Cách ly tốt sẽ chặn nCoV
Những ngày gần đây, tỉnh ta đã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức cách ly những người liên quan để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra .
Ngày 5.2, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc cách ly phòng chống dịch nCoV. Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống nCoV của tỉnh ban hành hướng dẫn giám sát dịch bệnh này.
Thực hiện các chỉ đạo của cấp trên, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đồng loạt tổ chức cách ly với những người liên quan.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cách ly còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Khó khăn đầu tiên xuất phát từ số lượng người thuộc diện phải cách ly khá nhiều. Theo chỉ đạo của tỉnh, đối tượng phải cách ly là các trường hợp nhập cảnh vào Hải Dương đến hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam.
Cụ thể hơn, những trường hợp nghi nhiễm nCoV lập tức phải cách ly tuyệt đối tại các cơ sở y tế. Những trường hợp nhập cảnh đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) phải coi như trường hợp nhiễm bệnh và phải khoanh vùng, cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Với những trường hợp khác phải cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, không để những trường hợp này ra khỏi nhà, cơ sở lưu trú và tiếp xúc với người xung quanh. Đối với những người sống trong gia đình, làm việc trong cơ sở lưu trú có người bị cách ly thì thực hiện các biện pháp phòng bệnh, hạn chế tối đa tiếp xúc với người bị cách ly và với bên ngoài.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 8.2, toàn tỉnh đã theo dõi sức khỏe đối với 1.471 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam chưa qua 14 ngày và những người này đều có sức khỏe bình thường. Những người bị cách ly trong thực tế nhiều khả năng còn lớn hơn con số nêu trên.
Những trường hợp bị cách ly đồng nghĩa với cuộc sống bị đảo lộn, phải sống trong cơ sở y tế hoặc nơi ở, nơi cư trú, điều kiện sinh hoạt gò bó và phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nCoV. Do vậy, khi các cơ quan chức năng triển khai cách ly, một số trường hợp không đồng tình, buộc phải cưỡng chế.
Tại một số địa phương, do số lượng người cách ly nhiều (chủ yếu là người Trung Quốc) trong khi thiếu người phiên dịch nên việc tổ chức cách ly, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở nơi cách ly… có nhiều vướng mắc, lúng túng.
Để quá trình cách ly bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về y tế và an ninh, các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ. Việc này cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lực lượng công an, y tế, quản lý lao động, các doanh nghiệp có người cần cách ly… Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã xảy ra trường hợp một bệnh nhân nghi nhiễm nCoV đi ra ngoài khu vực cách ly, có một phần nguyên nhân do sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa tốt.
Cách ly nguồn bệnh hoặc nguồn nghi nhiễm bệnh là biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn dịch nCoV. Tổ chức cách ly chính là một “mặt trận hàng đầu” trong phòng chống dịch nCoV hiện nay. Các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện thật nghiêm túc nhiệm vụ này. Những nơi nào còn lơ là, chủ quan trong thực hiện cách ly cần phải xử lý nghiêm.
Khi tổ chức cách ly, cần coi trọng công tác tuyên truyền, vận động với những người bị cách ly để họ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, tác dụng của việc này, không được có thái độ, hành vi kỳ thị với người Trung Quốc. Trường hợp sau khi đã tích cực tuyên truyền, vận động mà người bị cách ly vẫn không hợp tác thì mới cưỡng chế.
Những người bị cách ly cần hiểu rõ thực hiện cách ly vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của mình, tự giác thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng để góp phần ngăn chặn dịch nCoV.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/cach-ly-tot-se-chan-ncov-127876