Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Ngành tài chính phát triển nền tảng chia sẻ dữ liệu

Trong những năm qua, nhiều chính sách, giải pháp đã được Bộ Tài chính thực hiện nhằm thích nghi, tận dụng lợi thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các chuyên gia cho rằng, lĩnh vực tài chính sẽ chịu ảnh hưởng mạnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh minh họa. TTXVN

Các chuyên gia cho rằng, lĩnh vực tài chính sẽ chịu ảnh hưởng mạnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh minh họa. TTXVN

Theo Bộ Tài chính trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, ngành tài chính đã tập trung phát triển các nền tảng chia sẻ dữ liệu đồng thời tăng cường xây dựng, khai thác dữ liệu lớn và dữ liệu mở tạo nền tảng cho việc tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong chuyển đổi sang nền tài chính số hiện đại tại Việt Nam.
Đánh giá về tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các chuyên gia cho rằng, lĩnh vực tài chính được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng mạnh với một số cơ hội, thách thức như: chính sách tài chính và công tác quản lý cho đối tượng quản lý mới được tạo ra từ các hệ thống kinh doanh số; nâng cao chất lượng quản lý kinh tế vĩ mô, cho phép theo dõi và thay đổi kế hoạch tài chính theo thời gian thực trên dữ liệu thực và dữ liệu lớn.
Trong những năm qua, nhiều chính sách, giải pháp cũng đã được Bộ Tài chính thực hiện nhằm thích nghi, tận dụng lợi thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đó là, tiếp tục mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng cho các doanh nghiệp, mở rộng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử; kết nối thông tin nộp thuế điện tử giữa các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và các ngân hàng thương mại...
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, đến nay, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống cổng thông tin điện tử ngành là 973 thủ tục; trong đó 507 thủ tục hành chính đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4; tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến của toàn ngành đạt 97% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận…
Bên cạnh đó, đã duy trì, vận hành ổn định các hệ thống thông tin “cốt lõi” ngành tài chính như hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACC/VCIS), hệ thống hải quan một cửa ASIA…; mở rộng, phát triển và khai thác sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ công tác nội ngành và nghiệp vụ, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống quản lý tài sản nội ngành theo mô hình tập trung, hệ thống tổng kế toán nhà nước, hệ thống thông tin quản lý cán bộ theo mô hình tập trung, hệ thống thuế điện tử, … phục vụ được yêu cầu quản lý, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo ngành tài chính.
Đồng thời, duy trì ổn định hạ tầng thiết bị và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành tài chính đáp ứng được các yêu cầu về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin toàn ngành; phối hợp hoàn thiện trung tâm dữ liệu Bộ Tài chính tại Hòa Lạc; nghiên cứu xây dựng “đám mây” toàn ngành tài chính.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng gây ra không ít thách thức trong việc xây dựng hệ thống thể chế chính sách tài chính – ngân sách Nhà nước phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, theo hướng công khai, minh bạch, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng có thể gây sức ép tăng chi, đặc biệt là chi cho phát triển khoa học công nghiệp, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, chi cho cơ sở hạ tầng...
Ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết. trong thời gian tới nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với việc ứng dụng các thành quả công nghệ của các mạng công nghiệp; tích cực triển khai xây dựng, phát triển tài chính điện tử theo định hướng của Chính phủ điện tử.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đại Trí, ngành tài chính cũng sẽ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng nền tảng; trong đó tiếp cận những công nghệ mới nhất, đặc biệt là nền tảng điện toán đám mây để sẵn sàng cho việc triển khai các dịch vụ số, dịch vụ điện tử và tiếp tục nâng cao, phát triển nguồn nhân lực đối với cán bộ, công chức nói chung, đặc biệt là cán bộ làm công nghệ thông tin./.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-nganh-tai-chinh-phat-trien-nen-tang-chia-se-du-lieu/138669.html