Cách ly F1 tại nhà, làm sao để an toàn?
Không phải tất cả các trường hợp F1 đều được cách ly tại nhà; cách thức cách ly cũng yêu cầu chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng
Hiện cả nước có hơn 170.000 người đang phải cách ly y tế, trong đó gần 40.000 người cách ly tại bệnh viện và cơ sở tập trung. Điều này đang tạo áp lực cho việc quản lý cách ly, tăng nguy cơ nhiễm chéo, cũng như gánh nặng về tài chính, nhân lực.
F1 tăng hàng ngàn ca/ngày
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), tính đến hết ngày 19-6, TP có hơn 1.700 ca Covid-19, trong đó hơn 1.450 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, số còn lại là ca bệnh nhập cảnh và lây trong khu cách ly. TP cũng đang thực hiện cách ly hơn 32.000 người, trong đó: hơn 12.260 người đang cách ly tập trung, hơn 20.000 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú. Những ngày qua, số ca nhiễm mới tại TP HCM liên tục tăng với hơn 100 ca mỗi ngày, kéo theo hàng ngàn người phải cách ly tập trung.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết ngành y tế TP đang tính đến việc thí điểm cách ly tại nhà đối với F1. Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang triển khai thí điểm việc này. TP HCM có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà ở một số khu vực, bởi nếu cách ly tại nhà sẽ giúp người bị cách ly có tâm lý thoải mái hơn vì vẫn được ở chung với người thân. Trước đây, trường hợp F1 sẽ được cách ly tại những điểm cách ly tập trung. Tuy nhiên, sau khi việc thí điểm cách ly F1 tại nhà được triển khai, kỳ vọng sẽ giúp giảm tải, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung. Ngoài ra, nếu F1 được cách ly tại nhà sẽ giảm tải cho cơ sở y tế khi phải chuẩn bị cơ sở vật chất để cách ly tập trung nếu số lượng F1 tăng cao.
Việc cách ly tại nhà là phương án đã được Bộ Y tế tính đến khi số trường hợp F1 phải cách ly tăng gấp nhiều lần trong đợt dịch này khiến sức ép đè nặng lên các khu cách ly tập trung. Điều này đòi hỏi phải có phương thức thay đổi cho phù hợp tình hình mới. "Tiếp tục cách ly tập trung các F1 thì chúng ta sẽ phải mở rộng quy mô khu cách ly tập trung, nếu như số ca mắc lên đến hàng ngàn ca, hàng chục ngàn ca mỗi ngày. Điều này dẫn đến những gánh nặng cực kỳ lớn và không phải lựa chọn khôn ngoan nhất" - một chuyên gia y tế nhận định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP HCM, cho rằng khi dịch lan rộng, số lượng điểm cách ly hạn chế, bên cạnh đó, điều kiện thực hiện không tốt sẽ lây nhiễm chéo ở tại các khu này. Do đó, Bộ Y tế đã bàn bạc và xây dựng phương án đến khi khu cách ly tập trung không đáp ứng nổi thì triển khai biện pháp cách ly với đối tượng F1 tại nhà. Cách ly tại nhà cũng phải bảo đảm chăm sóc y tế giống như các khu cách ly tập trung, đồng thời xét nghiệm theo dõi cũng phải thực hiện nghiêm.
Phân loại kỹ, không làm đại trà
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về thí điểm cách ly F1 tại nhà đối với 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, tại thời điểm các F1 tăng quá cao. Song việc áp dụng cách ly tại nhà với các F1 không thể đại trà, mà cần được phân loại rất kỹ. Những người tiếp xúc rất gần và có nguy cơ cao vẫn phải cách ly tập trung. "Chỉ người tiếp xúc ở khoảng cách xa với ca F0 mới có thể được cách ly tại nhà" - ông Tuyên nhấn mạnh.
Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất để cách ly tại nhà cũng phải bảo đảm, như: gia đình có phòng riêng, thoáng và điều kiện vệ sinh riêng biệt; quá trình cách ly F1 không tiếp xúc các thành viên khác trong gia đình; tuyệt đối không ra ngoài; thực hiện theo dõi thân nhiệt ngày 2 lần và lấy mẫu xét nghiệm như trong khu cách ly tập trung. Người cách ly tại nhà phải ký cam kết thực hiện các biện pháp như cách ly ở điểm tập trung và nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Quá trình cách ly F1 tại nhà, chính quyền cũng phải cử người giám sát, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và bảo đảm đủ thời gian cách ly như cách ly tập trung. Nguyên tắc chung về cách ly y tế khi phòng dịch tại KCN là ưu tiên cách ly tại chỗ, hạn chế di chuyển người lao động ra các khu vực không có dịch.
PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khuyến cáo trong trường hợp nếu dịch bệnh lây sang KCN như Bắc Giang, Bắc Ninh… thì cần có những biện pháp ứng phó phù hợp, linh hoạt, sáng tạo thay vì áp dụng theo đúng những hướng dẫn đã có. "Đơn cử, trong một nhà máy, khi có ca nhiễm thì toàn bộ công nhân nhà máy đó được coi là F1 và được xét nghiệm mẫu đơn, phải cách ly tập trung. Tuy nhiên, thay vì áp dụng máy móc như vậy, chúng ta cần phân loại F1 thành nhóm nguy cơ cao là người làm cùng bộ phận, phân xưởng và những F1 ít nguy cơ hơn để từ đó áp dụng kết hợp xét nghiệm PCR mẫu đơn, xét nghiệm nhanh, xét nghiệm mẫu gộp nhiều mẫu đơn, cũng như có thể thực hiện cách ly tập trung đối với F1 nguy cơ cao; cách ly nghiêm ngặt tại nhà đối với F1 nguy cơ thấp như chúng ta đã cách ly tại nhà đối với F2" - ông Phu nói.
Để việc cách ly F1 tại nhà được hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng trước hết người dân cần được trang bị kiến thức kỹ lưỡng về dịch bệnh, hướng dẫn biện pháp bảo đảm an toàn. Điều quan trọng nhất là người cách ly phải có thái độ chấp hành cách ly nghiêm túc, theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế. Cần bắt buộc F1 cách ly tại nhà phải ký cam kết không vi phạm quy định.
PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: Giám sát chặt chẽ tại nhà
Hiện nay, dịch tại TP HCM có tính chất lây lan rộng với nhiều ca mắc. Nếu tiếp tục thực hiện cách ly tập trung tất cả các trường hợp F1 sẽ bị quá tải khu cách ly (nhiều trường hợp cách ly trong một phòng, chung nhà vệ sinh, nhà tắm…, thiếu người quản lý, phục vụ khu cách ly, tốn kém kinh phí…) dẫn tới lây chéo trong khu cách ly. Tuy nhiên, dù cách ly tại nhà hay tập trung vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt quy định của Bộ Y tế và đặc biệt lưu ý một số quy định cách ly tại nhà như: có phòng riêng; người được cách ly và người nhà phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tiếp xúc với người nhà…. Việc cách ly F1 tại nhà ở TP HCM có thể dễ hơn vì Bắc Giang, Bắc Ninh chỗ ở của công nhân rất chật chội, đông người trong một nhà trọ, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Dù cách ly với mô hình nào thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát chặt và theo dõi sức khỏe người cách ly tại nhà.
Bác sĩ NGÔ HÙNG (TP HCM): Cuộc sống người dân sẽ xáo trộn
Dù cách ly tập trung hay cách ly tại nhà đối với F1 thì nguy cơ lây nhiễm chéo luôn hiện hữu. Sự phát tán của virus rất nhanh và rất rộng, chúng ta chỉ có thể hạn chế phần nào sự lây lan nếu có người nhiễm bệnh.
Mật độ dân số ở TP HCM rất cao, phần lớn cư ngụ trong nhà ống, môi trường khá kín, mọi người dùng chung không gian và phòng ốc khá hẹp. Một người bị cách ly trong nhà thì cuộc sống cả gia đình sẽ xáo trộn, người nhà cũng không nắm bắt được những kiến thức y tế chuyên môn để chăm sóc cho người bị cách ly. Số lượng F1 cách ly tại nhà càng lớn thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng càng cao. Ứng phó với vấn đề này, chính quyền địa phương, hệ thống y tế cơ sở phải chuẩn bị lực lượng rất lớn, công tác hậu cần chu đáo. Nếu lơ là, không kiểm soát nghiêm ngặt người cách ly thì dễ phát sinh những ổ dịch mới trong
cộng đồng.
N.Dung - H.Nghi ghi
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/cach-ly-f1-tai-nha-lam-sao-de-an-toan-20210619221657676.htm