Cách ly xã hội là biện pháp quan trọng trong giai đoạn 3
Theo các chuyên gia, cách ly xã hội là biện pháp có tác dụng nhất, quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Nếu không quyết liệt, nỗ lực chống dịch của Việt Nam sẽ 'đổ sông đổ biển'.
Từ 0h ngày 1/4, Việt Nam thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trong những ngày đầu, người dân thực hiện khá tốt lệnh cách ly, giãn cách xã hội. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có hiện tượng tụ tập, không đeo khẩu trang ở những nơi đông người.
Zing đã ghi nhận tại Hà Nội hình ảnh một số người cao tuổi (nhóm có nguy cơ cao nhất) lại tụ tập chơi cờ tướng, không đeo khẩu trang tại khu vực vườn hoa phố Lê Thánh Tông. Trên phố Trung Phụng, một vài quán trà đá vẫn mở cửa. Khách hàng ngồi nói chuyện thành từng nhóm trên vỉa hè và không đeo khẩu trang.
Ở TP.HCM, quán nhậu ở khu Trung Sơn (quận 7) vẫn có hàng chục người dân tới ăn uống cùng lúc. Một số quán nhậu trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1) cũng là nơi thu hút các dân nhậu đổ về.
Một quán cà phê trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) với diện tích nhỏ, chật hẹp nhưng lại có đến hàng chục khách ra vào, ngồi san sát nhau, không tuân theo quy định khoảng cách an toàn 2 m.
Tập trung đông người là hành động nguy hiểm
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), đánh giá việc tụ tập đông trong thời gian giãn cách xã hội là hành động nguy hiểm.
"Khi tụ tập đông, nguồn lây dễ phát tán hơn vì bạn không thể biết được bao nhiêu người đó họ từ đâu đến, có đảm bảo việc mang khẩu trang, rửa tay hay không. Nếu chúng ta vô tình bị lây nhiễm hoặc lây cho người khác, sau đó có thể phát tán virus cho cả gia đình. Khi đó, việc kiểm soát càng khó khăn hơn", BS, Khanh cho hay.
TS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ, cũng đánh giá cách ly, giãn cách xã hội là biện pháp quyết liệt, hiệu quả để ngăn chặn con đường lây lan của SARS-CoV-2. Chúng ta có thể thấy rõ qua ví dụ cụ thể từ một số nước như người đàn ông ở Nhật Bản làm lây lan virus khi đến nhiều quán rượu, khiến tỉnh Aichi có số ca mắc Covid-19 lớn thứ 2 tại nước này. Một sự kiện cầu nguyện tại thánh đường Hồi giáo ở Kuala Lumpur, Malaysia với khoảng 16.000 người tham dự được cho là nguồn lây lan virus gây bệnh Covid-19 tại nhiều nước Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, ổ dịch ở bar Buddha là ví dụ điển hình khẳng định nguy cơ lây nhiễm khi tập trung đông người. Một người trong đám đông mang mầm bệnh không kiểm soát được sẽ lây nhiễm cho rất nhiều người ở nơi họ đến và những người họ tiếp xúc. Việc truy tìm lúc này càng khó khăn hơn.
Bác sĩ Khanh cũng cho biết thời gian gần đây số ca mắc Covid-19 mới tại Việt Nam giảm là tín hiệu vui. Tuy nhiên, điều đó chưa có giá trị dịch tễ và chưa thể đánh giá toàn diện được tình hình. Đặc biệt, nhiều ca bệnh gần đây có tiền sử dịch tễ phức tạp.
Bên cạnh đó, chúng ta còn đang đối mặt với thách thức về việc chưa kiểm soát được nguồn lây lan trong cộng đồng. Điều này khiến việc tuân thủ nghiêm giãn cách xã hội là cần thiết hơn bao giờ hết.
“Nếu mọi người đều thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, tuân thủ khuyến cáo chúng ta mới có thể chiến thắng. Chỉ sau vài ngày thực hiện nghiêm túc, chúng ta lại tụ tập, không tuân thủ cách ly, chẳng khác nào 'đổ sông đổ biển' tất cả công sức từ trước đến nay.
Để giải quyết triệt để những thách thức này, đòi hỏi mọi người chúng ta cùng tuân thủ, cùng thực hiện vì đây không còn là trách nhiệm của riêng cá nhân, tổ chức nào nữa”, bác sĩ Khanh cho biết.
Cách ly xã hội là bước đi chiến lược quan trọng
Theo TS.BS Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cách ly xã hội không có nghĩa phải cô lập bản thân mà là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, không phải phong tỏa xã hội.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết chúng ta đang bước vào thời gian chống dịch ở giai đoạn 3. Nhiều biện pháp được thực hiện quyết liệt trong giai đoạn 1, chúng ta làm khá tốt như phát hiện ca đầu tiên tại Việt Nam, điều trị ngay, không để lây lan.
"Trong giai đoạn 3, khi có xuất hiện lây lan virus trong cộng đồng, đặc biệt là việc mất dấu F0 ở Bệnh viện Bạch Mai hay trường hợp người đàn ông ở Mê Linh, việc cách ly cộng đồng là biện pháp có tác dụng nhất, quan trọng trong giai đoạn hiện nay", ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS.BS. Đỗ Thái Hùng cho rằng đây là bước đi chiến lược quan trọng, quyết định trong “trận đánh” chống lại “giặc" Covid-19. Thời điểm này là cơ hội để áp dụng các biện pháp cấp bách, bảo vệ sức khỏe, tính mạng toàn dân.
Hiện tại, nhiều nước đều áp dụng biện pháp này ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, Việt Nam đã đi trước một bước so với các nước. Đây là chiến lược đúng đắn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
“Thời hạn hiện tại rất mong manh. Nếu kiểm soát tốt, chỉ thời gian ngắn chúng ta có thể ngăn chặn được. Nhưng một bộ phận không thực hiện, còn ngọn lửa nhen nhóm trong cộng đồng không dập tắt thì có thể bùng lửa lên. Việc cách ly xã hội sẽ mất đi hiệu quả, làm thời gian cách ly kéo dài hơn, thậm chí dẫn đến thất bại. Cuối cùng, chúng ta mất đi toàn bộ công sức đã nỗ lực”, TS. Lê Quốc Hùng nói.