màu xanh, màu vàng tươi ấm áp. Điều thật khó có được với những con người được cho là bình thường chúng ta. Đầu óc, suy tư của nhiều người chúng ta tối tăm, lạnh lẽo và hoang mang hơn nhiều.
Cứ than thở “bao giờ mình so được với các nước văn minh”, nhưng người ta đi đâu cũng cầm theo cuốn sách, còn mình thì nhoay nhoáy suốt ngày với mạng xã hội, chia sẻ, phát tán đủ thứ tin tức thật giả lộn sòng. Nếu làm phép tính như Rolf Dobelli, thì đã có bao nhiêu cuộc đời bị hủy hoại một cách vô bổ?
So với số người chết vì Covid-19, chẳng hạn.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/cach-ly-1519980.tpo