Cách mạng Tháng Mười Nga với giá trị trường tồn về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) đã giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng một chế độ xã hội mới-xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN). Từ thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển nhiều vấn đề lý luận, trong đó, có lý luận bảo vệ Tổ quốc XHCN trực tiếp góp phần bảo vệ những thành quả to lớn của Cách mạng Tháng Mười, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) đã giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng một chế độ xã hội mới-xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN). Từ thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển nhiều vấn đề lý luận, trong đó, có lý luận bảo vệ Tổ quốc XHCN trực tiếp góp phần bảo vệ những thành quả to lớn của Cách mạng Tháng Mười, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong tiến trình lãnh đạo giai cấp vô sản, binh sĩ và nhân dân lao động Nga bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Mười, trước những mưu đồ phản động của giai cấp tư sản, phong kiến và quý tộc Nga đang ra sức câu kết chặt chẽ với các thế lực đế quốc bên ngoài hòng thủ tiêu chính quyền Xô viết, V.I.Lênin đã sớm nhận thức và dần định hình nên những luận thuyết cách mạng và khoa học về tính chất và trạng thái chủ động bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Người nói: "Kể từ ngày 25 tháng Mười 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tán thành bảo vệ Tổ quốc, những cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tư cách là tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa Xô viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”(1).

Lãnh tụ V.I.Lenin thuyết trình trước đông đảo nhân dân thành phố Petrograd. Ảnh: Sputnik.ru

Lãnh tụ V.I.Lenin thuyết trình trước đông đảo nhân dân thành phố Petrograd. Ảnh: Sputnik.ru

Chính vì vậy, ngay sau khi giành chính quyền, thay mặt Chính phủ lâm thời, V.I.Lênin đã ban bố liền hai sắc lệnh: Sắc lệnh về hòa bình (2) và Sắc lệnh về ruộng đất (3). Có thể nói, đây là những hành động đầu tiên, mang tính chủ động bảo vệ Tổ quốc XHCN rất cao mà V.I.Lênin đã thực hiện.

Trước nguy cơ thù trong giặc ngoài hòng bóp chết chính quyền Xô viết còn non trẻ, vào đầu năm 1918, V.I.Lênin đã ký Sắc lệch thành lập Hồng quân và Hải quân công nông. V.I.Lênin chỉ rõ: "Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình, và hãy nhớ rằng chúng ta không được phép lơ là một giây phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nhân dân của ta và bảo vệ những thành quả của họ”(4).

Như vậy, nhiệm vụ tất yếu, cấp thiết, rất quan trọng của chính quyền Xô viết là chuẩn bị ngay, chuẩn bị sớm việc xây dựng và thành lập một quân đội cách mạng, chính quy và được trang bị những vũ khí hiện đại nhất, được huấn luyện kỹ càng, được cung cấp một cách đầy đủ nhất ngay từ khi chưa có chiến tranh, nhằm sẵn sàng và chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, đánh bại mọi âm mưu và hành động xâm lược, lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch.

Vận dụng đúng đắn, phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin về bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của nước ta, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được cụ thể hóa qua đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân, bảo vệ miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc của nước ta là: "Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; bảo vệ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”(5). Trong bảo vệ Tổ quốc cần tập trung giải quyết hai vấn đề cơ bản quan hệ mật thiết với nhau đó là: Giữ vững hòa bình, ổn định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường sức mạnh, khả năng ngăn ngừa, đẩy lùi, loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh nếu xảy ra với mọi quy mô và trình độ.

Hiện nay, bên cạnh xu thế hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển, tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực trên thế giới. Trong nước, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN của chúng ta vừa có những thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp. Các thế lực phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ”, sử dụng chiêu bài "dân chủ”, "nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ XHCN ở nước ta. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế, tuy là xu thế tất yếu khách quan, tạo ra thế và lực mới nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nhiều thủ đoạn của kẻ thù được ẩn náu, che đậy trong các quan hệ kinh tế, thương mại, hợp tác, đầu tư làm cho chúng ta khó nhận mặt, chỉ tên.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” được xem như một trong hai chiến lược cơ bản của cách mạng Việt Nam, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết đã đánh giá một cách đúng đắn, khách quan tình hình thế giới, khu vực, đất nước; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, trong đó nêu rõ quan điểm nhất quán, khoa học về xác định đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Nghị quyết cũng đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Bổ sung rõ hơn, rộng hơn, toàn diện hơn về nhiều vấn đề mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: "Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa và lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng XHCN”(6). Văn kiện đã thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...

106 năm đã trôi qua, những vấn đề lý luận về bảo vệ Tổ quốc đã được tổng kết, khái quát từ thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn là cơ sở khoa học để Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp với tình hình mới, đồng thời làm cho giá trị tư tưởng bảo vệ Tổ quốc XHCN của V.I.Lênin có sức sống trường tồn.

Theo QĐND

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/18/183544/cach-mang-thang-muoi-nga-voi-gia-tri-truong-ton-ve-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc.htm