'Cách mạng công nghệ phải đi liền với cách mạng thể chế'
Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cách mạng về thể chế, thay đổi các vấn đề liên quan đến luật pháp, quan hệ tài sản, quyền lực trên môi trường kinh tế số.
Đó là nội dung được TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - trao đổi tại Hội thảo quốc tế “Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số” diễn ra mới đây. Tại hội thảo, các chuyên gia đã nhìn nhận tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với mọi quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển đã đánh giá những cơ hội trước mắt cho phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Thách thức của xã hội thúc đẩy chuyển đổi số
Ông Trần Đình Thiên nhận định, chính những khó khăn, thách thức hiện nay đã đưa nền kinh tế truyền thống chuyển dịch sang kinh tế số, đẩy mạnh mô hình thương mại và thanh toán điện tử cũng như các dịch vụ số. Trên thực thế, môi trường số đã giải quyết hầu hết vấn đề của con người, được thể hiện rõ nhất trong đại dịch COVID-19. Trải qua đợt cách ly chưa từng có trong lịch sử, loài người đã nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì kết nối thông qua nền tảng số. Nhờ đó, cuộc sống đã thay đổi mọi phương diện, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đển quản lý nhà nước.
“Sự thay đổi đó khẳng định rằng kinh tế số đang dần thay thế nền kinh tế vật thể. Nền kinh tế vật thể muốn tồn tại được phải số hóa, phải được tích hợp với nền kinh tế số” – ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi tất yếu, ông Trần Đình Thiên cho rằng nguồn lực thay đổi dẫn đến cấu trúc quyền lực thay đổi, từ đó tổ chức điều hành cũng phải thay đổi. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp đều phải thay đổi tư duy để có cơ chế vận hành hợp lý hơn, nhất là trong bối cảnh công nghệ có xu hướng thay thế con người trong tương lai.
Khác với những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đều nằm trong khuôn khổ nền kinh tế vật thể, thời đại tích hợp kinh tế số đã và đang tạo ra cơ hội rất lớn trong lịch sử, đánh dấu bước ngoặt lớn cho những quốc gia phát triển sau như Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đặt ra cho những nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.
Hội thảo quốc tế do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (USB) và Viện Phát triển doanh nghiệp tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chính phủ nào số hóa nhanh hơn sẽ thắng
Theo ông Nguyễn Đình Thiên, bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cách mạng về thể chế, thay đổi các vấn đề liên quan đến luật pháp, quan hệ tài sản, quyền lực trên môi trường kinh tế số. Với cấu trúc phức tạp, liên quan mật thiết tới nhu cầu của con người, nền kinh tế số đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, từ công nghệ, hệ thống nguồn lực đến nhu cầu của con người.
Theo đó, ông Trần Đình Thiên đưa ra kết luận: “Quốc gia nào muốn chuyển dịch sang kinh tế số thì phải biết bỏ qua những nỗ lực đã tập trung cho nền kinh tế vật thể”.
Cụ thể, ông nhấn mạnh sự đào tạo nhân lực, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, chính phủ số, đặc biệt là sự chuẩn bị tốt liên kết cho cơ sở hạ tầng thông tin để chuyển giao công nghệ.
“Trong bối cảnh đó, chính phủ nào số hóa nhanh hơn sẽ thắng” – ông Trần Đình Thiên khẳng định.
Theo ông, Việt Nam đang triển khai rất thành công và quyết liệt mô hình Chính phủ điện tử ở cấp Trung ương, có thể đây là biểu hiện quan trọng nhất để khởi động nền kinh tế số. Ông cũng nhấn mạnh, Chính phủ phải là người đi đầu, dẫn dắt và tổ chức xã hội tham gia vào nền kinh tế số của thế giới.
Tại Hội thảo, ông Trần Đình Thiên cũng đưa ra đề xuất “giải cứu” những doanh nghiệp nhỏ, dành một nguồn lực giúp nền kinh tế phát triển cũng như mong muốn có những thay đổi về chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. “Có thể nói, làm được như vậy là Việt Nam đang đi một bước rất cơ bản để đặt chân bước vào quỹ đạo của nền kinh tế số của toàn cầu”.